Nữ nghệ sĩ Việt đau đáu và tâm huyết những MV ca nhạc chiến tranh

NGUYÊN VŨ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đầu tư kỹ lưỡng công phu như một bộ phim ngắn, các nghệ sĩ Tố Nga, Phạm Phương Thảo, Thu Hằng thực hiện những MV ca nhạc về chiến tranh, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình của dân tộc.

MV thể hiện lòng biết ơn với thế hệ cha anh

NSƯT Tố Nga luôn đau đáu những sản phẩm âm nhạc về chiến tranh. Thực hiện MV cách đây 3 năm, nhưng “Cúc ơi” của NSƯT Tố Nga nói về sự hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đến nay vẫn khiến nhiều khán giả xúc động vì đã khắc họa chân thực sự hy sinh anh dũng của những nữ thanh niên xung phong.

Có thể nói, đây là một MV để đời, là nén tâm nhang trọn vẹn, thành kính nhất của Tố Nga gửi đến chị Cúc cùng các nữ TNXP anh hùng đã ngã xuống nơi ngã ba Đồng Lộc. Nó như một thước phim quay chậm giúp khán giả ngược thời gian trở về quá khứ, chứng kiến những nỗi niềm phía sau nụ cười, sau sự kiên cường, anh dũng của các chị, giúp người xem hiểu và trân quý hơn những hy sinh lớn lao của các chị dành cho Tổ quốc.

Năm 2019, NSƯT Tố Nga thực hiện tiếp MV “Gửi vào thương nhớ” với một lát cắt khác của chiến tranh. Như một bộ phim ngắn, MV dài 8 phút không đặc tả cảnh bom đạn, đau thương nhưng cũng đủ khiến cho không ít khán giả rơi lệ. “Gửi vào thương nhớ” là câu chuyện về tình phụ tử, tình yêu thương nơi hậu phương dành cho người lính Trường Sơn.

Ngày lên đường làm nhiệm vụ, người lính mang theo tình thương yêu của vợ và cô con gái bé nhỏ làm hành trang để vững bước ra trận. Khi giấy báo tử gửi về, người vợ đã khóc lặng, cô con gái bé nhỏ cũng không nguôi nỗi nhớ cha. Mang theo những ký ức đẹp về cha, gái trưởng thành, theo học ca hát chuyên nghiệp với tâm nguyện có thể mang tiếng hát làm đẹp cho đời, như lời cha căn dặn trước khi lên đường đi chiến đấu. Ngày tốt nghiệp, cô gái đã đề nghị thày, cô giáo cho phép được biểu diễn tại Nghĩa trang Đường 9, nơi cha cô và các đồng đội đã nằm xuống... 

Nữ nghệ sĩ Việt đau đáu và tâm huyết những MV ca nhạc chiến tranh - ảnh 1
Cảnh trong MV “Ru em nắm đất Truông Bồn” của ca sĩ Phạm Phương Thảo

Ca khúc “Gửi vào thương nhớ” được nhạc sĩ Lê Trọng Lập phổ nhạc từ bài thơ “Viếng mộ Ba” của tác giả Minh Ngọc viết cho người cha đã hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế. Bài thơ dung dị nhưng chất chứa yêu thương, mong chờ của tác giả dành cho cha mình. MV thể hiện một khía cạnh khác của cuộc chiến, không chỉ có sự khốc liệt với bom rơi, đạn nổ mà còn là những ký ức đẹp đẽ của những người vợ, người con dành cho người lính. 

Đề tài chiến tranh luôn là nỗi đau đáu của nhiều nữ nghệ sĩ. Năm 2017, nữ ca sĩ Phạm Phương Thảo cũng làm MV "Mười đóa sen thơm" do chính chị sáng tác và trình bày, dựng lên hình tượng đẹp đẽ, tinh khiết về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Chị không nhìn chiến tranh ở sự khốc liệt, nỗi đau mà ở vẻ đẹp, sự dũng cảm và bất khuất của 10 cô gái. Ca khúc ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của những con người ra trận, nhưng ẩn sâu sau những thước phim, những lời ca, người xem vẫn thấu hiểu được sự hy sinh, mất mát đó là vô giá. "Mười đóa sen thơm" là những hình ảnh chân thực, cao đẹp và cả những ước mơ thật bình dị của những người nữ TNXP anh hùng Ngã ba Đồng Lộc năm ấy. 

Ngoài "Mười đóa sen thơm", Phạm Phương Thảo còn ra DVD "Tri ân" gồm 8 MV "Ru em nắm đất Truông Bồn", "Chấp chới sông Lam", "Đất mẹ ngày về", "Con xin ở lại nơi này", "Ân tình mẹ", "Trông cây lại nhớ đến người", "Mười đóa sen thơm", "Mẹ Việt Nam" được thực hiện theo chiều dài đất nước, những vùng đất có ý nghĩa đã đi vào lịch sử như Truông Bồn, Hà Tĩnh, Quảng Trị... Đó là một DVD được đầu tư kỹ lưỡng với ê kíp 3 đạo diễn, tái hiện lại những góc nhìn về chiến tranh, có khi là chiến trận, là bom đạn, có khi là những nấm mồ vô danh, có khi là nỗi đau của người mẹ mòn mỏi chờ chồng, chờ con…

Nữ nghệ sĩ Việt đau đáu và tâm huyết những MV ca nhạc chiến tranh - ảnh 2
Một hình ảnh xúc động trong MV “Cúc ơi” của nghệ sĩ Tố Nga 

Một gương mặt trẻ tuổi là Sao Mai Thu Hằng cũng dành tình cảm, lòng biết ơn của mình với thế hệ cha anh, qua phim ca nhạc “Hồn ngàn thu”. Tác phẩm được nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam viết riêng dành tặng cho Thu Hằng. Theo chia sẻ của nữ ca sĩ sinh năm 1995, cô đã nhận được món quà này từ khá lâu trước đó. Lòng biết ơn, sự tự hào dành cho thế hệ cha anh đã giúp Thu Hằng “gom” cảm xúc rất tốt và hoàn thành việc thu âm chỉ với một lần duy nhất - dù thể hiện ca khúc dòng nhạc thính phòng không phải điều dễ dàng với ca sĩ quen hát nhạc dân gian như cô.

“Hồn ngàn thu” theo chân cô gái trẻ (Thu Hằng) trên hành trình một mình đi tìm lại hài cốt của người bố đã hy sinh nơi chiến trường Quảng Trị. Hình ảnh Thu Hằng một mình băng qua nhiều nẻo đường lịch sử khiến người xem liên tưởng tới chặng đường hành quân gian khổ nhưng oanh liệt của những người lính khi xưa. Cũng từ câu chuyện của một gia đình ấy, khán giả như thấy được dáng hình của cả một dân tộc với đầy những mất mát nhưng không kém phần hào hùng.

Nỗ lực, tâm huyết và định mệnh?

Những MV của các nghệ sĩ được thực hiện đầy kỳ công, thể hiện tâm huyết của họ. Không chỉ hát bằng cả tấm lòng, nghệ sĩ Tố Nga khi thực hiện MV “Cúc ơi” đã cùng đoàn phim dựng lại hình ảnh thời chiến tranh với những nữ TNXP hăng hái ngày đêm san đường, lấp hố bom giữ thông tuyến đường chiến đấu, huy động 200 diễn viên quần chúng là các chiến sĩ bộ đội và các học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Tĩnh. Toàn bộ cảnh bom mìn trong MV đều có sự cố vấn bên quân đội để có những cảnh chân thực nhất. Chính nhờ sự quyết liệt, lăn xả như vậy mà MV “Cúc ơi” đã thực hiện được những cảnh quay vô cùng chân thực, tái hiện lại hình ảnh những nữ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc năm nào. 

Với MV “Gửi vào thương nhớ”, NSƯT Tố Nga chia sẻ có sự tham gia của 400 diễn viên không chuyên cùng dàn nhạc giao hưởng biểu diễn tại Nghĩa trang Đường 9. NSƯT Tố Nga cũng đã mời những nghệ sĩ thuộc dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Huế vào hỗ trợ. Khó khăn hơn là việc phải vận chuyển chiếc đàn piano 3 cánh từ Huế vào tới Quảng Trị.

Nữ nghệ sĩ Việt đau đáu và tâm huyết những MV ca nhạc chiến tranh - ảnh 3
Thu Hằng trong phim ca nhạc "Hồn ngàn thu"

Cả ê-kíp phải mất 6 tháng để hoàn thành sản phẩm này. Đó là nỗ lực và tâm huyết của không chỉ riêng Tố Nga mà của rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên khi muốn thực hiện một sản phẩm âm nhạc tri ân những người lính đã ngã xuống. Nói như nghệ sĩ Tố Nga, chị cảm thấy việc thực hiện MV như định mệnh đặt sẵn lên vai mình. “Cảm xúc hay những gì tôi cảm nhận trên con đường mình đi là những gì giá trị tôi nhận lại được” - Tố Nga cho biết.

Hay, với phim ca nhạc “Hồn ngàn thu”, Thu Hằng cùng ê-kíp gần 70 người đã trải qua 10 ngày ghi hình tại các địa điểm linh thiêng thuộc mảnh đất Quảng Trị như: Chiến trường Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, nghĩa trang Trường Sơn hay hang Tám Cô. Theo chia sẻ của nữ ca sĩ, đây là chuyến đi xa lâu ngày nhất của cô kể từ khi sinh con gái đầu lòng cuối năm 2020. Mặc dù vậy, Thu Hằng vẫn cảm thấy rất vui khi có thể thực hiện một phim ca nhạc thay lời tri ân của cô dành cho thế hệ cha anh đã ngã xuống vì đất nước này.

Mỗi nữ nghệ sĩ đều tìm cách tái hiện chiến tranh theo cách nhìn riêng của mình, có khi là những ký ức chiến tranh đau thương, chia cắt, nhưng đan xen với đó là tình yêu, là ánh trăng, hoa cỏ đầy lãng mạn, thơ mộng. Qua đó, khán giả xúc động nhưng không cảm thấy quá bi lụy, đủ day dứt để không thể quên đi quá khứ với cha anh đã hy sinh để đất nước, người thân có nền độc lập, hòa bình. 

Thời gian này, Sao Mai Thu Hằng đang trên đường thực hiện phim ca nhạc về đề tài chiến tranh. Nắng nóng, quay phim về chiến tranh vô cùng cực khổ, nhưng cô tự hào vì mình được góp một phần bé nhỏ tái hiện những ký ức hào hùng của dân tộc. 

Có thể nói, nỗ lực của các nữ nghệ sĩ với MV ca nhạc về chiến tranh là một cách để họ tri ân quá khứ và để nhắn nhủ đến thế hệ bạn trẻ biết sống tử tế, tốt đẹp hơn ở hiện tại và tương lai trước những hy sinh vĩ đại của cha anh cho hòa bình của dân tộc. 

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.