Nữ phi hành gia Ả-Rập đầu tiên bay vào vũ trụ

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cô Rayyanah Barnawi sẽ trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Ả-Rập Xê-út lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào Quý II/2023.

Ủy ban Vũ trụ Ả-rập Xê-út thông báo, nữ phi hành gia Barnawi cùng với một nam phi hành gia khác là Ali al-Qarni sẽ được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong một sứ mệnh không gian mang tên Axiom Mission 2 (AX-2).

Cô sẽ trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Ả-Rập Xê-út bay vào vũ trụ. Sau thông báo này, chắc chắn Barnawi đã trở thành nguồn cảm hứng cho phụ nữ trong cả khu vực. Tuy nhiên, ngay cả trước khi cô tham gia sứ mệnh này, nữ phi hành gia đã là người mà nhiều cô gái trẻ ở Ả-Rập Xê-út ngưỡng mộ. 

Barnawi sớm thể hiện sự thông minh của mình khi tốt nghiệp cùng lúc hai bằng Cử nhân Y sinh của Đại học Otago (New Zealand) và Thạc sĩ Y sinh của Đại học Alfaisal (Ả-Rập Xê-út). Không chỉ vậy, cô còn có tới 9 năm kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu về tế bào gốc ung thư.

Barnawi giữ vai trò là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện chuyên khoa King Faisal tại Thủ đô Riyadh (Ả-Rập Xê-út) khi được lựa chọn làm nữ phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ của quốc gia Trung Đông này.

Nữ phi hành gia Ả-Rập đầu tiên bay vào vũ trụ - ảnh 1
Nữ phi hành gia Rayyanah Barnawi (thứ 2 trái sang) cùng 2 phi công dự bị trong dự án AX-2 Ảnh: Cruy

Nữ phi hành gia chia sẻ cô đã rất hạnh phúc khi vượt qua nhiều ứng viên xuất sắc khác để được thực hiện nhiệm vụ bay vào không gian. "Khi tôi chuyển đến Trung Đông 20 năm trước, Ả-Rập Xê-Út là một Vương quốc bảo thủ, khép kín. Phụ nữ không có nhiều quyền, họ không được làm những điều mà bản thân mong muốn do phải phụ thuộc vào người giám hộ là nam giới của mình. Tuy nhiên, trong vài năm qua, làn gió hiện đại đã bắt đầu quét qua Ả-Rập Xê-út. Tôi chưa từng dám mơ tới việc mình sẽ được bay vào khoảng không bao la như vậy. Nhưng tôi nhất định sẽ nỗ lực để có thể bay ra khỏi Trái đất và mang theo tiếng nói của tất cả phụ nữ Ả-Rập", cô chia sẻ.

Barnawi tiết lộ cô sẽ tham gia một khóa huấn luyện với tên gọi: "Chương trình chuyến bay vũ trụ của Ủy ban Vũ trụ Ả-Rập Xê-út". Đây là một chương trình đào tạo khắc nghiệt cả về thể chất lẫn tinh thần nhằm giúp các phi hành gia có thể đối diện với những thay đổi đột ngột, môi trường khắc nghiệt, cũng như làm việc dưới áp lực cực cao và những sự cố không mong muốn khi ra ngoài vũ trụ. "Khóa huấn luyện giống như một cơn ác mộng, đã từng có lúc tôi muốn bỏ cuộc vì bị vắt kiệt sức lực, chứng chóng mặt và các chấn thương", cô nói. 

Nữ phi hành gia Ả-Rập đầu tiên bay vào vũ trụ - ảnh 2
Rayyanah Barnawi. Ảnh: Square Space

Cuối cùng, bằng nghị lực và ý chí Barnawi đã hoàn thành khóa huấn luyện. Nữ phi hành gia cho biết, việc cô được lựa chọn đã chứng minh cho tài năng của phụ nữ không thua kém gì nam giới. Nữ phi hành gia còn kỳ vọng chuyến đi của cô sẽ truyền cảm hứng cho các nữ sinh viên ở Ả-Rập Xê-út, đặc biệt là tăng cường sự quan tâm của sinh viên tới các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho việc tăng cường các nỗ lực vì bình đẳng giới tại quốc gia Trung Đông này. Khi Barnawi tiến vào vũ trụ, cô không chỉ nhận được những điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học của đất nước mà còn mang đến cho phụ nữ Ả-Rập cơ hội mơ ước lớn hơn.

Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài nữa để đạt được quyền của phụ nữ ở Ả-Rập Xê-út, nhưng khi nhắc tới Rayyanah Barnawi, người ta sẽ nhớ tới một nữ phi hành gia đầu tiên. Các bé gái của Ả-Rập sẽ được trao quyền khi chứng kiến Rayyanah bước vào lĩnh vực do nam giới thống trị, điều này nói với họ rằng ngay cả không gian cũng không còn nằm ngoài tầm với của họ. Phụ nữ ở nước này đã được trao nhiều quyền và tự do hơn trong vài năm qua.

Những tiến bộ phải kể đến như phụ nữ có thể tự lái xe và đi du lịch nước ngoài mà không cần có người giám hộ là nam giới được coi là hợp pháp hay tỷ lệ nữ trong lực lượng lao động cũng tăng đáng kể kể từ năm 2017. Đặc biệt sứ mệnh không gian AX-2 có sự tham gia của nữ phi hành gia Rayyanah Barnawi càng chứng minh một chân lý rằng phụ nữ có thể làm được tất cả mọi việc và thế giới phải nhận ra rằng phụ nữ không thể bị xiềng xích trong nhà và lò sưởi, giờ đây, họ đã sẵn sàng để chinh phục bầu trời, không gian. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.