Nữ Phó Tổng thống hết lòng vì bình đẳng xã hội

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là một phụ nữ da màu và người mẹ đơn thân từng phải kiếm sống bằng nghề giúp việc, sự kiện bà Francia Marquez được bầu làm Phó Tổng thống Colombia mới đây đã trở thành bước ngoặt ở đất nước mà vấn đề bất bình đẳng xã hội luôn nhức nhối bởi sự điều hành của các chính khách nam da trắng.

Người phụ nữ gan góc

Sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở vùng Cauca, phía Tây Nam Colombia, năm 16 tuổi Marquez đã phải làm việc nặng nhọc ở một mỏ vàng cách nhà vài cây số để phụ giúp gia đình và sau đó được thuê làm người giúp việc. Sớm nhận ra sự tàn phá môi trường khủng khiếp đến từ hoạt động khai thác này, bà đã trở thành nhà hoạt động môi trường. 

Khi đó, Marquez biết rằng có một công ty muốn khởi động dự án mở rộng con đập trên sông chính của khu vực Ovejas. Việc này sẽ gây ra tác động lớn đến hoạt động nông nghiệp và khai thác thủ công vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều thế hệ trong cộng đồng người Afro-Colombia (cộng đồng thiểu số nơi bà sinh ra và lớn lên) sống bên bờ sông từ thế kỷ XVII.

Do đó, “Chiến dịch sông Ovejas” kéo dài suốt 20 năm đã ra đời nhằm chống ô nhiễm khu vực này. Đặc biệt vào năm 2019, bà Marquez may mắn sống sót sau khi bị một nhóm các tay súng ám sát nhằm “giết chết” phong trào chống lại các công ty khai thác mỏ. Marquez còn được biết đến rộng rãi nhờ cuộc tuần hành đi bộ 500km vì môi trường do bà tổ chức với sự tham gia của 80 phụ nữ từ Cauca đến Bogota trong 10 ngày để phản đối hoạt động khai thác vàng trái phép và thải các chất thủy ngân và cyanua độc hại xuống dòng sông Ovejas.

Nhiều phụ nữ địa phương chưa bao giờ rời thị trấn nhỏ của họ nhưng được truyền cảm hứng bởi lòng dũng cảm của Marquez, họ đã sát cánh đấu tranh cùng bà. Cuối cùng, nhóm của bà chiến thắng và chính phủ cam kết phá hủy tất cả các trang trại bất hợp pháp xung quanh khu vực sông Ovejas.

“Tôi đại diện cho các dòng sông, cánh rừng lên tiếng trước sự tàn phá của con người. Tôi mơ ước một ngày nào đó loài người sẽ thay đổi mô hình kinh tế đang bức tử thiên nhiên để hướng tới một cuộc sống bền vững hơn”, bà tuyên bố.

Nữ Phó Tổng thống hết lòng vì bình đẳng xã hội - ảnh 1
Bà Francia Marquez (Ảnh: NyTimes)

Đấu tranh vì bình đẳng và nữ quyền

Nạn phân biệt chủng tộc xảy ra phổ biến ở Colombia tới mức trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, bà Francia Marquez luôn phải đối diện với hàng loạt công kích từ phía người nổi tiếng lẫn người dùng mạng xã hội khi họ miệt thị bà bằng các lý do chủng tộc và giai cấp.

Cụ thể, theo thống kê của Đài quan sát Phân biệt chủng tộc tại đại học Los Andes (Colombia), từ tháng 4/2022, bà đã nhận được hơn 1.000 bình luận và tin nhắn với nội dung phân biệt chủng tộc và miệt thị giai cấp trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Mặc dù vậy điều đó cũng không thể khiến bà chùn bước và người phụ nữ kiên cường đã gây được tiếng vang trên con đường vận động tranh cử của mình bằng nhiều bài phát biểu về nữ quyền: “Phụ nữ chúng ta sẽ xóa bỏ chế độ phụ hệ ở đất nước này, hãy vì quyền của cộng đồng LGBTIQ+ (sự đa dạng của con người dựa trên xu hướng bản dạng giới-PV) và hãy đấu tranh vì quyền của Mẹ Trái đất”.

Việc bà Francia Marquez được bầu làm Phó Tổng thống Colombia mang ý nghĩa đặc biệt, không chỉ đại diện cho lực lượng phụ nữ thường xuyên phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa giai cấp và thậm chí là các vụ ám sát, mà còn cho cả một cộng đồng bị gạt ra ngoài lề chính trị ở Colombia. Bà khẳng định, sau 214 năm đất nước Colombia đã có một chính phủ của nhân dân, một chính phủ vì tất cả những người nghèo đói tại quốc gia Nam Mỹ này. 

Ngay khi vừa nhậm chức, bà Marquez đã thành lập “Bộ Bình đẳng giới” với nhiệm vụ nâng cao quyền năng của phụ nữ, đồng thời, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục. Bà luôn đề cao vai trò của phụ nữ da màu và người dân bản địa trong các cuộc chiến bảo vệ môi trường, đất đai và đòi quyền bình đẳng.

Vượt qua sự phân biệt giới tính, chủng tộc và tham nhũng để dẫn đầu các phong trào bình đẳng, bà Marquez đã được trao quyền mạnh mẽ hơn trong chính phủ. Người phụ nữ ấy khẳng định sẽ không dừng lại dù có bất cứ khó khăn nào, bà sẽ làm tất cả để thực hiện mong ước của mình: “Chúng tôi là những người phụ nữ, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh mang lại hòa bình và tự do cho người dân của chúng tôi”.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.