Nũng phải khéo...

LƯƠNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều khi chỉ cần vài ba chị em ngồi chụm lại với suất ăn trưa, mấy ly nước ép và những câu chuyện giảm béo, tập gym, tìm trường cho con... thế là thành “cái chợ” giữa cơ quan. Ai cũng cho đó là “cái chợ” tầm phào nhưng riêng tôi lại không nghĩ thế. Tôi thấy mình bấy lâu khôn ra nhờ những cái “chợ”, biết đâu nếu lắng nghe chị em “đàm thiên thuyết địa” lại biết khối điều lý thú. Một trong những câu chuyện ấy là chủ để làm nũng của phái đẹp, hay nói đúng hơn đó là một nghệ thuật của phụ nữ.

Chuyện làm nũng thì nhiều nhưng “kinh điển” nhất là câu nói của một chị trưởng phòng: “Ngày ấy mình dại quá, chưa gì đã cưới lão chồng mình. Biết thế cứ yêu lâu lâu để được làm nũng lão ta có phải sướng hơn không?”. Sau những tiếng cười đắc ý, một chị phân tích: “Thì bây giờ các cháu lớn cả rồi, bà ngoại làm nũng ông ngoại cũng có muộn đâu?”. Nghe thế, ai cũng phải bật cười nhưng ngẫm ra, câu nói của chị trưởng phòng cũng có lý. Hình như ở độ tuổi nào con người ta cũng cần một chút gia vị tình yêu ấy để “bữa tiệc” hôn nhân không mất đi sự thi vị. Nhưng có điều, nũng thế nào lại không đơn giản, hay nói như nhiều bạn trẻ là: “Nũng cũng cần phải học…”.

Nũng phải khéo... - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trước đây, tôi ngồi chung phòng với một sếp phó phòng. Còn nhớ ngày tôi mới đến làm, cứ tầm hơn mười giờ sáng, thể nào mọi người trong phòng tôi cũng nghe thấy phu nhân của sếp phó gọi điện. Chưa kịp nghe xong những tiếng léo nhéo trong điện thoại, sếp phó đã “gầm” lên: “Cô lắm chuyện thật, mùa này thì lấy đâu ra… chợ làm gì còn bán…”; Lần khác lại là một điệp khúc khác: “Thời tiết thay đổi thôi mà cô làm ầm lên, dịch đâu ra mà lây nhanh thế, yên để tôi còn làm việc”… 

Nghe thế, ai cũng nghĩ anh phó phòng này khó tính, khô khan, cục cằn. Tôi đoán ông này lấy vợ muộn hoặc đã qua một lần hôn nhân nên giờ phải gắng sức chiều cô vợ trẻ. Ấy thế mà trong một lần cả cơ quan đến nhà anh nhậu, tôi mới tá hỏa. Hóa ra, vợ ông cũng lớn tuổi chẳng kém anh là mấy nhưng chị lại rất khéo trong việc… làm nũng. Dần dà tôi hiểu ra anh phó phòng quát to thế chứ thực tình anh cũng rất thích cái khoản nũng nịu của vợ. Ông quát để lấy uy, lấy lệ còn thực bụng rất yêu chiều, quan tâm đến vợ từ thỏi son, cái váy, cái khăn đến những thói quen khác của vợ… 

Nũng phải khéo... - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nũng có cái hay của nũng nhưng để nũng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc thì vẫn phải là những tình cảm tự đáy lòng chứ đâu chỉ ở những lời nói. Tôi từng có một người hàng xóm nũng nịu rất khéo hay nói đúng hơn, chị biết tận dụng tối đa sự dịu dàng nữ tính của mình để cảm hóa anh chồng. Còn nhớ một lần vào dịp cuối năm, không hiểu sao anh chồng chị lại nổi cáu không muốn về ngoại ăn Tết. Chị vợ lựa lời khuyên bảo, bàn bạc thế nào anh cũng nhất quyết không nghe, thậm chí còn khùng lên tuyên bố này nọ, như thể cuộc hôn nhân đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. 

Thật không ngờ, chị vợ không hề phản ứng dữ dội mà còn chẳng hề kêu ca oán thán, lặng lẽ lấy quần áo từ va-li ra và lại xếp vào tủ, như chưa hề có ý định chuẩn bị đồ đạc về Tết. Lát sau, chị vác cuốc ra vườn xới đất, gieo thêm ít hạt cải, đánh mấy cây con ra trồng… tất cả diễn ra bình lặng, vui vẻ như thể ngày mai, ngày kia vẫn còn ở nhà. Ai đi qua hỏi nhà hỏi thăm có về Tết không chị đểu lảng tránh sang chuyện khác.

Hăm chín Tết, anh chồng được nghỉ làm đi về thấy vợ cứ hì hục hết trong nhà, ngoài sân quét dọn, lau rửa trang hoàng đón Tết. Lúc này, con cái đã về ngoại cả, nhà còn hai vợ chồng không khí Tết đến cũng buồn, đã thế cô vợ lại chẳng nói năng, bàn luận gì, cứ hì hục vườn tược khiến anh chồng cũng thấy là lạ. Nhưng anh còn phục chị ở chỗ biết chị không bằng lòng mà vẫn quan tâm đến anh từ bát mì sáng đến ly cà phê, cặm cụi lau đôi giày được bóng loáng… 

Nũng phải khéo... - ảnh 3
Ảnh minh họa

Anh hàng xóm của tôi thừa hiểu chị vợ đang phản ứng nhưng lại chẳng có cớ gì để nói. Thấy thương vợ, mấy lần anh gợi chuyện về Tết nhưng chị đều gạt đi, coi như chưa từng có ý định về quê ăn Tết với bố mẹ. Cuối chiều hôm ấy, tôi thấy hai người khóa cửa sang dặn tôi trông nom nhà cửa và lên xe về quê. Sau này, khi nghe chị kể lại, tôi hỏi: “Thế  lúc đó chị nghĩ gì?”. Chị cười và trả lời: “Nghĩ gì ư? Tất nhiên là tức, là tủi thân nhưng chị đâu phải cô dâu trẻ mới về nhà chồng, đầu bốn cả rồi, con cái lớn tướng. Phải biết “nũng” “khác người” mới hiệu quả và an toàn chứ cậu”. 

Nũng cũng có thể là yếu điểm của phụ nữ nếu như người đàn ông không nhận ra giá trị của thứ “gia vị” hạnh phúc ấy. Có một anh ở cơ quan tôi rất ít khi đưa vợ đi chơi, ai hỏi thì anh luôn miệng gắt: “Tôi ghét nhất là đi chơi phải mang theo “hàng xách tay” ông ạ”. Nghe xong ai cũng nghĩ anh ích kỷ hay có cái máu gái gú nhưng thực ra anh là người thật thà, chịu khó, sống có trách nhiệm với gia đình. Có điều, anh chúa ghét kiểu à ơi lúc A lúc B, đang thế này lài đòi thế kia của phụ nữ.

Nũng phải khéo... - ảnh 4
Ảnh minh họa

Anh quan niệm đã là hôn nhân chỉ có trách nhiệm, gia đình không có chỗ cho những trò nũng nịu, ẽo ợt của thời đang yêu. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của ấy”, cô vợ anh lại ưa được cưng chiều như thuở mới tán tỉnh, thích chồng vất vả vì mình. Có lẽ vì thế mà dần dần giữa họ không có tiếng nói chung. Một ngày, tôi biết tin họ đã chia tay nhau trong sự tôn trọng của cả hai. Các con ở với mẹ, anh thì lại vùi đầu vào công việc. Nghĩ cũng tiếc, nếu chị vợ biết tiết chế kiểu làm nũng ấy và anh chồng hiểu tâm lý phụ nữ hơn.

Nũng có cái hay của nũng nhưng sâu thẳm trong tâm hồn phải là tình yêu đích thực, vợ chồng phải biết thương yêu và trân trọng những gì cả hai cùng gây dựng thì mới giữ được hạnh phúc bền lâu. Thế nên, nũng phải khéo…

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.