“Nuôi dưỡng vẻ đẹp trong tâm hồn người nghệ sĩ là nhiệm vụ quan trọng nhất”

Chia sẻ

Nhân dịp 20/11 cũng là kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, đã ra mắt cuốn sách đặc biệt “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam”. Đây là công trình anh ấp ủ trong vòng 10 năm để có thể có một tài liệu quý giúp các thế hệ học sinh thanh nhạc tiếp cận nhanh và giỏi hơn với Opera.

- Thưa NSND Quốc Hưng, cuốn sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam” mà anh vừa ra mắt có thể coi là món quà của một người nghệ sĩ mà cả đời đã và đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, dành cho các thế hệ học trò ngành thanh nhạc không?

- Có thể nói cuốn sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam” đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của tôi. Đây là một cuốn sách mà tôi vô cùng tâm huyết, bởi trong suốt cả một chặng đường mấy chục năm cống hiến cho giáo dục và nghệ thuật, tôi đã dày công nghiên cứu bằng cả sự yêu thích, say mê bộ môn này. Khi còn trẻ, tôi có cơ hội được sang nhà hát Opera Hannover của Đức để thực tập và học tập vở opera “Viên đạn thẳng”, thời gian này, tôi được gặp rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới diễn ở nhà hát đó và được làm việc cùng nhiều giáo sư hàng đầu của Đức trong lĩnh vực này. Mặc dù đã được học các tác phẩm opera nước ngoài ở Nhạc viện Hà Nội, nhưng thú thực là tôi chưa thể cảm nhận được hết về Opera, đến khi sang châu Âu thì tôi mới hiểu rõ những gì các thầy ở Việt Nam đã dạy, và từ đó thấu hiểu và cảm nhận được thế nào là Opera, thế nào là nghệ thuật đỉnh cao. Sau khi học xong khoá học tại Đức, tôi đã hiểu thêm rất nhiều điều về nghệ thuật Opera châu Âu, tuy nhiên Opera ở Việt Nam thì lại quá non trẻ, chỉ có thể được gọi là thanh nhạc mà thôi. Vì vậy, tôi mong muốn viết cuốn sách này, là sự đúc kết về những kiến thức của người Việt Nam trong hát Opera, hy vọng nó sẽ là một cuốn cẩm nang cho các thầy cô giáo đang theo chuyên ngành đào tạo thanh nhạc cũng như những bạn sinh viên đang học trong ngành thanh nhạc của Việt Nam.

Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng.Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

- Cuốn sách này đã lấy của anh bao nhiêu tâm sức suốt 10 năm ấp ủ?

- 10 năm theo đuổi đề tài, kể từ khi tôi bắt đầu học tiến sĩ là nửa chặng đường sự nghiệp giáo dục của tôi. Để có thể thực sự đào tạo được một nghệ sĩ Opera ở Việt Nam còn khá là khó. Trong cuốn sách này, tôi đã đi phỏng vấn rất nhiều giáo sư, các nghệ sĩ đầu ngành của thanh nhạc, các nghệ sĩ giáo sư sáng tác cũng như các nghệ sĩ giáo sư chỉ huy của Việt Nam. Sau gần 11 năm đúc kết tôi mới ra được cuốn sách về đào tạo các nghệ sĩ Opera tại Việt Nam.

Được biết, các giảng viên trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng đang rất nỗ lực ra mắt các công trình nghiên cứu để bổ khuyết cho những điểm yếu và thiếu cho công tác giáo dục và phát triển âm nhạc Việt Nam, ở góc độ một trưởng khoa thanh nhạc của Học viện, anh đánh giá việc yếu và thiếu này như thế nào? Nỗ lực của các giảng viên đã đáp ứng được bao nhiêu mong muốn ấy?

- Trong lĩnh vực thanh nhạc, giáo sư Trung Kiên có viết 3 cuốn sách về thanh nhạc và nhà giáo Hồ Mộng La cũng có một cuốn sách viết về lĩnh vực thanh nhạc thế giới đó là 4 cuốn sách mà các giảng viên thanh nhạc ai cũng có và bây giờ thì thêm cuốn của tôi là thứ 5. Tôi được biết sắp tới đây sẽ còn nhiều cuốn sách nữa ra đời nhờ tâm huyết của các nghệ sĩ - nhà giáo. Trong bối cảnh các tư liệu học tập về Opera còn rất thiếu thì các cuốn sách của nghệ sĩ, tiến sĩ đều là những cơ sở rất tốt để cho giảng viên, học sinh sinh viên các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp lấy đó làm cẩm nang.

Anh vừa là một nghệ sĩ, lại vừa là một người thầy, hai vai trò này có khi nào bị… lẫn vào nhau? Người nghệ sĩ làm giáo viên có mềm mỏng hơn một giáo viên thuần tuý không?

- Đúng là một người nghệ sĩ làm giáo viên có mềm mỏng hơn một giáo viên thuần tuý. Thật ra một giáo viên đơn thuần thì phải đúng “chuẩn”, nhưng người vừa làm giáo viên vừa làm nghệ sĩ thì lại có sự mềm mỏng, uyển chuyển hơn ngay từ cách xử lý tác phẩm, bởi tất cả đều được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn trên sân khấu. Do đó, nếu được học những người vừa là giảng viên vừa là nghệ sĩ thì khả năng thành công của các học viên là rất cao.

TS âm nhạc Tân Nhàn, đồng nghiệp của anh, có nói vui rằng anh có ưu điểm là rất thương học sinh, nhưng nhược điểm lại là… “thương quá”. Trong lời nhận xét vui này, có bao nhiêu % là sự thực? Theo anh, người giáo viên có nên…”thương quá” học sinh không?

- Ở khoa thanh nhạc chúng tôi có đặc thù là các giảng viên đều rất thương học sinh. Lý do vì người học trò thanh nhạc và người thầy gắn bó với nhau chặng đường rất dài. Nếu học hết cả trung cấp đến đại học là 8 năm. Điều đó giúp tình cảm giữa thầy và trò gắn bó hơn. Làm người thầy mà “thương quá” học sinh đúng là nhược điểm vì học sinh đôi khi sẽ ỷ lại vào thầy, nhưng, tôi nghĩ ở khía cạnh nào đó thì cũng là ưu điểm của thầy cô chúng tôi. Khi thương học sinh nhiều, chúng tôi sẽ giống một gia đình, tình cảm gắn bó hơn và dễ uốn nắn các em hơn.

-Với vai trò là một người thầy đào tạo nên những nghệ sĩ cho tương lai, với anh, điều anh quan trọng nhất khi đào tạo một nghệ sĩ “nên người” là gì?

-Điều quan trọng nhất khi đào tạo 1 nghệ sĩ là đào tạo nhân cách và nuôi dưỡng vẻ đẹp trong tâm hồn của 1 người nghệ sĩ.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này.

NAM PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.