Ở nhà chăm con có phải sự hy sinh trọn vẹn?

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày nay, nhiều phụ nữ lựa chọn đặt việc chăm sóc con cái lên trên sự nghiệp của bản thân, với quan niệm, ở nhà không có nghĩa là buông xuôi và vô dụng.

Chăm con cũng là một… nghề

Nếu có ai hỏi nghề nào bị đem ra đánh giá nhiều nhất, thì có lẽ không ít bà mẹ bỉm sữa sẽ có cùng suy nghĩ: Nghề làm mẹ. Chỉ làm dâu một nhà, làm vợ một người và làm mẹ của một hay một vài em bé, nhưng nghề “làm mẹ” như thể làm dâu trăm họ, đối diện với muôn vàn soi xét, căn vặn. Ấy thế nhưng nhiều bà mẹ vẫn chấp nhận ở nhà chăm con. Hơn cả chấp nhận, là một tình yêu bao la dành cho con cái mình, và xem chăm con như một… nghề cần phải làm bài bản, khoa học và tới nơi tới chốn.

Từng là một nhân viên ngân hàng và có kinh doanh riêng, Vũ Thảo (31 tuổi) quyết định nghỉ việc để làm một người mẹ toàn thời gian, vì cô muốn “ở bên con những năm tháng đầu đời và cùng con lớn lên”. Với Thảo, làm mẹ là công việc rất bận. Nhất là trong thời buổi bây giờ, có quá nhiều phương pháp nuôi dạy con được quảng cáo là hiệu quả, nên chỉ việc lựa chọn nuôi con, bên con theo phương pháp nào cũng khiến bà mẹ trẻ đau đầu. Cùng với đó là áp lực từ việc... chọn ở nhà nuôi con. “Nhiều người vẫn cho rằng, ở nhà nuôi con thì sướng quá rồi, cả ngày chỉ bên con, con ngủ thì mẹ cũng ngủ, con ăn thì mẹ cũng ăn. Lại thêm cả chuyện bày đặt nuôi con khoa với chả học mà con vẫn còi dí, bao người nuôi con theo truyền thống mà con vẫn bụ bẫm? Mình từng rất bận tâm và lo lắng về những điều đó” - Thảo nói.

Ở nhà chăm con có phải sự hy sinh trọn vẹn? - ảnh 1
Chị Thảo và con gái

Nhưng, ở nhà nuôi con không có nghĩa là người mẹ mặc nhiên chấp nhận những lời định kiến đó. Ngay từ khi mang bầu và theo từng giai đoạn lớn lên của con, Thảo liên tục đọc các cuốn sách về thai giáo, về các phương pháp ăn dặm khoa học và áp dụng cho con để tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Từng rất nhiều lần con bỏ sữa, khóc lóc, gắt ngủ… nhưng Thảo vẫn “tinh thần thép”. Nhờ vậy, khi em bé đã được 9 tháng, dù vẫn chưa mọc cái răng nào nhưng Thảo tự tin chia sẻ đã “tốt nghiệp” lớp ăn thô và có thể ăn cả thế giới. Mỗi bữa ăn đều là không điện thoại, không tivi, không ép ăn, chỉ gói gọn trong 20-30 phút nhưng xuyên suốt là tiếng cười, ăn trong vui vẻ, không khóc lóc. Mio là một em bé vui vẻ, cả ngày cười nói, biết ôm thơm mẹ, biết chơi những trò chơi mẹ dậy, biết vỗ tay hoan hô, biết vẫy tay chào mọi người, biết làm theo những gì mẹ nói. Thế đấy, thế là quá đủ rồi với một người mẹ”.

Nếu chỉ lấy sự phát triển của con ra để so sánh, thì chắc chắn mẹ con Thảo là mơ ước của nhiều bà mẹ. Bởi họ không đủ thời gian và kiên nhẫn để rèn con từ sớm như vậy. Thế mới nói, làm mẹ là cả một nghề, và theo Thảo, cô không nghĩ đó chỉ là sự hy sinh, mà là thành công của việc làm mẹ, dù hành trình này sẽ còn rất dài. 

Cũng như Thảo, Phương Anh chọn ở nhà để dành toàn thời gian chăm hai con, bởi cô “chưa thể tỉnh ngộ khỏi cơn mê muội với các con được”. Phương Anh rất thích trẻ con, và đã làm mẹ toàn thời gian liên tục trong 4 năm nay. Nhà có 2 em bé cách nhau hơn 2 tuổi. Chăm hết bạn anh chưa kịp "lớn" thì đã có bạn em. Bạn anh đi học muộn, lại dính dịch Covid-19 nên 3 mẹ con cứ ở nhà với nhau. “Nhiều khi nghĩ mình cũng nên tự thưởng cho bản thân một tràng vỗ tay hoan hô.  Cũng có lúc bảo với bố bọn trẻ rằng không thể chịu được nữa phải đi làm thôi, đến đâu thì đến chứ ở nhà... phát điên. Miệng nói thế nhưng 2 đứa cứ mở mắt ra là : “Mẹ ơi mẹ ơi” thì dứt áo ra đi thế nào được! Chưa kể ngày nào bạn anh cũng rót mật vào tai mẹ: “Mẹ ơi con yêu mẹ. Mẹ xinh nhất. Mẹ nấu ngon nhất. Còn gì tuyệt vời hơn nữa, điều đó chứng tỏ lựa chọn ở nhà chăm con của mình là quá xứng đáng!”.

Theo hai người mẹ trẻ, nghỉ việc ở nhà không đồng nghĩa với việc phải làm một “bà mẹ bỉm sữa” chính hiệu, chỉ chú tâm vào chăm con mà nên lên kế hoạch cho riêng mình. “Và không có nghĩa là dừng lại hoàn toàn những đam mê của mình. Mình vẫn dành thời gian để đọc tin tức, đi tập thể thao, chăm sóc cho bản thân và cân bằng sức khỏe, để mai kia nếu có lại bươn chải vào đời, sẽ không thấy quá bỡ ngỡ”, Phương Anh nói.

Làm chủ cuộc sống

Vừa ở nhà trông con lại vừa có thể kiếm thêm thu nhập chắc hẳn là mong muốn của tất cả các bà nội trợ. Tuy điều đó không hề dễ dàng nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được nếu đủ chăm chỉ, nỗ lực và có một kế hoạch khôn ngoan.

Chọn nghỉ công việc hành chính nhà nước sau khi sinh con để có thời gian chăm em bé, Thu Phương không hẳn cho đó là sự hy sinh, mà là một “nút chờ” để bắt đầu một cuộc sống mới. “Nếu có khả năng và tin tưởng vào bản thân, bạn hoàn toàn có thể xem việc nghỉ làm, ở nhà trông con như một kỳ nghỉ dài để làm mới bản thân, lo lắng chu toàn hơn cho gia đình, chứ không phải là làm mình cũ kỹ, xộc xệch và bớt giá trị trong mắt mọi người”.

Ở nhà chăm con có phải sự hy sinh trọn vẹn? - ảnh 2
Chị Thu Phương và con gái

Và đúng là Thu Phương không làm cũ mình đi. Với tài lẻ của mình, và cả sự chịu khó, Thu Phương bén duyên với công việc livestream bán quần áo. Khi ấy, chồng thì đi làm cả ngày, con còn bé, bố mẹ hai bên nhất nhất phản đối vì cho rằng, vừa tốn kém vừa mất thời gian trông con. Nhưng Phương không nản. “Những ngày đầu gian nan lắm. Vừa chăm con, vừa tìm nguồn hàng, rồi học cách bán hàng, cách nói chuyện sao cho duyên, để khách nhớ tới. Bình thường con ngủ sớm thì có thời gian làm việc, nhưng con mà thức khuya thì mình phải nghỉ ăn luôn, bởi vừa làm vừa chăm con lấy đâu lúc ăn nữa. Cũng may trời thương, việc buôn bán dần quen, có nhiều khách. Ông bà đôi bên tin tưởng hơn vào lựa chọn của mình, không còn cằn nhằn, đặc biệt là em bé vẫn rất ngoan và thương mẹ”, Phương cho hay. Giờ đây, khi công việc dần ổn định, Phương có nhiều thời gian hơn cho con, kinh tế thoải mái hơn với thu nhập trung bình 60-70 triệu/tháng, và đặc biệt, cô thấy việc “ở nhà” không phải “lùi”, mà đang “tiến”…

Ngày nay, quan niệm phụ nữ chỉ biết quẩn quanh trong bếp đã phần nào được thay thế bằng “phụ nữ bước ra từ căn bếp”, nghĩa là ở nhà không có nghĩa là vô dụng và buông xuôi. Kết hợp kinh tế trong thời gian ở nhà chăm con được xem là một xu hướng của các bà mẹ trẻ, không chỉ là để đỡ mang tiếng ăn bám, ngửa tay xin tiền chồng, mà bởi ngày nay, nuôi con cũng cần kiến thức, khoa học, nên dành thời gian cả ngày cho con cái không hề nhàm chán như mọi người nghĩ. Bên cạnh đó, các mẹ ở nhà chăm con được coi là không bao giờ lãng phí kiến thức mình đã học bởi kiến thức đó là để nuôi dưỡng và dạy bảo con mình ngày một khôn lớn và trưởng thành. “Có một suy nghĩ mà mình thấy khá sai lầm là “Hẳn giàu có lắm mới ở nhà nuôi con!”.  “Giàu có” thực sự không liên quan đến thời gian tự do. Mà ở đây là sự lựa chọn. Miễn là cha mẹ nào cũng hoàn thành tốt công việc nuôi dạy và yêu thương con cái của mình, thì ai có thể nói được điều gì tiêu cực chứ?”, Phương Anh cho biết.

Cũng là một bà mẹ trẻ chọn ở nhà với con, đồng thời làm thêm việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để có thêm thu nhập, Huyền Trang (28 tuổi) bày tỏ, để lựa chọn này thật sự được tôn trọng và ủng hộ, trước hết, người phụ nữ phải thống nhất với chồng và gia đình chồng (nếu cần thiết) về việc chăm con và chia việc nhà, tính toán chi phí. Chồng phải cam kết cùng chăm con, cùng chia sẻ việc nhà, không được có thái độ coi thường hay có những câu xúc phạm vợ vì vợ ở nhà chăm con không đi làm. “Thành thật mà nói, ai cũng muốn làm việc bên ngoài hơn là ở nhà. Vì việc nuôi một đứa trẻ là một thử thách khó khăn. Sự hy sinh thực sự chỉ đến khi bạn nhận ra rằng ở nhà với con mang đến nhiều lợi ích cho con cái hơn là bạn tưởng. Thế nên, cần lắm sự đồng hành của bạn đời, để sự hy sinh ấy thật sự vẹn tròn”, Trang cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.