Ông bà tôi trong những ngày giãn cách

Chia sẻ

Khi Hà Nội ra Chỉ thị giãn cách xã hội, người chúng tôi lo nhất là ông bà vì ông bà đang sống một mình mà không có con cháu ở bên. Bố tôi liền nhắn tin hỏi ông bà: “Mai giãn cách rồi, ông bà có đủ thực phẩm chưa”.

Mấy phút sau, ông bà tôi nhắn tin lại: “Các con không phải lo. Bố mẹ giờ có ăn mấy đâu nên vẫn ổn”. Bố tôi trả lời: “Vâng, có gì ông bà cập nhật tình hình cho chúng con biết nhé. Giãn cách nên chúng con không thường xuyên qua thăm ông bà được nữa”.

Từ những ngày hôm sau, thi thoảng, nhóm zalo của gia đình lại báo tin nhắn. Là ông bà tôi chụp ảnh bữa cơm trưa để báo cáo con cháu. Hai bát cơm gạo trắng, chút thịt rang, đĩa rau muống luộc. Ông ghi chú: “Bữa cơm đơn giản nhưng bà nấu nên ngon và an toàn”. Đến tối, ông lại chụp ảnh hai bát mì gạo nấu cùng trứng có hành lá xanh điểm trên. “Ông bà ăn nhẹ nhàng thế này thôi các con cháu”. Những bức ảnh ông bà chụp khiến chúng tôi cũng thấy an tâm hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày thường, ông tôi có thói quen đi bộ để tập thể dục. Ông tôi chăm chỉ tập nhất nhà, chỉ trừ hôm nào mưa lớn ông mới nghỉ tập. Từ ngày Hà Nội giãn cách, ông tôi phải ở trong nhà. Biết là ông sẽ bí bách lắm, tôi nhắn ông: “Ông bà đừng vượt rào ra ngoài, ông nhé”. Ông tôi cười: “Ông biết chứ, ra ngoài lúc này là nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng”. Thay vì để cho mình buồn, ông mở bàn cờ tướng, rủ bà chơi mỗi chiều. Hồi trẻ, ông bà tôi quen nhau trong một giải giao lưu cờ tướng. Sau này, cuộc sống bận rộn nên ông bà ít chơi cờ với nhau hơn. Nay thì ông bà thú vị phát hiện ra, sau bao nhiêu năm, trình độ chơi cờ của ông bà vẫn “ngang tài ngang sức”.

Ông bà tôi ở trong một căn hộ tập thể cũ. Một năm trước, khi đợt dịch Covid-19 kết thúc, bố tôi quyết định sửa cái ban công, rồi làm thêm cái lan can sắt. Lúc đó, mẹ tôi cũng không ủng hộ, vì bảo bố bày vẽ tốn kém. Nhưng bố bảo, làm cái chỗ này để có thêm không gian xanh cho ông bà thư giãn, vì dịch chưa thể hết ngay được. Ông bà suốt ngày ở nhà với 4 bức tường và 1 cái ti vi sẽ buồn. Quả nhiên, đến giờ, cái ban công xanh ấy mới phát huy tác dụng. Có cái ban công, bà tôi đặt lên đó mấy cái chậu cây. Chỗ này bà gieo ít hành lá, chỗ kia trồng thêm mấy khóm rau thơm, rồi cây chanh, cây hoa… Mỗi ngày, bà gom nước gạo, rồi nhẹ nhàng tưới cho từng chậu cây, thích thú khi phát hiện cái cây này lên mầm, cây kia trổ nụ. Ông tôi cũng bảo, có cây xanh trong nhà nhìn mát mắt và tinh thần cũng thoải mái hơn.
Tôi hỏi bà: Bình thường chúng cháu ở nhà phải gắn liền với máy tính, internet, nếu không sẽ buồn lắm. Vậy ông bà ở nhà, sau chăm cây thì sẽ làm gì. Bà tôi cười, à, thì mình phải nghĩ việc ra để làm này.

Bà tôi vốn tính chăm chỉ, cẩn thận, tận dụng một ngày ở nhà tránh dịch, bà còn lên kế hoạch hôm thì sắp xếp lại góc nhà này, hôm thì bày biện lại góc nhà kia. Cái tủ nhỏ, bình thường kê ở góc tường, bà chuyển sang đặt dưới cái giá sách. Cái bộ ghế salon, bà rủ ông đặt ra giữa phòng… Nhờ đó, không gian nhà trông có vẻ tươi mới, lạ mắt hẳn đi. Rồi rất nhiều những vật dụng nho nhỏ, như cuốn album cũ bị các cháu xem rồi làm cho lộn xộn, bà và ông đem ra, cẩn thận sắp xếp lại theo trình tự thời gian. Thế là ông bà có một buổi chiều thật ý nghĩa, ôn lại kỷ niệm của ông bà và gia đình. Bà gọi điện kể cho tôi nghe: Nhìn những tấm ảnh thì thấy các cháu đã lớn lên thật nhiều rồi. Ngày xưa, đứa nào đứa nấy thò lò mũi xanh, bé xíu và nhút nhát lắm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà cũng bảo, có dịch nên ông bà cũng có thời gian chăm nhau hơn. Mỗi ngày, bà ủ cho ông một bình nước đỗ đen rang để uống giải nhiệt, có cái áo len cũ bà tháo ra đan lại cho ông. Còn ông đọc tin tức nào hay trên báo điện tử (bà tôi không biết đọc báo mạng), thì kể cho bà nghe cùng.

Biết được ông bà vui vẻ, lạc quan, vẫn sống có ích như thế, chúng tôi rất mừng. Mùa dịch này, ông bà tôi chắc chắn sẽ cùng nhau vượt qua an toàn.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.