Ông bà tôi vượt qua Covid-19

Chia sẻ

Chiều đó, đại gia đình tôi gồm 6 người con trai, gái, dâu, rể và 6 cháu nội ngoại đều xôn xao khi nhận được tin ông nội tôi báo: “Ông đã bị nhiễm Covid-19. Các con lưu ý theo dõi sức khỏe kịp thời”.

Kỳ lạ là bởi, bình thường, ông bà nội tôi đều rất cẩn thận trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Trừ việc bà nội một tuần một lần đi siêu thị mua thức ăn, thời gian qua, từ khi dịch có diễn biến phức tạp, ông nội rất hạn chế ra khỏi nhà. Ông dừng hết các hoạt động tụ họp ở câu lạc bộ dành cho người cao tuổi, cũng không sang nhà hàng xóm, la cà nơi công cộng. Nếu phải đi đâu, ông đều đeo khẩu trang, về nhà thì sát khuẩn tay, ngày ngày sát khuẩn một số vật dụng trong nhà. Ông hay phê bình chúng tôi còn chủ quan trước bệnh tật, chưa biết giữ gìn sức khỏe. Ấy thế mà, ông lại là người đầu tiên trong gia đình bị nhiễm Covid-19.

Tối đó, trên nhóm zalo của gia đình tôi, chủ đề chiếm sóng duy nhất là vì sao ông lại nhiễm Covid-19 và bây giờ, làm gì để bệnh của ông không trở nặng và ông không lây bệnh cho bà. Đang bàn tán thì bất ngờ ông nội “nổi” lên, kết luận “hội nghị” như sau: “Bây giờ các con/cháu không cần thắc mắc vì sao ông mắc bệnh. Có nhiều nguyên nhân lắm, mà sức đề kháng của ông cũng không đủ tốt như con/cháu. Hiện nay ông ổn, đề nghị các con/cháu không hoang mang”.

Vậy là, ông đã dẹp được “loạn 12 sứ quân” trong gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng còn câu hỏi làm gì để bệnh ông không trở nặng, làm sao mà chúng tôi không trăn trở được. Ông nội tôi năm nay đã 85 tuổi rồi, còn bà thì cũng 80. Hai ông bà lại còn ở một mình nữa. Lúc đầu, bố tôi đề nghị để bố sang nhà chăm sóc cho ông nhưng ông không đồng ý.

Ông nhắn tin lại: “Bệnh này dễ lây nhiễm, không con/cháu nào được sang nhà ông. Ông bà có thể tự chăm sóc bản thân và biết phải làm gì”. Rồi ông còn hài hước trêu lại chúng tôi: “Ông bị sớm thì khỏi sớm. Sau này ông có “kim bài miễn tử”, có thể được tự do đi du lịch. Các con cháu phải mừng cho ông chứ”.

Sau đó, mỗi ngày, ông tôi đều cập nhật tình hình sức khỏe lên nhóm zalo cho con/cháu nắm được, mà lại còn là dạng tin nhắn bằng thơ nữa. Nào thì: “Ông bị Covid/ Chỉ sốt một ít/ Có thuốc bà mua/ Uống ngay là tịt”, “Nhờ con Covid/ Mà ông thành vua/ Cả ngày vui đùa/ ở sau cánh cửa” (chẳng là ông ở phòng riêng, cách ly với bà sau cánh cửa); “Cộc cộc cộc cộc/ Ông ơi dạy chưa?/ Có cháo tôi vừa/ Nấu cho ông đấy” (ông tả việc bà tiếp tế cháo cho ông), “Ngày ăn ba bữa/ Chả phải làm gì/ Này con Co-vi/ Sao tao phải sợ” (ông tả cảnh ông dưỡng bệnh)…

Độ 2 hôm sau, ông lại khiến chúng tôi thót tim: “Các con/ cháu mừng cho ông bà từ nay đã hết cách ly. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường”. Chúng tôi cứ tưởng là ông đã âm tính trở lại, hóa ra, ông nhắn tiếp tin thứ hai: “Sáng nay bà test/ Cũng đã lên dương/ Thế là đường đường/ Được phường chăm sóc”. (Ghi chú, ông đã khai báo trường hợp của bà tới trạm y tế phường để họ quản lý cả hai ông bà rồi).

Chẳng hiểu có gia đình nào bị dương tính mà lại đùa vui như ông bà tôi không. Ông còn bảo, mấy hôm rồi ông với bà mỗi người một phòng, hai người hai mâm buồn lắm rồi. Không ngờ con Covid nó hiểu tâm tư của ông nên để ông với bà lại được chăm sóc cho nhau và còn sắp được cùng nhau đi du lịch.

Một tuần ấy, cả nhà tôi ngày ngày đều theo dõi ông bà qua zalo. Mẹ tôi có thêm nhiệm vụ đi chợ mua thức ăn, bổ sung thêm thuốc ho, thuốc bổ phế, vitamin… rồi mang đến cho ông bà, treo ở ngoài cửa. Từ phía ngoài ô cửa sổ, mẹ thấy ông bà đội mũ len, quàng khăn vẫy tay chào. Gương mặt ông bà đều tươi tỉnh khiến mẹ cũng thấy an lòng.

Cho tới ngày ông bà tôi tuyên bố khỏi hẳn bệnh, hai cái test nhanh chỉ còn đúng một vạch nét căng, chúng tôi đều hồ hởi hò reo, thả tim tung tóe trong nhóm. Ông bà đã làm cho chúng tôi hiểu rằng, Covid-19 không quá đáng sợ. Nếu chẳng may mắc bệnh, thì trước hết tinh thần của mình phải lạc quan, bình tĩnh, đừng làm cho mọi việc căng thẳng. Hãy cứ tuân thủ phác đồ điều trị thì chúng ta sẽ khỏi bệnh thôi. Ông bà tôi là những chiến sĩ tuổi 80 mà còn thắng được giặc giấu mặt Covid-19 nữa là.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.