“Ông vua” bị hạ bệ

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sống cạnh nhà tôi là gia đình anh Phương. Anh chị đều là cán bộ nhà nước, có với nhau 2 mụn con. Cháu lớn hiện đã là sinh viên năm thứ 4 đại học, cháu nhỏ đang học lớp 12.

1

Mười mấy năm sống cạnh nhà nhau, tôi có điều kiện chứng kiến các con của anh chị lớn lên như thế nào. Tôi cũng ghi nhận cách anh tận tụy đưa đón con đi học, huấn luyện cậu con trai tập thể thao rèn luyện sức khỏe, rồi khi con đi đâu đó về muộn thì sốt ruột gọi điện nhắc con về. Mỗi khi các con đạt được thành tích trong học tập, hoạt động ngoại khóa, anh lại đứng ra tổ chức bữa tiệc nhỏ, mời người thân và gia đình tôi qua chia vui. Từ ngày có gia đình, vợ anh kể, anh bỏ nhiều cuộc nhậu nhẹt, rất chăm chỉ đi làm kiếm tiền để nuôi vợ con.

Tôi biết, anh Phương là một người chồng, người cha có trách nhiệm với gia đình, thương vợ, yêu con. Tuy nhiên, có điều không ổn ở anh khiến cả chị và các con đều buồn. Đó là anh quá khó tính, nghiêm khắc. Vợ anh tâm sự,  tính cách này do anh thừa hưởng từ bố chồng của chị. Ông cụ điển hình cho kiểu người xưa trọng nam kinh nữ, luôn cho rằng người đàn ông trong nhà có uy quyền cao nhất, vợ con chỉ được phép nghe lời mà không được cãi lại vì bất cứ lý do gì.

“Ông vua” bị hạ bệ - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Hàng ngày, về nhà, vì bất kể lý do gì đó khiến anh không hài lòng là anh sẵn sàng mắng xối xả vợ con. Anh quát vợ vì về nhà để dép không gọn gàng, gọi con gái thốc tháo từ tầng 2 xuống bếp vì tội “nấu cơm xong mà không lau chùi sạch sẽ”, anh quát con trai vì chạy bộ chậm khiến việc tập luyện thể thao không hiệu quả. Con gái anh kể: “Nhìn chung, những việc bố cháu nói không sai, nhưng cũng không quá nghiêm trọng tới mức bố phải làm ầm ĩ lên và nói vợ con bằng những ngôn từ nặng nề khiến ai cũng thấy bị tổn thương”.

Từng đó năm sống với người chồng, người cha khó tính, vợ anh có lẽ đã quen với áp lực trong cuộc sống nhiều rồi nên có thể thích nghi, nhưng hai con của anh thì không như vậy. Chúng đều sợ bố, sợ cả tiếng gọi của bố trong nhà.

“Cháu luôn né gặp bố, cô ạ. Sáng, cháu ra khỏi nhà trước khi bố cháu đi làm để bố khỏi nhìn thấy cháu, rồi rất có thể bố lại nổi trận lôi đình, phê phán cháu bất lịch sự khi mặc quần bò mài, áo phông không cổ trong khi đó chỉ là đánh giá của riêng bố cháu còn cháu và bạn bè cháu không thấy thế. Tối cháu cũng thường không ăn cơm nhà vì sợ bữa cơm lại trở thành buổi giáo huấn của bố. Mà bố không chỉ mắng không đâu, bố sẽ đay nghiến cháu sống phải có lòng tự trọng, đừng để bị đánh giá là con thiếu giáo dục. Nói chung, bữa cơm đối với cháu trở thành cực hình, món ăn nào dù ngon đến mấy cũng như mắc nghẹn ở họng”.

Nghe cháu nói xong, tôi rất thông cảm và từ đó, hễ có dịp là tôi lựa lời trò chuyện với bố cháu. Tôi vờ như mình không biết gì về cách anh ứng xử với vợ con vì nếu biết, anh có thể lại trút giận lên lũ trẻ. Tôi chỉ kể với anh rằng giới trẻ bây giờ khác với thời chúng tôi, chúng sống phóng khoáng hơn, hiện đại hơn. Vì vậy, đôi khi bố mẹ cũng phải hiểu cho chúng. Đặc biệt, nếu có góp ý gì thì cũng nên nhẹ nhàng, cởi mở và không nên áp đặt ý nghĩ chủ quan của mình lên con.

Anh nghe xong thì cười và cho rằng xã hội càng phát triển, thì càng phải dạy dỗ con nghiêm khắc hơn vì cá càng không ăn muối càng ươn. Bố mẹ trong nhà phải có uy nếu không con cái sẽ nhảy lên đầu cổ mình.

2

Mấy năm trước, con gái anh thi đỗ vào trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Tôi biết, sống ở Hà Nội nhưng con anh chủ định chọn học ở TP Hồ Chí Minh vì muốn được đi xa nhà. Từ lâu, cháu đã kể với tôi là rất mong một ngày được thoát khỏi vòng tay của bố, nếu không cháu sợ mình sẽ bị sang chấn tâm lý.

Từ đó, nhà anh chỉ còn 3 người. Con trai anh càng lớn càng ngoan ngoãn, hiền lành, lễ phép và rất hiểu chuyện. Cháu biết bố mẹ đi làm vất vả nên cố gắng thay chị làm việc nhà giúp mẹ. Thế rồi một buổi tối tuần trước, tự nhiên, hai mẹ con cháu đưa nhau sang nhà tôi chơi. Rồi cháu trai kể cho tôi nghe đã vừa có một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc với bố.

Đó là khi bố về tới nhà, thấy nhà cửa chưa được sắp xếp gọn gàng thì lại trút cơn giận lên vợ con, anh trách vợ ăn ở bẩn thỉu, không biết dạy con còn trách con trai lười nhác. Lúc đó, con trai anh đã đứng ra bảo vệ mẹ và nói rằng, bố làm vậy là đã xâm phạm vào lòng tự trọng của hai mẹ con. Bố cháu tự cho mình quyền phán xét, dùng một sự việc đang xảy ra trước mắt để quy chụp bản chất của người khác. Mẹ cháu luôn nhắc các con phải làm việc nhà, còn cháu cũng rất thương bố mẹ, có ý thức chăm lo cho gia đình.

Chỉ là tối nay, cả hai mẹ con đều bận làm, bận học về muộn và mới chỉ về trước bố 10 phút. Rồi cháu cũng nói cả về cảm xúc của mình khi phải sống cùng người bố luôn gia trưởng. Cháu thấy mình nhút nhát, tự ti, luôn sợ bị mắng mỏ và nếu cứ tiếp tục vậy, cháu sẽ không thể lớn lên cân bằng.

Rồi cháu cũng kể về chị gái mình đã bao lần phải tấm tức khóc trong phòng vì bị bố quát tháo, đe nẹt. Và thế là, cháu mong bố hãy thay đổi, nếu cần góp ý cho mẹ và cháu thì hãy dùng cách nói thân thiện, nhẹ nhàng và chấm dứt việc áp chế vợ con.

Tôi nghe cháu kể mà rất ngạc nhiên vì cháu đã thật sự trưởng thành. Thay vì im lặng nhẫn nhịn, cháu đã có thể nói ra suy nghĩ của mình cho bố hiểu. Và tôi cũng hy vọng bố cháu sẽ rút ra bài học gì đó cho mình...

“Ông vua” bị hạ bệ - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Tôi đi công tác Đà Nẵng 3 ngày. Trở về nhà, tôi thấy hai mẹ con cháu xách túi đi ra ngoài cửa, vừa hay gặp thì chào tôi và nói là về nhà ngoại ở 2 ngày cuối tuần. Tôi tranh thủ hỏi chuyện thì chị nói rất buồn vì chồng chị không chịu thay đổi. Thậm chí từ sau cuộc nói chuyện của con trai hôm đó, anh đã phải ứng lại bằng việc giữ im lặng hoàn toàn. Dù chị và con trai có làm gì anh cũng không nói, không phản ứng.

Tuy nhiên, với hai mẹ con chị, việc phải sống cùng một người chồng, người cha lúc nào cũng có bộ mặt lạnh te, đi lại như một quả bom trong nhà vô cùng đáng sợ. Con trai chị đã có lúc khóc, nói với chị hay là con sai rồi. Hay là con không nên nói ra cho bố hiểu, cứ để cho bố được cáu gắt, bùng nổ còn hơn là bố tra tấn tinh thần của cả gia đình bằng sự im lặng đáng sợ. Giờ đây, cháu bắt đầu thấy rất sợ khi phải về nhà.

Càng nghe hai mẹ con tâm sự, tôi lại càng thương hơn bao giờ hết. Rồi tôi động viên hai mẹ con cố gắng chờ đợi. Tôi tin anh là người có hiểu biết, có trách nhiệm, thì sẽ dần thay đổi. Chỉ là hiện tại, anh đang bị sốc vì lâu nay quen ở vị trí của một ông vua với nhiều quyền hành, nay thì bị hạ bệ. Tôi nói với hai mẹ con chị tiếp tục chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình để anh hiểu vợ con hơn. Tôi cũng sẽ góp ý thêm với anh.

Chiếc xe chở hai mẹ con đi rồi, tôi vẫn còn nhìn theo mãi. Tôi nghĩ tới anh, người chồng, người bố yêu gia đình, vợ con, nhưng tình yêu ấy tiếc thay lại đang được thể hiện sai cách...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.