Pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

HÀ LAN (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và đây cũng là một giải pháp được nhiều cặp vợ chồng khó có con kỳ vọng vào. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - ảnh 1
Ảnh minh họa: Int.

Nhằm tư vấn giải đáp những thắc mắc cũng như giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có nhu cầu tìm đến phương pháp trên thực hiện đúng nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của mình, Luật sư Thiều Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Asklaw, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có buổi chia sẻ với báo Phụ nữ thủ đô về vấn đề này.

Pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - ảnh 2
Luật sư Thiều Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Asklaw, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Thưa luật sư, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố bị can đối với Phan Thị Hằng Oanh (35 tuổi, trú tại quận Long Biên) về hành vi “tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” và Trần Thanh Sơn (37 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức) về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó các đối tượng đã thực hiện hành vi nhằm trục lợi, kiếm tiền từ dịch vụ mang thai hộ, luật sư đánh giá như thế nào về hành vi này của các đối tượng?

Về mặt pháp lý, các đối tượng trục lợi, kiếm tiền từ dịch vụ mang thai hộ là vi phạm pháp luật, thuộc hành vi cấm theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, nhưng trong đó người mang thai hộ và vợ chồng hiếm muộn góp phần tạo nên vi phạm đó và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.

Về mặt thực tiễn, dịch vụ mang thai hộ trở thành một thực trạng đáng lo ngại mà nguyên nhân từ chính những người tham gia giao dịch trái pháp luật này, gồm người mang thai hộ, gia đình muốn có con do thiếu hiểu biết pháp luật và do sức ép từ gia đình, quan điểm sống về việc có con hay lựa chọn giới tính cho con. Ngoài ra các đối tượng thực hiện việc môi giới dịch vụ mang thai hộ lợi dụng những hạn chế hiểu biết pháp lý và đánh vào tâm lý mong muốn có con của vợ chồng hiếm muộn để trục lợi, kiếm tiền.

Giao dịch về dịch vụ mang thai hộ trái pháp luật có thể thành công hoặc không đúng theo thỏa thuận của các bên dẫn đến nạn nhân chính là đứa bé. Xét trường hợp giao dịch thành công thì sự tồn tại của đứa bé này không được tổ chức, cơ quan Nhà nước thực thi pháp luật biết đến để bảo vệ quyền con người; mà sự tồn tại của đứa bé sẽ phụ thuộc vào đạo đức, nhân cách, tình cảm của người mang thai hộ, vợ chồng hiếm muộn, đối tượng môi giới dịch vụ mang thai hộ hoặc khi pháp luật biết đến sự tồn tại của đưa bé. 

Thực tế nhiều người vẫn chưa hiểu rõ được khái niệm “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” và “mang thai hộ vì mục đích thương mại” là gì? Luật sư có  thể cung cấp thông tin để phân biệt hai khái niệm này và cho biết việc thực hiện hai hành vi này có trái pháp luật không?

Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, khái niệm “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” và “mang thai hộ vì mục đích thương mại” được quy định: 

Khoản 22 Điều 3: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Khoản 23 Điều 3: “Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”

Hai hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay mang thai hộ vì mục đích thương mại đều có điểm chung là phải sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, có người phụ nữ mang thai hộ và kết quả là đứa bé. Hai hình thức mang thai hộ khác nhau cơ bản là mục đích thực hiện và người cần giúp mang thai hộ nên pháp luật cũng có quy định khác nhau. 

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn hiệu lực thi hành chỉ công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Như vậy, mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này dễ dẫn đến nhiều biến tướng vi phạm các quy định của pháp luật đồng thời xâm hại đến các quan hệ mà pháp luật bảo vệ. Mang thai hộ vì mục đích thương mại không chỉ mang tính rủi ro rất cao đối với các bên tham gia quan hệ này mà vô hình chung còn khiến người mang thai hộ trở thành một công cụ sản xuất, “máy đẻ” và trẻ thơ là một món hàng. Hành vi này trái với đạo đức, thuần phong mĩ tục và pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng có mong muốn, nhu cầu nhờ người mang thai hộ với mục đích nhân đạo nhưng vẫn băn khoăn về các vấn đề pháp lý. Xin luật sư cho biết những điều kiện, thủ tục cần có theo quy định của pháp luật để thực hiện việc làm này?

Trước khi quyết định thực hiện hình thức mang thai hộ, các cặp vợ chồng cần tìm hiểu và nắm chắc các vấn đề pháp lý liên quan, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật để tránh những rắc rối có thể phát sinh.

Điều kiện, thủ tục thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Chương V từ Điều 13 đến Điều 19 Nghị định 10/2015/NĐ-CP; Nghị định 98/2016/NĐ-CP, cơ bản các điều kiện sau: 

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

- Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

+ Vợ chồng đang không có con chung;

+  Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Trình tự, thủ tục pháp lý đối với việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được pháp luật quy định theo các văn bản pháp lý đã kể tên nêu trên nhưng phải phụ thuộc vào thể trạng, tâm lý của người phụ nữ mang thai hộ. 

Là người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực này, luật sư có lời khuyên gì cho mọi người về những lưu ý khi thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

Chúng ta cần lưu ý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Thông thường, việc mang thai hộ xảy ra tranh chấp đó là người mang thai hộ từ chối giao đứa bé sinh ra vì trong quá trình mang thai đã phát sinh tình cảm giữa người mang thai hộ và đứa bé sinh ra, hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ từ chối nhận con với lý do đứa bé bị bệnh bẩm sinh như: hội chứng down, dị tật,…

Theo điều 99 Luật hôn nhân và gia đình quy định, TAND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến việc mang thai hộ. Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Để đảm bảo quyền, lợi ích và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, những vợ chồng hiếm muộn mong muốn có con,nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ cần tuyệt đối tuân thủ quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không vì trục lợi, kiếm tiền hay lợi ích khác; cần nghiên cứu, tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, đến các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền để thực hiện hành vi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, để không xảy ra những trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn hay sai sót, chậm tiến độ trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Cảm ơn luật sư về những chia sẻ!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.