Phát huy truyền thống “ba đảm đang” trong phòng, chống dịch Covid-19

Chia sẻ

Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, toàn thể 100% cán bộ, hội viên phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng đã phát huy truyền thống “quê hương người gái đảm”, từng ngày góp công, góp sức tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bữa sáng yêu thương gửi tặng lực lượng chốt kiểm soát dịch

Từ 3 giờ sáng, 4 chị em hội viên phụ nữ thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng đã thức giấc để cùng nhau chuẩn bị nguyên vật liệu cho gần 70 suất ăn sáng gửi đến cán bộ, chiến sỹ trực các chốt kiểm soát trên địa bàn xã. Điều đặc biệt là các chị được chồng hỗ trợ thêm nên dù khối lượng công việc khá lớn, đến khoảng 6 giờ, những bữa sáng nóng hổi đã đến tay các chiến sỹ tại chốt trực. Thực đơn sáng cũng liên tục thay đổi, hôm là xôi chả, bánh tẻ, rồi bánh mỳ kẹp giò chả, có hôm lại đổi món sang bún chả… Những món quà sáng ấm nóng, sạch sẽ, thơm ngon mang theo tâm huyết của người chuẩn bị khiến người nhận - là các cán bộ, chiến sỹ trực 12 chốt trên toàn xã thấy được động viên, tiếp thêm sức lực để cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.

Những chiếc bánh mỳ thơm ngon,chứa đựng tình cảm của cán bộ, hội viên phụ nữ thôn An Sơn 1,xã Thượng MỗNhững chiếc bánh mỳ thơm ngon, chứa đựng tình cảm của cán bộ, hội viên phụ nữ thôn An Sơn 1, xã Thượng Mỗ

Góp sức cùng chi hội thôn Đại Phùng, 2 chi hội thôn Đông Khê và Đoài Khê xung phong nhận làm nước uống, giải khát cho các cán bộ trực chốt đều đặn 2 lần/ngày. Các chị quyết tâm, sẽ kiên trì thực hiện làm bữa sáng và nước uống cho đội ngũ phòng, chống dịch đến khi hết thời gian giãn cách xã hội. Chị Ngô Thị Thanh Hoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Đan Phượng chia sẻ: “Các chị em có mệt, có vất vả đấy, nhưng được góp sức vào công tác phòng, chống dịch, lại được cấp ủy Đảng, Huyện hội và nhân dân ghi nhận, động viên và nhiệt tình hưởng ứng… nên ai cũng rất vui vẻ, hào hứng”.

Chẳng riêng xã Đan Phượng, những ngày này, khi trời còn chưa tỏ, trong nhiều ngôi nhà của chị em hội viên xã Liên Hà, ánh đèn đã sáng rực. Các chị cũng tay năm tay mười chuẩn bị bữa sáng cho các chốt trực trên địa bàn xã. Chị Sái Thị Hường - Chủ tịch Hội LHPN xã hồ hởi: “Khi phát động phong trào qua nhóm zalo, đồng loạt cán bộ, hội viên phụ nữ xã đều hưởng ứng. Các chị em nhanh chóng lên lịch, phân công công việc để tiến hành ngay. Mỗi ngày sẽ có một chi hội đứng ra nấu bữa sáng, thực đơn cũng rất phong phú như bánh bao, bánh tẻ, bún chả… Từ tối hôm trước, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã sẽ thông báo số suất ăn để chị em cân đối, chuẩn bị, thường sẽ dao động từ 60 - 90 suất. Hôm sau, chị em dậy từ 4 giờ, 5 rưỡi là xong công đoạn nấu nướng, bắt đầu đóng gói và đến 6h, các suất ăn đã đến tay người nhận”…

Hội viên phụ nữ xã Đan Phượng chuẩn bị những suất xôi ăn sáng để gửi đến cán bộ làm công tác phòng chống dịch tại các chốt trên địa bàn xãHội viên phụ nữ xã Đan Phượng chuẩn bị những suất xôi ăn sáng để gửi đến cán bộ làm công tác phòng chống dịch tại các chốt trên địa bàn xã

Niềm vui khi thấy mình làm được việc có ích đã lớn, thì tình cảm các chị được nhận lại từ những cán bộ, chiến sỹ trực chốt còn xúc động hơn nhiều. Chị Hường kể, có chị làm xong bữa sáng là đi giao ngay, chẳng kịp ăn sáng. Nhưng đến nơi, được nghe cán bộ trực chốt bày tỏ, rằng mấy ngày rồi nay mới được ăn suất bún chả ngon đến thế, chị lại thấy khỏe ra và vui tưng bừng. “Chưa bao giờ tình cảm của mọi người lại được san sẻ một cách đơn giản và chân tình đến vậy. Và quan trọng hơn, những “dấu chân”, việc làm của cán bộ, hội viên phụ nữ xã đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân”, chị Hường bày tỏ.

Phụ nữ vào cuộc tích cực

Gần 11 giờ đêm, chị Đỗ Thị Thanh Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Mỗ cùng các chị em mới trở về nhà, sau một ngày hỗ trợ tiêu thụ thành công gần 3,5 tấn rau củ quả cho các hộ dân trong xã và các xã bạn. Chị Mai kể: “Được mọi người ủng hộ nên công việc tiêu thụ nông sản bận rộn liên tục. Từ trưa đến tối muộn, dù các chị em chưa ai ăn gì nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi, thậm chí còn phấn khởi vì hỗ trợ được bà con nông dân”. Cũng như Thượng Mỗ, thực hiện công văn của Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Đan Phượng, cán bộ, hội viên các xã đều đang chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản như rau, nhãn, khoai… cho các hộ nông dân khó tiêu thụ vì dịch bệnh. Đến ngày 2/8, lượng nông sản các chị hỗ trợ tiêu thụ đã lên đến gần 10 tấn các loại.

Cán bộ hội viên phụ nữ cung cấp thực phẩm hỗ trợ tận nhà các gia đình cách lyCán bộ hội viên phụ nữ cung cấp thực phẩm hỗ trợ tận nhà các gia đình cách ly

Cùng với tiêu thụ nông sản, việc đảm nhận cấp phát lương thực, thực phẩm cho các hộ dân trong các khu vực phong tỏa cũng được cán bộ hội viên phụ nữ vào cuộc, triển khai hiệu quả. Bất chấp thời tiết nắng nóng, các cô, các chị trong bộ quần áo phòng dịch kín mít vẫn hăng hái, cần mẫn người kéo người đẩy những chiếc xe chở đầy gạo, mỳ tôm… phát tận tay các gia đình trong khu vực đang phải cách ly vì dịch Covid-19.

Tính riêng trong ngày 2/8, các cấp Hội đã hỗ trợ các gia đình khó khăn trong khu cách ly 61 suất quà trị giá 18 triệu đồng; tặng 85 thùng nước, sữa và hơn 350 suất ăn sáng; tặng nhu yếu phẩm cho lực lượng tại các chốt kiểm dịch và trạm y tế các xã, thị trấn trị giá 28 triệu đồng. Hội Phụ nữ các cơ sở đảm nhận kết nối tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân trong huyện: tiêu thụ hơn 1,5 tấn nhãn, gần 1 tấn cà tím, khoai sọ và rau các loại.

Chị Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng cho rằng, những hoạt động đã và đang diễn ra nhằm phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân của các cấp Hội LHPN huyện đã thật sự lan tỏa, phát huy được sức mạnh, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội. Chị em hội viên phụ nữ không những thực hiện tốt phương châm “Đi từng ngõ - Gõ từng nhà”, vận động người dân thực hiện tốt thông điệp “5K”, khai báo y tế, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, hạn chế việc việc tụ tập đông người, thực hiện giữ vệ sinh cá nhân và gia đình luôn sạch sẽ, thoáng mát... mà còn phát huy vai trò thành viên tổ Covid cộng đồng. Đến nay, toàn huyện có 608 hội viên phụ nữ tham gia làm nhiệm vụ tại 208 chốt trực; kiểm tra, giám sát, nhắc nhở hội viên, phụ nữ và nhân dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 trên các tuyến phố, đường làng, ngõ xóm; rà soát, phát hiện các trường hợp liên quan, nghi ngờ F1, F2 để vận động thực hiện cách ly.

Hội LHPN huyện Đan Phượng tặng mũ chắn giọt bắn cho lực lượng tuyến đầu chống dịchHội LHPN huyện Đan Phượng tặng mũ chắn giọt bắn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

“Những ngày tiếp theo, Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương “Ba đảm đang”, các chị em phụ nữ vừa xung kích nơi tiền tuyến, có mặt tại các điểm trực chốt, lại vừa hăng hái ở hậu phương, nấu cơm, cung ứng thực phẩm, hỗ trợ công tác chăm sóc, bảo đảm hậu cần phục vụ lực lượng tuyến đầu… vừa làm tốt công tác ở xã, vừa hăng hái giúp đỡ xã bạn trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm… chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh”, chị Bảy khẳng định.

Tinh thần chung tay phòng, chống dịch cùng cộng đồng theo cách riêng của chị em phụ nữ huyện Đan Phượng, được thể hiện qua hoạt động thay phiên nhau làm bữa sáng cho cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm trực chốt; hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản; tuyên truyền phòng chống dịch lưu động… đã được các cấp chính quyền địa phương cơ sở ghi nhận và đánh giá cao. Những việc làm tuy nhỏ nhưng đã thể hiện tinh thần hậu phương sâu sắc, nghĩa tình của chị em phụ nữ.

THANH THANH - QUỲNH ANH
ảnh: HPN

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.