Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động
(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Tan đàn xẻ nghé
Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hôn nhân và gia đình sơ thẩm về việc: “ly hôn”. Người chồng vắng mặt và hiện cũng không ai rõ anh ở đâu, chỉ biết là đang ở nước ngoài. Theo đơn khởi kiện ly hôn và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là người vợ - chị N.T.T trình bày rằng, sau khi kết hôn năm 2011, vợ chồng họ chung sống hạnh phúc. Đến đầu năm 2016, hai vợ chồng cùng sang nước ngoài làm việc, từ đó vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Được biết, dù cùng nhau xuất khẩu lao động tại một nước nhưng anh chị không sống cùng nhau. Chị T phát hiện chồng có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác, thậm chí còn chụp ảnh đăng công khai trên mạng xã hội. Tình cảm hai vợ chồng dần sứt mẻ, không còn tin tưởng nhau. Họ ly thân từ đó đến nay. Anh T, chồng chị T cũng không có ý định hòa giải với vợ. Vì lẽ đó, họ không liên lạc gì với nhau nữa. Nay, sau nhiều năm đằng đẵng, chị T xác định mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, tình cảm vợ chồng không còn, không thể tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân như hiện nay nên chị làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết cho mình được ly hôn, để chị còn ổn định cuộc sống.
Tòa án đã tiến hành làm việc với người thân của anh T là bà H - mẹ đẻ của anh. Bà H nói rằng, gần 10 năm nay, anh T đi xuất khẩu lao động chưa về nhà lần nào, dù trong thời gian đi xuất khẩu lao động anh T vẫn thi thoảng gọi điện về hỏi thăm tình hình học tập của các con. Bà H không biết địa chỉ cụ thể của con trai ở nước ngoài, cũng không rõ con trai mình quan điểm thế nào về việc vợ nộp đơn ly hôn. Họ có 2 con chung, nhưng từ khi hai vợ chồng đi xuất khẩu lao động, số tiền hàng tháng gửi về để bà H chăm lo cho các cháu đều là chị T gửi.

Cuối cùng Tòa án quyết định chấp nhận yêu cầu của chị T xin ly hôn anh T. Một cuộc hôn nhân gần 15 năm kết thúc trong chóng vánh và cô độc, chẳng biết ở xứ người, anh T có thấy tiếc nuối không?
Trên đây chỉ là một vụ việc trong số nhiều trường hợp gia đình tan tác vì có chồng hoặc vợ hoặc cả hai đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Câu chuyện của gia đình chị Hoài Thu (quận Đống Đa) cũng là một ví dụ. “Dì ruột mình mấy năm trước đang có 1 salon tóc, 2 vợ chồng làm tháng đôi ba chục triệu, nuôi 2 đứa con vô tư. Tự dưng dì đòi đi xuất khẩu lao động, thế là đóng cửa salon. Vợ học tiếng rồi thi đỗ, sang trước, chồng học tiếng sang sau. Đợt đầu đúng đợt dịch nên chuyến đi của chú bị hoãn, thời gian đấy thì chú lại lằng nhằng tình ái với một chị học cùng. Khi bị vợ phát hiện, chú cũng xin tha thứ. Sau đó hết dịch thì thi mãi không đỗ nên chú thôi không đi nữa, ở nhà mở lại salon tóc, tiền vợ ở bên kia gửi về.
Cảnh xa nhau, rồi tiền bạc không được quản lý kỹ nên salon vừa không làm ăn được, chú lại còn chơi tiền ảo thua cả tỷ bạc nên vợ gửi tiền về cho chồng mở lại salon tóc. Giờ dì mình lại còng lưng trả nợ cho chồng, nhà đang xây cũng bỏ đấy. Bây giờ vợ chồng mỗi người một nơi, tình cảm cũng nhạt nhòa lắm rồi. Giờ chỉ ước giá như năm ấy chưa từng quyết định xuất khẩu lao động”, chị Thu kể.
Anh M, nhà ở Long Biên cũng rơi vào cảnh hạnh phúc gia đình chông chênh vì vợ sang xứ người làm việc. Hai vợ chồng anh vốn là lao động tự do, thu nhập hàng tháng không nhiều nhưng cũng đủ sống. Tuy nhiên, vợ anh lại mong muốn đổi đời bằng có thật nhiều tiền và đã chọn sang nước ngoài lao động. Từ đó, vợ chồng xa cách, hai đứa con đang tuổi lớn, cần có mẹ ở bên thủ thỉ, tâm sự thì nay lại thiếu đi người chăm sóc. Mỗi lần anh giục vợ trở về, thì chị cứ nấn ná, rồi còn muốn xin gia hạn làm thêm chỉ vì mục tiêu kiếm tiền. Nhưng, anh lại nghĩ, tiền có nhiều nhưng có khi vợ chồng anh lại đang đánh mất những thứ quý giá hơn... Đến nay, vợ anh đã đi được 6 năm, cũng là hàng ngàn ngày nhà anh ở cảnh chia ly.
Nhọc lòng hai chữ “tình”, “tiền”
Đằng sau những con số “biết nói” về hiệu quả kinh tế, nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra từ việc XKLĐ, nhất là tỷ lệ ly hôn khá cao, thậm chí phát sinh các vụ án từ mối quan hệ hôn nhân gia đình.
Cuộc sống gia đình khó khăn, chồng bệnh tật, con bị dị tật bẩm sinh nên bà Chu Thị H, trú tại thôn Ngư Tịnh, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đi XKLĐ tại Hàn Quốc từ năm 2000. Sau gần 20 năm bôn ba xứ người, khi kiếm đủ số tiền để xây nhà cửa, lo cho cuộc sống gia đình, bà Hà trở về quê thì tình cảm vợ chồng đã không còn mặn nồng như xưa.

Thấy vợ đi xa lâu năm mới về nhà nhưng không quan tâm, chăm sóc chồng, có biểu hiện muốn đi tiếp nên ông Châu đã nảy sinh giết vợ rồi tự tử. Đầu tháng 2/2019, khi vợ đang ngủ, ông này đã dùng dao chém vợ tử vong. Sau khi giết vợ, ông Châu đã nhảy xuống biển tự tử nhưng được người dân phát hiện đưa lên bờ. 4 tháng sau đó, ông Lê Hải Châu bị tòa án tuyên phạt 20 năm tù giam về tội giết người.
Hay như vụ việc đi xuất khẩu lao động về, bị vợ chê mà người chồng ra tay sát hại vợ tại TP Hồ Chí Minh. Trần Công Nghiệp (SN 1986, ngụ Tây Ninh) và chị N.T.L.H kết hôn với nhau từ năm 2010, đã có một người con. Sau khi đám cưới xong, Nghiệp đi Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động. Trong thời gian làm việc bên Hàn Quốc, Nghiệp đã gửi tiền về cho vợ để chị H trả nợ xây nhà, thuê cửa hàng bán quần áo. Song, đến ngày ra sân bay đón chồng về nhà, bất ngờ chị H đòi ly dị với Nghiệp, từ đây cả hai nảy sinh mâu thuẫn. Nghiệp sau nhiều lần cố hàn gắn với chị H không được đã nảy sinh ý định giết vợ. Nghiệp mang theo dao Thái Lan đến cửa hàng quần áo của chị H để nói chuyện. Lúc này Nghiệp có ý định nếu hàn gắn không được sẽ giết chị H rồi tự tử. Sau khi nói chuyện với vợ không được như ý muốn, Nghiệp dùng dao đâm chết chị H rồi bỏ trốn. Chị H sau khi được đưa đi cấp cứu vẫn tử vong do vết thương quá nặng. HĐXX quyết định mức án 16 năm tù giam đối với Nghiệp về tội “Giết người”…
Rõ ràng, xuất khẩu lao động là một trong những con đường giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhưng đằng sau đó cũng có có cả mặt trái. Đối với nhiều gia đình, con đường này cũng rất nhiều chông gai và không ít nguy cơ, thậm chí là tan tác… Mái ấm của những lao động ấy rất dễ bị đổ vỡ nếu họ không luôn có ý thức nâng niu, gìn giữ, hay là chỉ tập trung vào việc kiếm tiền mà đánh đổi lại bằng hạnh phúc.