Phát huy vai trò của phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Bài và ảnh: Hoàng Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - 5 năm qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được các cấp Hội LHPN Việt Nam tích cực hưởng ứng và chủ động triển khai gắn với việc thực hiện các chương trình, cuộc vận động, đề án, dự án của Hội. Nhiều hoạt động, nhiều mô hình sáng tạo góp phần giảm thiểu rác thải nhựa; hình thành thói quen hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày; phân loại và xử lý rác từ hộ gia đình và cộng đồng… được các cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

Thay đổi nhận thức tiến đến thay đổi hành vi với rác thải nhựa

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2018-2023 tổ chức ngày 14/11, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Hội LHPN Việt Nam xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, các cấp Hội đã vận dụng sáng tạo chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN Việt Nam vào điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa được triển khai sâu rộng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ và cộng đồng giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần.

 Với phương châm hướng về cơ sở, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều cuộc truyền thông mẫu về phòng, chống rác thải nhựa tại cộng đồng với phương pháp đổi mới, sáng tạo, tăng cường tính tương tác và nhấn mạnh thông điệp hành động bảo vệ môi trường. Tại địa phương, các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông cả về bề rộng lẫn chiều sâu với các hình thức phong phú. Nhiều tỉnh/thành Hội đã tổ chức hưởng ứng thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và cụ thể hoá các nội dung tuyên truyền chống rác thải nhựa.

Phát huy vai trò của phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường - ảnh 1
Hội LHPN Việt Nam trao khen Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2018- 2023. 

 Nổi bật như: Hội LHPN thành phố Cần Thơ, Hà Nội, Thừa Thiên Huế đã tổ chức cổ động và diễu hành xe đạp, xe điện hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”; Hội LHPN tỉnh Tây Ninh tổ chức chạy Việt dã, gian hàng ẩm thực thân thiện với môi trường, ngày hội sáng tạo từ rác tái chế với chủ đề “Cộng đồng chung tay - giảm ngay rác thải”; Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp tổ chức Phiên chợ xanh “Rác đi - Quà về”… tổng số băng rôn, phướn, tờ rơi, poster được các cấp Hội phát hành là 209.812 chiếc.

Từ đầu năm 2019, các cấp Hội Phụ nữ đã bắt đầu việc vận động tiểu thương ở chợ cam kết hạn chế sử dụng túi nilon truyền thống và thay thế bằng túi nilon tự hủy sinh học; vận động chị em dùng sản phẩm từ thiên nhiên như: Lá chuối, lá sen để gói thực phẩm hoặc sử dụng giỏ để đi chợ, tặng túi nilon tự phân hủy để các tiểu thương dùng thử; khuyến khích người dân xách giỏ đi chợ; hướng dẫn, giới thiệu các hộ tiểu thương tìm đại lý mua các túi nilon tự hủy... nhằm hạn chế rác thải nhựa. Kết quả đã có hàng ngàn tiểu thương đã ký cam kết sử dụng hoàn toàn túi nilon tự hủy.

Điển hình, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá tổ chức 6 “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”, tuyên truyền người dân và tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilon, vận động người dân mang làn, hộp nhựa đựng thức ăn khi đi chợ. Hội LHPN tỉnh An Giang tổ chức 372 cuộc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa, sử dụng giỏ đi chợ; phân loại rác tại nguồn. Hội LHPN thành phố Hải Phòng vận động chị em đi chợ không túi nilon, sử dụng dây buộc và gói rau bằng lá chuối để góp phần làm sạch môi trường...

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã sáng tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, thu hút sự tham gia của cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua các hội thi, cuộc thi: “Sáng tạo sản phẩm tái chế bảo vệ môi trường” tỉnh Lâm Đồng; “Truyền thông về bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tỉnh Bình Định. “Cuộc thi Sáng tác các tác phẩm truyền thông về bảo vệ môi trường” và lựa chọn 1.398 tác phẩm thơ, tiểu phẩm đăng tải trên bản tin phụ nữ làm tài liệu tuyên truyền tỉnh Hải Dương...

Phát huy vai trò của phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường - ảnh 2
Chị em hội viên phụ nữ quận Hoàng Mai, Hà Nội thực hiện mô hình “ Trạm rác văn minh”. 

Nhiều mô hình sáng tạo, ý nghĩa

Song song với công tác tuyên truyền, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo triển khai như: “Phụ nữ không sử dụng túi nilon”; “Phụ nữ nói không với túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Biến rác thành tiền”; “Phân loại rác thải đầu nguồn”...

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LLHPN TP Hạ Long chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai xây dựng các mô hình tái chế, tuần hoàn rác thải nhựa, gắn với tăng trưởng xanh. Theo đó, 5 năm qua, các cấp Hội đã xây dựng, duy trì và nhân rộng 290 mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm, thu hút gần 30.000 hội viên tham gia, tiêu biểu như: Mô hình “Biến rác thành tiền". Chị em hội viên phụ nữ thu gom, phân loại rác tại nhà, sau đó mang đến nhà văn hóa, khu dân cư để bán phế liệu, Hội đã đã thu gom được trên 50 tấn rác nhựa, phế liệu, vỏ bia... bán được với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Từ đó đã tạo nguồn quỹ thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động và tặng quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hay như mô hình “Ủ phân vi sinh”, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện tốt việc thu gom, phân loại và ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Kết quả từ năm 2019, mô hình tạo ra 765 tấn sản phẩm sau ủ, tiết kiệm chi phí mua phân hóa học khoảng gần 200 triệu đồng;  mô hình “Gạch sinh thái”; mô hình "Làm sản phẩm từ rác thải tái chế"... của Hội cũng đã góp phần bảo vệ  môi trường được các cấp chính quyền đánh giá cao.

Nhằm phát huy giá trị di sản thiên nhiên tại địa phương, gia tăng vai trò của phụ nữ trong bảo tồn hệ sinh thái san hô bền vững tại khu di tích danh thắng quốc gia Hòn Yến, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên cho biết: Hội LHPN tỉnh tổ chức khảo sát, vận động 20 hộ kinh doanh ký cam kết hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và khó phân hủy trong buôn bán, sinh hoạt và tuyên truyền, vận động người dân, du khách khi đến tham quan Hòn Yến không sử dụng các sản phẩm nhựa và khó phân hủy, tổ chức chiến dịch làm sạch Hòn Yến, tổ chức cuộc thi vẽ tranh bích họa với chủ đề “Hòn Yến xanh”… Hỗ trợ thành lập “Tổ hợp tác dịch vụ sinh thái san hô Hòn Yến”, huyện Tuy An; hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động và hỗ trợ kết nối du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đảm bảo nguồn thu từ du lịch để duy trì hoạt động bảo vệ hệ sinh thái san hô tại Hòn Yến…

Phát huy vai trò của phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường - ảnh 3
Chị em hội viên phụ nữ TP Hạ Long thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền”. 

Tại Hà Nội, mô hình “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ” cũng được bắt đầu từ năm 2020 không những góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường mà còn tạo nên một nét đẹp văn hóa của người phụ nữ Hà Nội. Năm 2020, mô hình được triển khai thí điểm tại chi hội phụ nữ số 2 của phường Xuân La, quận Tây Hồ theo chỉ đạo của Hội LHPN Hà Nội với sự tham gia của 150 cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội viên chi hội tận dụng dây buộc hàng tái chế để đan làn và sử dụng làn khi đi chợ. Đến nay, mô hình tiếp tục được 100% các chi hội triển khai thực hiện.

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh xây dựng gần 1.000 mô hình “Ngôi nhà xanh” với số tiền thu được từ nguồn bán phế liệu trên 1 tỷ đồng. Mô hình “Thu gom, phân loại rác thải nhựa gắn với tự quản tuyến đường hoa” tỉnh Tuyên Quang. Mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng, ngày thứ 6 tái chế” của Hội Phụ nữ Cảnh sát biển, Ban công tác Phụ nữ quân đội được đông đảo hội viên hưởng ứng.

Từ hiệu quả đạt được cho thấy, các mô hình chống rác thải nhựa của Hội Phụ nữ các cấp đã tạo sự lan toả trong cộng đồng vừa góp phần hỗ trợ sinh kế cho nhiều chị em hội viên phụ nữ, vừa bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.