Phía sau sự im lặng của nàng dâu

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau bao năm làm dâu, dường như chưa có việc gì Phương làm mà mẹ chồng cảm thấy ưng ý. Bà luôn xét nét, khó tính với con dâu khiến cô cảm thấy vô cùng bức bối, mệt mỏi.

Đi làm về, vừa bước vào phòng khách, Phương giật mình vì thấy mẹ chồng đang ngồi trên ghế sofa. Dù khá bất ngờ vì không thấy bà gọi điện báo trước như mọi lần nhưng cô vẫn tươi cười, đon đả chào hỏi. Khác với thái độ của con dâu, mẹ chồng Phương cau mày nói: “Hôm nay tiện xe của chú Huân nên tôi lên đây chơi, chứ cũng không có kế hoạch trước. Vừa nãy thằng Tuấn đi làm cũng mới biết tôi lên đấy”.

Phương “dạ vâng” rồi muốn nhanh chóng vào phòng thay đồ để nấu ăn. Nhưng mẹ chồng vẫn cố nói theo:

- Cô làm công to, việc nặng, nhiều tiền hay sao mà nhà cửa không dọn dẹp, quán xuyến? Không biết bát đũa, quần áo bẩn từ bao giờ mà ngổn ngang từ bếp vào nhà tắm. Ngủ dậy cái chăn cũng không chịu gấp. Nhà có con gái thì mẹ phải nề nếp để còn làm gương cho con chứ.

- Sáng con đi làm vội quá nên không kịp làm, lát con dọn luôn nhé mẹ - Phương đáp.
Vừa lúc đó Tuấn đi về, trên tay cầm túi đồ ăn hồ hởi nói: “Vợ ơi nay đổi món cá nướng nhé. Mẹ với hai đứa nhỏ là thích món này lắm đấy”.

Nghe con trai nói, mẹ chồng Phương lại thở dài: 

- Đấy đến việc đi chợ cũng để chồng lo thì không biết làm được cái gì?.

Phương bước vào phòng ngủ, mang theo cảm giác thật nặng nề. Cô đi làm cả ngày mệt mỏi, căng thẳng, về đến nhà lại gặp mẹ chồng không ngớt lời soi mói, trách móc. Hơn 6 năm nay, Phương đều sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” với mẹ chồng. Không phải cô ghê gớm, sống không biết nhìn trước ngó sau, mà vì mẹ chồng có thành kiến với cô ngay từ những ngày đầu ra mắt. 

Phía sau sự im lặng của nàng dâu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mẹ chồng phản đối không cho vợ chồng Phương kết hôn vì cô “thua xa con trai bà về mọi mặt, từ ngoại hình đến công việc”. Bà ngắm cho con trai một cô gái gần nhà “đẹp người, đẹp nết, lại giỏi giang” nhưng Tuấn chỉ quyết tâm yêu và lấy Phương nên bà lại càng không ưa cô. 

Phương tự nhủ sẽ chinh phục mẹ chồng bằng tấm lòng chân thành của mình thế nhưng dù có cố gắng bao nhiêu cô vẫn không thể làm bà hài lòng. Mỗi lần bị mắng, Phương thường lặng im, nuốt những ấm ức, tủi thân vào trong lòng. Vì Phương biết chồng rất thương mẹ và anh cũng luôn yêu thương, thấu hiểu vợ. Phương không muốn chồng là người ở giữa phải khó xử. 

Chồng Phương tài giỏi, chịu khó, luôn cố gắng làm việc để bố mẹ và vợ con có cuộc sống đủ đầy. Tuy nhiên, hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty riêng của Tuấn gặp khó khăn, anh đã phải lấy hết số tiền tiết kiệm của gia đình để duy trì hoạt động. Sau đó, phải đầu tư thêm để mở rộng sản xuất nên một thời gian dài, mặc dù là “ông chủ” nhưng Tuấn không hề có lương. 

Thấu hiểu nỗi lo và tâm huyết của chồng với công ty được gây dựng từ hai bàn tay trắng, Phương luôn tìm mọi cách để chia sẻ với chồng. Cô động viên chồng chuyên tâm lo công việc, còn mọi chi tiêu trong gia đình cô sẽ quán xuyến. Thế là từ đó, Phương biết học cách chi tiêu tiết kiệm, không mua sắm nhiều, bỏ qua đồ hiệu, tự chăm sóc da ở nhà mà không cần ra spa. 

Phương nhận thêm việc để làm ngoài giờ và cuối tuần. Hai vợ chồng cô đi làm về, lo cho con ăn ngủ xong lại ngồi vào bàn làm việc đến khuya. Dù có chút vất vả nhưng “thuận vợ thuận chồng” nên cô vẫn cảm thấy mọi chuyện thật nhẹ nhàng và hạnh phúc.
Chuyện công việc của Tuấn, vợ chồng cô không nói với bố mẹ chồng vì sợ ông bà nghĩ ngợi nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy mỗi tháng, ngoài việc chi tiêu trong gia đình và lo cho con ăn học, Phương vẫn gửi đều đặn mấy triệu đồng để biếu bố mẹ chồng. Điều khiến Phương buồn bực nhất là mẹ chồng luôn cao giọng cho rằng “tiền của con trai làm ra thì tôi nhận là điều đương nhiên”.

Lần này bà lên chơi bất ngờ, thấy nhà cửa bề bộn nên không tiếc lời trách móc con dâu. Bà đâu biết rằng, Phương bận “tối mặt” cả ngày nên ít có thời gian để chăm chút chuyện nhà cửa, chỉ có chuyện ăn uống là cô vẫn lo từng li từng tí cho chồng con. 

Lần đến thăm này, mẹ chồng còn nói chuyện muốn sửa lại khu nhà bếp vì bà thấy cũ và muốn vợ chồng con trai “đầu tư”. Phương khá sững sờ khi chồng cô trả lời “vâng” ngay tắp lự mà không chút đắn đo suy nghĩ. Chờ đến khi về phòng ngủ, Phương mới cất lời: “Anh định lo tiền ở đâu để đưa cho mẹ, tính ra cũng phải tiền trăm đấy”.

Phía sau sự im lặng của nàng dâu - ảnh 2
Ảnh minh họa

- Anh tính thế này, hay em cắm sổ lương của em đi. Mỗi tháng trả lãi cũng không cao lắm đâu. Mình cố gắng lo cho bố mẹ vui. Công việc ở công ty cũng ổn rồi, tháng sau có đơn hàng mới chắc chắn anh sẽ mang tiền về cho em - Tuấn năn nỉ vợ.

- Không được! - Phương quát lên rất to. Có lẽ vì thế mà thu hút sự chú ý của mẹ chồng. Bà tò mò đứng bên cánh cửa để nghe câu chuyện của hai vợ chồng Phương.

- Bao giờ anh đưa tiền em mới chắc chắn được, chứ bây giờ anh cứ hẹn đến tháng sau em không thể yên tâm. Em nghĩ anh nên nói thật với mẹ về tình hình công ty. Chứ một tháng em lo mấy triệu gửi về đã là quá sức lắm rồi, giờ anh còn bảo em đi vay nợ để đưa mẹ sửa nhà bếp nữa thì làm sao em chịu nổi? Mà em thấy cái bếp ấy mới xây chưa được chục năm mà toàn đồ xịn nên vẫn còn sạch đẹp vậy mà mẹ lại sửa làm gì?. 

Phương vừa nói đến đây thì mẹ chồng gõ cửa, gọi hai vợ chồng cô ra nói chuyện. Phương thực sự bất ngờ với thái độ của mẹ chồng. Bà quay sang giận dỗi con trai nhưng thực ra là mắng con dâu: “Sao anh không nói sớm để tôi biết, chứ bấy lâu nay lại mang tiếng là cầm tiền của con dâu vất vả làm thêm. Mà vợ anh có phải vất vả bao giờ đâu nên chắc đợt này mệt nhọc lắm. Thôi cố gắng mà bảo ban nhau, chờ ngày công ty kinh doanh tốt lại đã nhé”.

Ngay sáng hôm sau bà bắt xe về quê. Bố chồng Phương biết là có chuyện nên gọi điện hỏi han. Phương tâm sự hết với bố chồng. ông vốn là người điềm đạm, công tâm nên an ủi con dâu: “Thôi được rồi, bố sẽ nói chuyện để mẹ con nguôi giận và hiểu tấm lòng của hai đứa. Con cũng đừng buồn quá vì tính tình mẹ con xưa nay vẫn thế, tuy nói vậy thôi nhưng mà thương con, thương cháu”.

Sau cuộc nói chuyện với bố chồng, Phương cảm thấy nhẹ lòng hơn. Cô hy vọng sau chuyện này, mẹ chồng cô sẽ hiểu và mở lòng hơn với những việc mà cô làm bấy lâu nay.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.