Phụ huynh còn nhiều tâm tư

QUỲNH AN (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bước vào năm học mới, bên cạnh vấn đề về chất lượng giáo dục, các phụ huynh rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn học đường, từ khẩu phần ăn của trẻ đến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào… Báo Phụ nữ Thủ đô ghi lại một số ý kiến đánh giá của các phụ huynh, chuyên gia về vấn đề này.

Chị Văn Thị Lan, phụ huynh (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội): Cho trẻ ăn bán trú là cần thiết đối với các gia đình bận rộn

Phụ huynh còn nhiều tâm tư - ảnh 1

Với những gia đình không có ông bà hay giúp việc chăm sóc, bố mẹ phải đi làm cả ngày thì việc cho trẻ ăn bán trú tại trường là rất cần thiết. Hai con của tôi (lớp 5 và lớp 2) đều ăn bán trú ở trường. Khẩu phần ăn của các con được công khai trên website và bảng tin nhà trường, do đó, phụ huynh bớt đi phần nào lo lắng về chất lượng thực phẩm đầu vào cũng như thực đơn hàng ngày của trẻ. Đặc biệt, các con khá thích thú vì được ăn cùng các bạn. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn, thực đơn bữa ăn cần được thay đổi linh hoạt, phong phú hơn để các con có hứng thú trong việc ăn uống. Ngoài ra, nguồn thực phẩm cung cấp cần có nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh, đảm bảo tiêu chuẩn và có kiểm tra thường xuyên, giúp phụ huynh yên tâm khi con ở trường mỗi ngày. 

Bà Ngô Thị Cúc Hoa, phụ huynh (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Phụ huynh cần được chủ động giám sát chất lượng bữa ăn của các con
Tôi có hai con đang theo học cấp 1 và cấp 2, trong đó, con trai học tiểu học đang thực hiện ăn bán trú tại trường. Đầu năm học mới, bên cạnh việc quan tâm đến chất lượng giảng dạy, tôi cũng thường xuyên để ý đến việc ăn uống, nghỉ ngơi ở trường của con. May mắn là con tôi rất hào hứng với những suất ăn ở trường. Thế nhưng, tôi vẫn băn khoăn lo lắng về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, cách chế biến, bảo quản thực phẩm đã an toàn chưa. Mặc dù hiện nay, nhà trường có công khai đơn vị cung cấp thực phẩm, tổ chức cho phụ huynh thường xuyên kiểm tra bếp ăn... song việc kiểm tra vẫn đang có sự cảm quan. Tôi hy vọng, nhà trường có thể sắp xếp để phụ huynh chủ động kiểm tra thực phẩm, thực đơn, giám sát bữa ăn các con không có sự can thiệp của nhà trường; phụ huynh có thể nêu ý kiến về các món ăn để các con được ăn những suất ăn theo đúng sở thích…
 
Bà Trần Thị Mạnh Linh, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Spychologi: NHà trường cần cập nhật thường xuyên các vấn đề ăn uống của trẻ

Phụ huynh còn nhiều tâm tư - ảnh 2

Việc con học bán trú ở trường sẽ giúp phụ huynh yên tâm hơn để làm việc nhưng cũng là trăn trở của nhiều phụ huynh. Các phụ huynh quan tâm đến ăn uống, giấc ngủ, nhiệt độ lớp học khi ngủ của con… Nhiều phụ huynh còn tỏ ra lo lắng vì ở nhà thức ăn ngon, bố mẹ giục giã mà con còn không ăn thì khi ăn tập thể có theo cùng các bạn được không; lớp học đông các con, cô giáo quản lý không xuể hoặc các con bỏ bữa không ăn mà cô không biết thì không đảm bảo sức khỏe. Nhất là với trẻ mầm non. Hay việc chế biến thực phẩm ở trường ra sao, thức ăn có đảm bảo sạch sẽ, tươi ngon không, bát đũa có vệ sinh không?... Phụ huynh không thể đến trường kiểm tra nên càng lo lắng. Các lo lắng đó xuất phát từ nguyên nhân muốn con được an toàn, khỏe mạnh. Do đó, nhiều phụ huynh thỉnh thoảng hỏi cô, hỏi con, tạo tâm lý nghi ngờ đối với nhà trường.

Theo tôi, để giúp trẻ có bữa cơm ngon và đủ dinh dưỡng và giúp phụ huynh yên tâm khi con đi học, nhà trường cần có bộ phận hậu cần cập nhật thường xuyên các vấn đề ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi của trẻ. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cần công bố rõ ràng nguồn thực phẩm lấy ở đâu, giấy phép như thế nào, cơ sở nào phụ trách nấu ăn, giấy phép kinh doanh... Mỗi tháng, nhà trường lấy ý kiến của phụ huynh đại diện về việc điều chỉnh món ăn, vệ sinh bát đũa, giờ ăn, tổ chức ăn. Nhà trường có tổ thanh tra về bán trú bao gồm giờ ăn, giấc ngủ, điều kiện sinh hoạt ở lớp, và nên có phụ huynh trong tổ này để chia sẻ kịp thời thông tin với phụ huynh trong trường. Chỉ khi nắm bắt được tình hình, phụ huynh mới bớt đi phần lo lắng…
 
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Đã có chế tài xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Phụ huynh còn nhiều tâm tư - ảnh 3

An toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang là một vấn đề nổi cộm và được sự quan tâm của toàn xã hội bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe của mỗi người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh ăn bán trú tại trường học có xu hướng tăng lên, bên cạnh việc đảm bảo về dinh dưỡng, vấn đề an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể tại trường học càng cần được quan tâm. Tuy nhiên, tại các bếp ăn tập thể, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số nhân viên trực tiếp tham gia chế biến hoặc người phục vụ còn thiếu ý thức trong thực hành an toàn thực phẩm. Tại nhiều bếp ăn, các dụng cụ đựng chất thải không có nắp đậy, không được vận chuyển thu dọn hằng ngày. Tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học… 

Pháp luật đã có quy định cụ thể về việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các Điều 28, Điều 29, Điều 30 của Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (Điều 28) thì: Nơi chế biến thực phẩm phải bố trí bếp ăn không lây nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng; nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại; có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ; người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (Điều 29): Cần phải có dụng cụ, đồ chứa riêng cho thực phẩm sống và chín; dụng cụ nấu nướng, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn; dụng cụ ăn uống được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô; tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm (Điều 30) thì việc sử dụng thực phẩm, nguyên liệu đảm bảo nguồn gốc, an toàn, lưu mẫu thức ăn…

Như vậy, quy định là đã có, nếu cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, các bếp ăn tập thể tại trường học sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm là phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị dịnh này.

Bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh: Thực hiện phương châm “Thực phẩm chất lượng, bữa ăn an toàn”

Phụ huynh còn nhiều tâm tư - ảnh 4

Công ty chúng tôi hiện đang cung cấp gần 90.000 suất ăn cho gần 80 trường học tại địa bàn thành phố Hà Nội. Với phương châm “Thực phẩm chất lượng, bữa ăn an toàn”, công ty đã quán triệt đến từng cán bộ, công nhân viên về nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, trên cơ sở đó tìm giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.  

Khi ký kết hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú tại các trường học, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm ngay từ đầu vào, kiểm soát các khâu chế biến ra thành phẩm, chứ không chỉ là đủ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục pháp lý. Theo đó, công ty chủ động sản xuất phần lớn nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào là rau củ quả, các sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn OCOP. Về các mặt hàng rau củ quả, chúng tôi chủ động sản xuất tại trang trại đặt tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh bắc Ninh, đạt tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư dây chuyền chế biến giò, chả, xúc xích, giá đỗ đạt tiêu chuẩn OCOP; ký hợp đồng với các đơn vị chăn nuôi hải sản có uy tín, đảm bảo bình ổn giá thực phẩm, hợp tác với chuyên gia tư vấn thực đơn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Những mặt hàng không chủ động được thì sẽ liên kết theo chuỗi với các đơn vị có uy tín, có các bộ phận chuyên môn kiểm soát chặt chẽ, chất lượng đầu vào… Ngoài ra, công ty còn thành lập bộ phận kiểm soát an toàn, phối hợp với nhà trường và cơ quan chuyên môn để xử lý nhanh nhất các tình huống phát sinh…

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.