Phụ nữ có nên nhậu say?

Chia sẻ

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao rượu đắng, vì sao những cơn say khiến người mệt mỏi mà phụ nữ vẫn thích nhậu? Đó là sự đua đòi của nhiều chị em hôm nay hay còn nguyên nhân nào sâu xa bên trong nữa?

Ngày còn chưa lập gia đình, tôi vẫn thường bị mẹ tôi trách: “Mày xem thế nào mà kiếm đứa biết ăn ở. Đấy, xem cái Lan con dâu ông Hùng, vừa tháo vát, đảm đang vừa năng động, lễ phép”. Nghe thế biết thế, có ai giống ai, tôi cũng cười cho qua chuyện. Ông Hùng là bạn của mẹ tôi từ thuở nhỏ, hai người sống gần nhau cả cuộc đời nên hai nhà như một.

Mấy năm qua, do nhà tôi chuyển lên sống ở chung cư, công việc bận rộn nên tôi ít có dịp qua nhà bác ấy. Tết rồi, hôm Mồng 5 từ nhà bác Hùng về, mẹ tôi than thở: “Con gái con lứa giờ bê tha quá con ạ, thời mẹ đâu có ai dám thế”. Tôi hỏi mẹ đang nói ai, mẹ tôi không trả lời nhưng tôi đoán đó là Lan. Hôm đó, Lan ngà ngà say, nói năng líu ríu vào nhau. Cũng không ít lần ra Tết, vợ chồng tôi đi du xuân, đi lễ gặp Lan và bạn bè nhậu trên tàu du lịch, trong các nhà hàng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ra Giêng, không khí làm việc còn chưa được hâm nóng, người ta vẫn lai rai ăn Tết, bạn bè đồng nghiệp hẹn hò vui chén rượu ngày xuân, các hội động hương, đồng tuế, họp lớp… tổ chức gặp mặt, những tiếng “dô”, “dô” khá rôm rả. Anh bạn tôi bảo: ông thử nghĩ xem trong các cuộc nhậu nếu mà không có các “bóng hồng” liệu còn vui không? Nghĩ cũng phải, chuyện phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội bình đẳng cùng các đấng mày râu, rồi đến khi vào mâm cùng nâng ly, hỏi thăm sức khoẻ, tạo mối quan hệ trong công việc ngày nay âu cũng là hết sức bình thường.

Nhưng, cứ nghĩ đến cảnh các cô gái mặt đỏ lựng, giọng lè nhè, chân đi loạng choạng tay cầm ly rượu đến chúc các bàn cứ thấy có gì đó khó coi. Ấy là chưa kể đến lúc thấy họ nôn thốc nôn tháo, say xỉn trở về hay bị cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn… Tôi không biết mẹ tôi đã chứng kiến Lan dịu dàng với tóc dài thướt tha, sơ mi lịch lãm mọi khi hôm đó đã say rượu thế nào, nhưng đôi ba lần thấy cô loạng choạng đi xuống cầu thang nhà hàng cũng khá khó coi.

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao rượu đắng, vì sao những cơn say khiến người mệt mỏi mà phụ nữ vẫn thích nhậu? Đó là sự đua đòi của nhiều chị em hôm nay hay còn nguyên nhân nào sâu xa bên trong nữa?

Tôi được biết, nhiều người phụ nữ thời nay thường xuất hiện với nụ cười, với những câu đùa vui nhưng nhiều khi chỉ là cách để họ che giấu một nỗi buồn bên trong. Có người buồn vì khó sinh nở hay sinh con gái một bề bị nhà chồng và chồng hờ hững. Có người chán nản vì người bạn đời mải mê rượu chè, cá độ không tu chí làm ăn. Người phụ nữ khác thì rơi vào cảnh mẹ trẻ đơn thân một mình lo toan cuộc sống và đối mặt với dư luận xã hội.

Dường như lúc có chén rượu họ mới dám “sống thật”, chén rượu là liều doping giúp họ vượt qua những thách thức, vượt qua sự mệt mỏi để lo cho con và bản thân mình. Những người phụ nữ ấy trong cơn say thật đáng thương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng cũng có nhiều người lại nhậu cho sành điệu, cho ngầu. Chỉ cần bước vào một quán lẩu là bạn đã được nghe tiếng những cô gái trẻ vang lên ồn ã với chất giọng pha… cồn. Họ văng tục, hò hét, bàn tán như thể thế giới này là của riêng mình. Họ sẵn sàng “chiến” đến cùng với bạn trai, với bạn bè để chứng tỏ ta đây không thua kém bắt kịp “xu thế” thời đại.

Khi tôi còn giảng dạy ở một trường chuyên nghiệp, ra Tết, sinh viên thường tổ chức ăn uống theo kiểu nhậu sinh viên, một sinh viên nam kể với tôi: Bạn này, bạn kia lớp mình uống rượu không biết say thầy ạ, tửu lượng hơn cả bọn con trai chúng em. Bản thân tôi cũng đã tận mắt chứng kiến nhiều sinh viên nữ của mình xuống cơ sở thực tập đã “giao lưu” rất nhiệt tình và ấn tượng như thế. Tôi nhắc khéo, họ chỉ cười, nụ cười thật khó lý giải. Có lẽ “văn hoá rượu” đã không còn là độc quyền của cánh đàn ông từ lâu rồi.

Từ xưa, các cụ ta có câu: “Nói với người say như vay không trả”, đó là một sự tổng kết đồng thời thể hiện sự phê phán mạnh mẽ. Phàm đã là một người khi say, dẫu là nam hay nữ thì đều không còn giữ được sự chính xác trong lời nói, cử chỉ, việc làm; rượu cũng sẽ tác động không nhỏ đến sức khoẻ thể trạng con người. Bởi thế, người phụ nữ say sưa rượu chè đâu chỉ gây ra sự phản cảm về mặt văn hoá giao tiếp mà còn đáng báo động về mặt sức khoẻ khi gan, tim, não… dần sẽ bị tổn thương.

Như người ta thường nói, phía sau sự thành đạt của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ. Người đàn ông đâu chỉ cần ở người vợ của mình sự dịu dàng, kín đáo, lịch lãm như một vẻ đẹp mà còn cần ở người bạn đời sự tỉnh táo cả ở nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Biết bao nhiêu điều cần thiết, bao nhiêu việc cần làm phía sau cánh cửa nhà chờ đợi người phụ nữ trở về.

Nếu một người mẹ vui bạn, vui bè có chút men ngày xuân cũng là dễ thông cảm nhưng nếu “điệp khúc” ấy cứ lặp lại mãi cũng rất khó coi. Con trẻ sẽ nghĩ gì khi mẹ nó không có thời gian chăm sóc, không có thời gian kèm cặp bài vở và thay vào đó là việc phải dọn dẹp những “hậu quả” sau những cuộc nhậu? Không có một sự quy định, cấm đoán nào nhưng việc quá sa đà vào nhậu nhẹt sẽ lấy đi hình ảnh đẹp của chị em là điều chắc chắn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Còn nhớ có lần đọc báo, tôi được biết một thông tin: Giảng viên, bác sĩ tâm thần Amy Lasek tại đại học Illinois, cho biết: "Nếu phụ nữ uống rượu nhiều hơn trong thời gian nồng độ estrogen cơ thể tăng cao thì sẽ tăng nguy cơ rủi ro sức khỏe và dễ gặp các vấn đề về nghiện rượu". Như thế có nghĩa là con đường để trở thành “bợm nhậu” của nữ giới sẽ ngắn hơn rất nhiều so với cánh đàn ông. Liệu họ sẽ như thế nào khi phải cần đến rượu và một cuộc sống luôn có rượu? Một câu hỏi thật sự khó trả lời và đáng lo ngại. Từ góc độ của người đàn ông, việc phụ nữ nhậu không còn là điều bất ngờ, mới mẻ nhưng vẫn cần sự thức tỉnh để chị em đừng vì chén rượu lúc vui mà đánh mất những điều quý giá của mình.

PHƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.