Phụ nữ đừng cam chịu bạo lực

Chia sẻ

Từ lâu câu “chồng chúa, vợ tôi” đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người đàn ông nên họ cho rằng mình có quyền quyết định mọi chuyện trong gia đình. Nhiều nam giới xem mình như “vua” trong nhà, mỗi lời nói dù đúng hay sai cũng là mệnh lệnh mà vợ con phải tuân theo.

Còn phụ nữ khi nếu lấy phải người chồng vũ phu lại chọn cách cắn răng chịu đựng và tự an ủi mình bằng tư tưởng lỗi thời “phận gái 12 bến nước, trong nhờ, đục chịu”.

Một số chị em dù bị chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập nhưng họ giấu nhẹm không cho ai biết vì sợ “xấu chồng, hổ ai”. Họ cũng không có ý định ly dị vì sợ xóm giềng đàm tiếu và con cái phải khổ sở khi sống thiếu tình thương của cha. Thế nhưng, vợ càng cam chịu, chồng càng lộng hành, thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ.

Gia đình chị Yến ở xóm tôi ngày càng lâm vào cảnh khốn khó vì chồng chỉ lo nhậu nhẹt, trong khi chị phải làm thuê, làm mướn kiếm tiền. Nhiều ngày, anh Hưng – chồng chị còn vơ vét tiền trong nhà đi nhậu mà không hề quan tâm đó là khoản tiền mà chị chắt bóp để dành mua gạo cho cả nhà ăn. Tệ hại hơn, cứ nhậu say về là chồng chị hung hăng đánh vợ. Cách đây một tuần, chị phải nhập viện vì bị chồng đánh tàn nhẫn. Tôi hỏi thăm thì chị rớt nước mắt nói: “Nhiều lúc buồn quá tôi cũng muốn ly hôn, nhưng cứ nghĩ cảnh hai đứa con phải sống xa bố nên lại từ bỏ ý định này. Giờ tôi chỉ cầu mong có ngày chồng thức tỉnh để lo cho hai con”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Có thể thấy, sự cam chịu của người phụ nữ là một trong những nguyên nhân gây ra nạn bạo hành trong gia đình. Họ nghĩ làm vậy là tốt cho gia đình và các con. Nhưng thực tế, đã có những người vợ phải chịu tàn tật suốt đời, thậm chí tử vong sau một trận đòn chí mạng của chồng. Còn những đứa trẻ trong gia đình có bạo lực cũng chịu nhiều tổn thương, không thể phát triển bình thường như các trẻ khác.

Là nam giới, dù chung sống với vợ đã 26 năm nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc bạo hành vợ. Đôi khi vợ chồng tôi cũng có xích mích nhỏ nhưng cả hai đều tìm cách nói chuyện và hòa giải rất nhanh. Tôi nghĩ, tôn trọng người bạn đời chính là yếu tố giúp cho hôn nhân bền vững, mái ấm gia đình luôn hạnh phúc.

Các chị em phụ nữ cần hiểu rằng, hạnh phúc gia đình chỉ có được khi vợ chồng hòa thuận, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Đánh đập người khác là hành vi vi phạm pháp luật, huống chi vợ chồng cùng sống chung gia đình, đầu gối, tay ấp thì thì tại sao lại nỡ làm tổn thương nhau? Một người chồng vũ phu đâu xứng đáng để chị em nuối tiếc, kéo dài chuỗi ngày bất hạnh mà mình và các con phải hứng chịu.

Khi lấy phải người chồng hung bạo, chị em cần thẳng thắn nói cho chồng biết nếu anh ta vẫn tiếp tục hành hạ, đánh đập vợ con thì vợ chồng chắc chắn chia tay. Thực tế, có nhiều người phụ nữ sau ly hôn đã tìm được hạnh phúc mới. Họ tự tin làm chủ cuộc đời mình, càng quan tâm chăm sóc bản thân, các con hơn. Chị em cũng nên báo ngay cho cha mẹ, Hội Phụ nữ hoặc chính quyền địa phương để được trợ giúp.

Tôi cho rằng, chị em phụ nữ cần có thái độ cương quyết với chồng thì chắn chắn nạn bạo hành sẽ không tồn tại được. Có thể với thái độ ấy, chị em sẽ giúp chồng tỉnh ngộ, lúc đó luồng gió hạnh phúc sẽ luôn tràn ngập trong mái ấm gia đình.

Phụ nữ đừng cam chịu bạo lực bởi cam chịu là tiếp tay cho bạo lực. Cùng với các giải pháp từ bên ngoài, chị em cũng cần chủ động tự tạo dựng môi trường sống an toàn cho mình và những đứa con.

NGUYỄN THANH DŨNG
Giáo viên trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.