Phụ nữ khó chiều hay vẻ đẹp của lòng tự trọng
Hôm rồi, khi đang theo dõi số liệu thống kê về số ca FO ở thành phố của mình, xem bạn bè bàn cách phòng dịch, điều trị ca mắc Covid-19 trên facebook, tôi chợt thấy một tus (viết tắt của chữ Status chỉ bài viết trên facebook) “lạc loài” của anh bạn từ thời sinh viên: “Làm sao để khiến một người phụ nữ thoả mãn?”
Dưới tus ấy, người viết còn ghi chú: “Đáng lẽ sẽ đăng vào 8/3 nhưng thôi up luôn cho nóng”. Chẳng biết vì bức xúc điều gì mà anh cứ phải gấp gáp thế?
Đương nhiên, chỉ cần với hai từ “thoả mãn” ấy đủ khiến bạn bè xôn xao bình luận. Nữ giới ở cái tuổi trên bốn mươi thì hướng vào chủ đề “thoả mãn” chuyện “chăn gối”, số khác nhắc đến việc kiếm tiền chứ không ai đả động đến chuyện tâm lý, tình cảm. Chẳng có lẽ, phụ nữ chỉ cần thoả mãn hai tiêu chí đó là đủ thôi ư? Như thế, có thật sự là một sự thiếu tôn trọng và chủ quan trước phụ nữ hay không?
Bất giác, tôi thấy chủ đề này thú vị. Tối tối, trong các gia đình, trước những màn hình tivi nét căng, chị em phụ nữ đang mải mê theo dõi không sót một bộ phim tâm lý tình cảm nào. Thế nên nếu nói họ chỉ cần thoả mãn hai nhu cầu kia e là hơi phiến diện. Phải hiểu chỉ phụ nữ mới đem lại hạnh phúc, mới khiến cuộc sống gia đình êm ấm. Chỉ cần theo dõi những bộ phim họ thường xem, để ý cách họ đi chợ, mua sắm cho gia đình đã đủ thấy họ có mong ước về hạnh phúc lớn như thế nào? Hơn ai hết, những người “đầu gối tay ấp” bên họ chắc sẽ phải thấu hiểu họ nhất.
Ảnh minh họa
Nhưng rồi, khi đề cập đến chủ đề này, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ rất nhiều ông chồng. Đại loại vẫn là những câu “thần thánh” như: “Có trời mới biết họ muốn gì?”; “Họ là cái ngân hàng gửi tiền vào thì nhanh mà rút ra thì không thể”, rồi có khi cay nghiệt, phũ phàng hơn khi có anh than: “Đàn bà là cái giống tham lam, biết bao nhiêu cho đủ. Có gia đình, công danh, tiền bạc rồi lại ham của lạ”… Bất chợt, người viết nhớ đến câu thơ trong bài Xuân tha hương của thi sĩ Nguyễn Bính thuở nào: “Một trăm con gái đời nay ấy/ Đừng nói ân tình với thuỷ chung!”- sao mà nó giống thế, thất vọng thế.
Từ đầu thế kỉ XX đến nay, khi cuộc sống hiện đại ảnh hưởng từ phương Tây làm thay đổi xã hội ta, đã mang lại một cách nhìn khác về phụ nữ. Họ không còn bị trói buộc trong bếp núc, dưới luỹ tre làng, vị thế đã khác, chẳng lẽ phụ nữ đã sớm đánh mất hình ảnh đẹp của mình như vậy sao?
Bất giác, tôi cầm điện thoại lên và thấy trên màn hình báo tin nhắn zalo. Từ Tết đến giờ, tin nhắn chúc mừng, hỏi thăm khá nhiều, những lời chúc tốt đẹp giống nhau và khó nhớ. Nhưng hôm nay lại khác, một cô bạn của tôi vừa nhắn tin: “Mình cũng dương tính rồi”. Hôm qua, cô vừa báo hai đứa nhỏ khi test nhanh đều dương tính. Vậy là trong căn biệt thự sang trọng, ba mẹ con đều nhiễm Covid-19 và tự chăm sóc nhau.
Một nỗi lo và cảm thương dâng lên trong tôi. Người bạn khác giới thân thiết nhất của tôi từ thuở nhỏ này liệu có nằm trong số những “cái thùng không đáy” của lòng tham như cánh đàn ông vẫn nhắc không nhỉ? Không, tôi tin bạn mình không phải là người phụ nữ như thế. Bạn tôi sống giản dị, hiền lành, đâu có cầu kỳ, tham lam mà sao vẫn bất hạnh? Hay, còn góc khuất nào trong cuộc sống của bạn mà tôi chưa thấu tỏ và đó là nguyên nhân của những sự thất bại trong hạnh phúc?
Tôi bắt đầu sự suy cảm của mình bằng cái mệnh đề “phụ nữ khó chiều” để thử làm một phép chứng minh. Đúng là, phụ nữ khó chiều từ bé thật. Mấy cô cháu gái của tôi như được “lập trình” một bản năng giận dỗi, nũng nịu. Những ngày học online ở nhà, các “công chúa” này khiến bố mẹ, ông bà đến phát mệt. Lớn lên, đến tuổi dậy thì thì khỏi nói, các style lựa chọn quần áo, đồ dùng, gam màu đa dạng đến mức người lớn mệt nhoài chạy theo. Hễ chỉ cần “lệch tông” là các cô nương sẵn sàng tẩy chay ngay. Chị dâu tôi bảo: “Giờ mình chiều nó khó một thì mai sau chồng nó chiều nó còn khó mười chú ạ. Thôi, cố lên, con với chả cái”.
Ảnh minh họa
Nhưng, con gái đâu phải là toà tháp bất tận của tham vọng. Nhiều cô gái sinh ra trong gia đình yên ấm, giàu có nhưng sẵn sàng “chung lưng đấu cật” với người mà họ yêu thương và tin tưởng suốt đời. “Giá trị tuyệt đối” mà họ cần không phải lúc nào cũng nằm ở tiền bạc, công danh hay vẻ ngoài điển trai. Hay nói đúng hơn, họ “tham” thứ cần “tham” đó là sự chân thành, tử tế. Họ cần được thật lòng, yêu thương vô hạn.
Nhạc sĩ Ngọc Lễ từng viết một ca khúc về con gái với ca từ dễ thương thế này: “Con gái nói có là không/Con gái nói không là có/Con gái nói một là hai/Con gái nói hai là một…” (Con gái) khiến nhiều người thấy thú vị. Nhưng chúng ta cũng vẫn truyền tai nhau câu nói: “Mắt con trai, tai con gái”. Ngẫm ra, phụ nữ tưởng phức tạp, cầu kỳ, mà kì thực lại đơn giản, dễ hiểu. Cứ “lọt tai” là họ sẽ có thiện cảm chứ đâu phải khôn lường. Nhưng “lọt tai” ấy là thế nào? Dễ nghe, hứa hẹn hay thú nhận?
Tôi nghĩ rằng là người phụ nữ nên cương quyết trước những nguyên tắc sống của mình. Không phải sự bao dung nào cũng tốt nếu như nó không đúng lúc, đúng chỗ. Nếu một cô gái đã không câu nệ ở người bạn đời sự giàu có, quyền lực từ lúc gặp nhau thì vẫn phải giữ nguyên những yêu cầu như sự tôn trọng, sự thuỷ chung. Hẳn ai đã từng học THPT trong khoảng hơn mười năm gần đầy sẽ nhớ đến tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu. Trong truyện, người đàn bà làng chài chấp nhận những trận đòn của chồng để giữ gia đình, chị cần người cha cho các con, cần chỗ dựa cho cả nhà trên thuyền hạnh phúc trước sóng gió.
Nhưng, đó là chuyện của thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Giờ đây khi có thể tự chủ trong cuộc sống, rất ít phụ nữ chấp nhận điều đó. Họ sẽ phản đối quyết liệt và từ bỏ đòn roi của chồng để có cuộc sống bình đẳng. Hay nói cách khác, họ đã bước lên vị trí cao hơn trong các nấc thang của hạnh phúc đó là cần được tôn trọng. Họ đã đòi lại những gì đã bị tước đoạt chứ đâu phải họ quá khó chiều. Hãy nhìn phụ nữ bằng một thái độ, một quan điểm khác sẽ thấy họ cũng nhẹ nhàng, đơn giản nhưng đầy tự trọng và đó chính là vẻ đẹp của người phụ nữ hôm nay…
KIẾN VĂN