Những người hàn gắn hạnh phúc

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc sống với nhiều áp lực khiến các gia đình không tránh khỏi lúc mâu thuẫn. Khi đó, để hòa giải, ngoài sự cố gắng của người trong cuộc, có những trường hợp còn cần đến sự hỗ trợ của người hòa giải viên.

Nỗ lực vì bình yên trong từng gia đình

Kể lại câu chuyện bản thân từng hoà giải, bà Vũ Thị Thanh Thuý, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, phụ trách Tổ tư vấn tại cộng đồng phường cho biết, đó là lúc 1h sáng, khi cả khu phố tĩnh lặng trong giấc ngủ say, bỗng bà tỉnh giấc khi nghe tiếng điện thoại của một cán bộ phụ nữ: “Vợ chồng nhà cái N đang đánh cãi nhau”. Bà Thuý cùng một số cán bộ trong khu dân cư đã có mặt tại nhà chị N. Cảnh tượng trước mắt là giữa nhà ngổn ngang những đĩa thức ăn dở dang, bát đũa, cốc chén, vỏ lon bia… dấu tích của một bữa liên hoan.

Bên trong, chồng chị N gầm lên: “Hôm nay tôi phải xử lý cô, tôi không chịu nổi nữa rồi”. Chị N từ trong buồng cũng vọng ra: “Anh có giỏi thì đánh chết tôi đi. Tôi cũng chán sống lắm rồi!”. Hòa theo tiếng cãi nhau của bố mẹ là tiếng khóc thất thanh của hai đứa trẻ con. Bà Thuý vội vàng bảo mọi người đưa người chồng ra một góc riêng để bình tĩnh lại, rồi vào trong nhà, chia sẻ cùng chị N. Chồng chị N nói mình thì nóng tính mà vợ lại lắm lời, dẫn đến không kiềm chế được cảm xúc.

Mọi người trong tổ tư vấn khuyên hai vợ chồng cần bình tĩnh trước những mâu thuẫn, đồng thời không nên để trẻ chứng kiến cảnh bố mẹ cãi chửi nhau. Sau khi mọi chuyện đã yên ổn, bà Thuý về nhà là đã hơn 3 giờ sáng. Những ngày sau đó, bà cùng các thành viên thường xuyên “để mắt”, thăm hỏi gia đình chị N, tránh tình trạng xung đột tiếp tục diễn ra…

Đây là một trong số rất nhiều vụ việc mà bà Vũ Thị Thanh Thuý cùng với các thành viên trong Tổ tư vấn tại cộng đồng đã hỗ trợ, giúp đỡ hàn gắn hạnh phúc gia đình, giải quyết xung đột. Nhưng cũng có những vụ việc, tổ tư vấn lại hỗ trợ để người vợ được ly hôn chồng. Như vụ chồng chị T đánh vợ, rồi đánh con đến gãy tay, sau khi can thiệp, nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, Tổ tư vấn của Hội đã liên hệ với Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam) để mẹ con chị T tạm lánh.

Hội Phụ nữ hỗ trợ thủ tục chuyển trường cho các con chị T, giấu địa chỉ trường để ông chồng không thể đón, gây sức ép cho vợ. Được sự hỗ trợ của các cấp ngành, chị T được ly hôn và có quyền nuôi hai con. Sau đó, Hội Phụ nữ còn hỗ trợ cho vay vốn để chị T mở quán ăn, ổn định cuộc sống…

Những người hàn gắn hạnh phúc - ảnh 1
Bà Vũ Thị Thanh Thúy chia sẻ về hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

Ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm bà Đỗ Thị Chanh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn đã có hơn 10 năm tham gia công tác hòa giải. Bà đã cùng tổ hoà giải đã hòa giải thành công 63 vụ việc, không có đơn thư vượt cấp. Trong đó, bản thân bà Chanh trực tiếp hòa giải thành công 21 vụ việc, với nhiều vụ việc phức tạp và khó khăn, đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”…

Bà Chanh nhớ lại, cách đây vài năm, khoảng 5h00 sáng, có người chạy đến đập cửa nhà gọi bà sang nhà ông T. Vội chạy sang, bà T mới biết bố con nhà ông T đang đánh nhau, nguyên do bắt đầu từ việc ông T được đền bù mảnh đất 800 triệu đồng, cho con trai út 300 triệu đồng để chữa bệnh ung thư. Con trai cả của ông T nghĩ bố thiên vị nên đã khó chịu, gây sự. Đỉnh điểm cậu con trai cả đuổi bố đi, đập phá đồ đạc trong nhà.

Khi nắm rõ tình hình, bà Chanh tìm gặp cả ông T và con trai để phân tích thiệt hơn, cái lý, cái tình, tình thân gia đình và những quy định của pháp luật… Từ những lời lẽ đầy thuyết phục của bà Chanh, bố con ông T đã nhận ra cái sai của mình. Con cả đã xin lỗi bố, ông T cũng chia sẻ sự quan tâm của mình với các con. Nút thắt được tháo bỏ, từ đó, anh em cha con đoàn tụ khăng khít.

Còn bà Ngô Thị Sáp, hòa giải viên Tổ hòa giải tổ dân phố số 2, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thì chia sẻ vụ việc vợ chồng nhà chị H mâu thuẫn gay gắt, chồng thường xuyên say rượu, mắng chửi vợ con, gây mất an ninh trật tự. Tổ hòa giải tổ dân phố số 2 đã đến gia đình chị H để thuyết phục thì bị người chồng thả chó dữ ra xua đuổi. Song, tổ hòa giải vẫn kiên trì tìm đến nhiều lần để chia sẻ, phân tích cái lý cái tình cho vợ chồng chị H hiểu để cùng vun đắp hạnh phúc. Nhờ sự nhiệt tình, tận tâm của tổ hòa giải mà cuối cùng vụ việc được hòa giải thành công, vợ chồng họ trở lại cảnh nhà yên ấm.

Hóa giải mâu thuẫn từ ngay khi mới manh nha

Theo các hoà giải viên, đối với các vụ mâu thuẫn trong gia đình, cần sớm phát hiện và can thiệp, hoà giải ngay từ khi mới manh nha, từ trong nội bộ nhiều mâu thuẫn nên mọi việc khó trong thôn trở nên dễ dàng hơn. Bà Vũ Thị Thanh Thuý chia sẻ, khi phát hiện có 1 vụ bạo lực gia đình trên địa bàn, ngay lập tức, tổ tư vấn tìm hiểu, xem xét mức độ nghiêm trọng của vụ việc, sau đó, kết nối sự vào cuộc của hệ thống chính trị khu dân cư, tổ hoà giải cơ sở. Đối với những vụ việc như thế, các chị thường khuyên các cặp vợ chồng cần bình tĩnh khi xung đột xảy ra, sau đó ngẫm xem mình sai chỗ nào, ngồi lại nói chuyện để hoá giải mâu thuẫn. Đối với các hành vi bạo hành thì phải nghiêm khắc xử lý để không tái diễn.

Bà Thuý cũng cho biết, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, không chỉ hội viên phụ nữ mà cả nam giới đã biết đến Hội Phụ nữ và nhờ Hội giúp đỡ khi có xung đột gia đình xảy ra. Các chị em ở chi tổ Hội cũng được tập huấn bài bản về quy trình giải quyết vụ việc bạo lực, nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc… từ đó, trở thành những “chân rết” tại cộng đồng, kịp thời phát hiện, lên tiếng đối với các vụ việc ngay từ khi mới manh nha. Nhờ đó, mấy năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình, mâu thuẫn gia đình trên địa bàn phường giảm hẳn.

Những người hàn gắn hạnh phúc - ảnh 2
Các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình của Hội LHPN Việt Nam.

Bên cạnh đó, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng luôn sẵn sàng đường dây nóng 24/24 ứng phó và tư vấn các vụ bạo lực. Đây còn là nơi để người dân được tư vấn miễn phí các vấn đề về chia tài sản, hôn nhân gia đình, quyền thừa kế, tranh chấp nuôi con… Tổ tư vấn tại cộng đồng cũng được nhiều nam giới gọi điện xin được tư vấn… Các buổi hội thảo, tập huấn về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, không chỉ thu hút hội viên phụ nữ tham gia mà còn cả nam giới, trong đó có nhiều đấng mày râu là người đã từng gây bạo lực với vợ. Họ chia sẻ quá trình thay đổi về nhận thức của mình, trở thành những bài học đáng quý cho những người khác trong việc giải quyết xung đột, xây dựng hạnh phúc hôn nhân.

Bên cạnh đó, Hội cũng kêu gọi các nguồn tài trợ, quỹ vay vốn... giúp chị em phụ nữ được hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm, dạy nghề… từ đó có thu nhập, ổn định cuộc sống… “Công tác nắm bắt tình hình vô cùng quan trọng, quyết định đến thành bại của nhiệm vụ phòng chống bạo lực gia đình. Hội xây dựng mạng lưới chân rết là các chị em ở chi tổ. Họ là những người có trách nhiệm, tận tình, có kinh nghiệm và kiến thức trong việc xử lý các vụ xâm hại, bạo lực. Khi có một vụ việc bạo lực gia đình xảy ra, Hội kịp thời can thiệp, đồng thời phối hợp với cơ quan liên ngành giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em” - bà Thuý nói.

Nói về bí quyết để xây dựng hạnh phúc trong gia đình, chị Nguyễn Thị Thuý Hằng, thành viên CLB gia đình nói không với bạo lực ở huyện Gia Lâm chia sẻ: Phụ nữ hãy dùng sự khéo léo, tinh tế của mình để thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm và kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Chị Hằng cho biết, hàng ngày, chị luôn để ý, hỏi thăm đến sức khoẻ của bố mẹ chồng tuổi cao, sức yếu; động viên chồng làm việc nhà cùng vợ; dạy hai con yêu lao động, biết sẻ chia với bố mẹ, biết chăm sóc ông bà và yêu gia đình từ nhỏ…

Theo báo cáo tổng kết 10 năm Luật Hoà giải cơ sở tại Hà Nội, tỷ lệ hoà giải thành công hàng năm đạt 84,53%. Các cấp, các ngành đã tích cực phối hợp nhiều mô hình hay để tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, như: mô hình “Nhóm nòng cốt” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, mô hình “CLB nông dân với pháp luật” của Hội nông dân TP Hà Nội, “CLB phụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” của Hội LHPN TP Hà Nội; “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” của Hội Luật gia TP; “Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “CLB phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” của Công an TP Hà Nội…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.