Phụ nữ khởi nghiệp sau đại dịch Covid-19: Thách thức và tiềm năng!

Chia sẻ

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song tinh thần khởi nghiệp vẫn lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên, phụ nữ Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều nữ chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã nắm bắt xu hướng, đổi mới sáng tạo để phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng hiệu quả.

Khởi nghiệp trong… đại dịch

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên Hạ Thị Mến (sinh năm 1987, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội, chủ thương hiệu Thảo mộc Út Em) có tình yêu đặc biệt với cỏ cây, hoa lá. Tốt nghiệp trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khoa Ngôn ngữ với bằng giỏi, khi đang chuẩn bị bảo vệ Thạc sỹ, Mến “rẽ ngang” sang lĩnh vực thực phẩm sạch và dành toàn tâm huyết cho các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên.

“Tôi mắc chứng dị ứng hoá chất như xà phòng, dầu gội đầu, kem đánh răng… nên càng quyết tâm phát triển dự án nông nghiệp sạch” – Mến nói. Sản phẩm đầu tiên của cô là… “cám gạo”. Tận dụng máy xay xát tại nhà, Hạ Thị Mến sản xuất gạo lứt, cám gạo để giới thiệu đến người tiêu dùng Hà Nội. Dần dần, Mến mày mò nghiên cứu nhiều sản phẩm như: Cao gội đầu từ bồ kết, hương nhu, cỏ mần trầu, ngũ sắc... Cô trồng tía tô, sen… để lấy nguyên liệu làm trà, nước cất; Trồng sả chanh, bạc hà làm tinh dầu; Xin vỏ dứa về ủ với bồ hòn, pha với nước cất sả chanh từ vườn và một số dược liệu khác để tạo ra nước lau sàn tự nhiên, hữu dụng. Thậm chí những vườn bạch đàn sau khi thu hoạch cây gỗ, cô lại xin lá về để sản xuất ra tinh dầu và nước cất… Mến chia sẻ: “Tôi muốn tiến dần đến mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng mọi phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có ích. Ví dụ, khi trồng cây mè, tôi sẽ lấy hạt sản xuất bột ngũ cốc nảy mầm tốt cho sức khỏe, phần lá mè thì dùng để nấu cao gội đầu thảo mộc. Toàn bộ quá trình trồng trọt và chế biến đều không có hóa chất, kể cả hóa chất được phép dùng trong thực phẩm”.

Đặc biệt, cao gội đầu Thảo mộc Út Em của Hạ Thị Mến được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao trên thị trường, chiếm được lòng tin của khách hàng. Đặc trưng của Cao thảo mộc gội đầu Út Em là sạch lâu, không bị rít, bết tóc nhiều như các sản phẩm Thảo mộc khác. Sản phẩm Thảo mộc Út Em của Hạ Mến được Hội LHPN huyện Chương Mỹ gửi ý tưởng sáng tạo tham dự cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021” và được đánh giá cao, trở thành một trong 10 sản phẩm tiêu biểu được vinh danh năm 2021.

Sản xuất hoa khô không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước mà còn là sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giớiSản xuất hoa khô không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước mà còn là sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới

Hạ Thị Mến cho biết, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của Covid-19 khiến cho sản phẩm tiêu thụ kém, nhân lực phải nghỉ 1 nửa. Trong cái khó ấy, Mến ứng dụng công nghệ số, bán hàng online, xây dựng hệ thống tiêu thụ qua facebook, zalo, chạy quảng cáo… do đó, sản phẩm Thảo mộc Út Em vẫn được khách hàng đón nhận. “Hiện tại, tôi mới chỉ là hộ sản xuất nhỏ. Thời gian tới, tôi bắt tay vào chiến lược kinh doanh rộng hơn, đồng thời có thể mở phòng khám Đông y để hỗ trợ khách hàng dùng thảo mộc” – Mến nói.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, có 69,2% lao động bị giảm thu nhập, 39,9% lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% doanh nghiệp buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, khoảng trên 1 triệu người khuyết tật tại Hà Nội đang gặp khó khăn về cơ hội việc làm và cần có định hướng, đào tạo các ngành nghề phù hợp với khả năng làm việc của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm do ảnh hưởng Covid-19 và phù hợp nhu cầu thị trường.

Nhận thấy nghề sản xuất hoa khô phù hợp với khả năng lao động của phụ nữ khuyết tật, dự án “Đào tạo nghề làm hoa khô từ nguyên liệu tự nhiên cho phụ nữ khó khăn, khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam” ra đời đã tạo ra cơ hội việc làm phù hợp, nhân văn cho phụ nữ khuyết tật, giúp họ gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và đóng góp cho phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội của cộng đồng.

Dự án đã tạo việc làm cho 100 phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm do ảnh hưởng Covid-19. Nhiều học viên được hỗ trợ tự khởi sự kinh doanh từ hoa khô và đứng vững trên thị trường. Các sản phẩm hoa khô đa dạng mẫu mã, bền, đẹp mắt, dùng để trang trí không gian trong nhà, phòng làm việc các khu vui chơi, giải trí, trang trí tại các sự kiện, khu du lịch, trải nghiệm, giáo dục về sáng tạo, cân bằng cảm xúc giữa con người với thiên nhiên... Không những thế, các chị em đã tận dụng nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cỏ, cây, thảo mộc, đặc biệt sử dụng những vật liệu dư thừa từ nông sản như bẹ ngô, lõi ngô, vỏ cây, thân cây, bẹ chuối… góp phần biến rác thải trở thành sản phẩm có giá trị. Những sản phẩm này không chỉ được khách hàng trong ước ưa chuộng mà còn mở rộng sản xuất ra nước ngoài.

Bà Đỗ Thị Ngọc Trâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Organic Green Nut đã lựa chọn đậu phụ để khởi nghiệp với thương hiệu “Đậu phụ Quê mình”. Chỉ trong thời gian ngắn, đến nay, cơ sở sản xuất “Đậu phụ Quê mình” cung cấp ra thị trường các sản phẩm đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ, váng đậu tươi. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho công nhân, bà Trâm cũng góp phần tạo công việc cho các lao động địa phương trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là chị em phụ nữ tại các tỉnh mà công ty đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu như Hà Giang, Cao Bằng... Trong những thời điểm khan hiếm nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng dịch bệnh, chị Trâm quyết định giảm sản lượng sản xuất để chờ vụ thu hoạch mới chứ không dùng nguyên liệu đỗ tương nhập khẩu thay thế, khẳng định uy tín của sản phẩm hữu cơ.

Đây là 3 trong 10 ý tưởng khởi nghiệp được vinh danh trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2021 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức vừa qua. Điều này cho thấy, trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều chị em đã nỗ lực tìm hướng đi mới trong kinh doanh, tạo “chỗ đứng” vững chắc cho sản phẩm trên thị trường.

Các sản phẩm củaThảo mộc Út Em được người tiêu dùng biết đến nhiều qua facebook, zalo, youtube…Các sản phẩm của Thảo mộc Út Em được người tiêu dùng biết đến nhiều qua facebook, zalo, youtube…

Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sau đại dịch

Trong giai đoạn từ 2018-2021, Hội LHPN TP Hà Nội đã hỗ trợ 1.750 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp đã thực sự đi vào đời sống phụ nữ Thủ đô, hỗ trợ phụ nữ tự tin khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp ở các lĩnh vực, quy mô quy mô lớn nhỏ khác nhau, góp phần nâng cao đời sống phụ nữ và đảm bảo an sinh, xã hội.

Các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp phát triển thu hút hàng nghìn nữ chủ hộ kinh doanh, HTX, chủ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Mạng lưới CLB Doanh nhân nữ phát động hội viên thực hiện tiêu chí “Nữ doanh nhân Thủ đô tâm - tài - thanh lịch”; Các câu lạc bộ tổ chức các sự kiện giao lưu nghệ thuật, diễn đàn doanh nhân, lễ hội áo dài, giao lưu “Sắc xuân yêu thương”… qua đó nâng cao đời sống tinh thần, động viên, hỗ trợ nữ doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện và phòng dịch Covid-19.

Nhằm giúp phụ nữ nắm bắt xu thế, Hội Phụ nữ thành phố đã tổ chức 1.012 khóa đào tạo nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các hội thảo, giao lưu, tư vấn chuyển đổi số, thương mại điện tử, xây dựng và quản lý thương hiệu, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp…; Giúp 4.520 phụ nữ sản xuất, kinh doanh, nâng cao kiến thức và năng lực phát triển kinh tế; Ký kết các chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức Tín dụng, quỹ TYM, quỹ Citi… hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng giúp cho phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có 1.422 phụ nữ mới khởi nghiệp được vay vốn trên 70 tỷ đồng.

Trong năm 2020-2021, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (Hội LHPN TP Hà Nội) đã triển khai thực hiện mô hình “Kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ” thông qua hệ thống tổ chức Hội. Các cấp Hội Phụ nữ đã thành lập 21 nhóm kết nối tiêu thụ sản phẩm từ thành phố đến cơ sở với 152 thành viên, hỗ trợ tiêu thụ 1.530 tấn nông sản, thực phẩm của nông dân các vùng miền đến vụ thu hoạch bị tồn đọng do ảnh hưởng bởi đại dịch. Bằng hình thức giao hàng tới tận khu dân cư, từng gia đình hội viên, mô hình đã hạn chế các điểm tụ tập đông người, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch vừa hỗ trợ nông dân giảm bớt khó khăn do dịch bệnh…

AN TÚ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.