Phụ nữ không “đứng trong bóng tối”

Chia sẻ

Tư tưởng trọng nam khinh nữ và sự chọn lựa giới tính khi sinh như những bóng đen phủ lên vấn đề bình đẳng giới, hằn trong suy nghĩ của lớp lớp người Việt, khiến phụ nữ và trẻ em gái “bỗng dưng” trở nên thiệt thòi, chịu sự thấp kém hơn nam giới về mọi mặt.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng

Một trong những chỉ số quan trọng được Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là Tỷ số giới tính khi sinh - SRB (phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống). Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.

Theo đó, SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, là bằng chứng rõ rệt về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).

Sự gia tăng bất thường về SRB của Việt Nam trong những năm gần đây cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, nó cũng cho thấy sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa đem lại hiệu quả; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.

Phụ nữ không “đứng trong bóng tối” - ảnh 1

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, lựa chọn giới tính trước khi sinh là nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền và việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chuẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính… chính là những bước lùi trên tiến trình đi đến bình đẳng giới.

Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng đã chỉ ra các hệ lụy tới cấu trúc gia đình và các vấn đề xã hội trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay, tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái quan sát được gần đây ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai.

Định kiến giới – bóng tối phủ lên phụ nữ và trẻ em gái

Những khuôn mẫu định kiến giới vẫn hiện hữu ngay từ những cuốn sách, những cuốn truyện mà trẻ được học những năm đầu đời, cho đến các sản phẩm truyền thông được phát mỗi ngày trên đủ phương tiện thông tin. Trẻ em gái, phụ nữ thường được gắn với các vai trò như nấu ăn, chăm bé, làm việc nhà, công việc thì chủ yếu được minh hoạ là cô giáo, y tá, những hình mẫu của sự mềm mỏng, khéo léo và không có tầm vĩ mô. Trong khi đó, trẻ em trai, nam giới được gắn với các hình ảnh kỹ sư, cảnh sát, bác sĩ hoặc người lãnh đạo, chỉ huy, những người đóng vai trò “cầm trịch”, “thống trị”, “chỉ đạo” hay “trụ cột”...

Theo Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Naomi Kitahari, những vấn đề tưởng chừng đơn giản này thực ra có tác động đến nhận thức và một quy ước ngầm về vai trò của giới đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai từ ấu thơ. Bất bình đẳng giới tồn tại dai dẳng khiến định kiến giới chưa bao giờ được giải phóng triệt để. Rồi chính những em bé gái được nuôi dạy theo khuôn mẫu xưa, nếp cũ lại là những người mẹ mong sinh được con trai để nối dõi nhà chồng, khi về già lên chức mẹ chồng họ lại mong mình có cháu đích tôn… “Đây chính là một vòng luẩn quẩn trong tư tưởng đã tạo ra sự bất bình đẳng giới. Nó như một bóng đen phủ lấy, cản trở những khao khát, mong mỏi thể hiện mình của phụ nữ và trẻ em gái”, bà Kitahari bày tỏ. Bởi vậy, khi ta thấy Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021 nói ngoại ngữ lưu loát, khi thấy một nữ chính trị gia tự tin, mạnh mẽ trên chính trường, khi thấy một người phụ nữ sành điệu, không ngại thay đổi, dám nghĩ, dám làm, ta vẫn thường cho đó là kiểu phụ nữ… khác thường. Rõ ràng, nhiều người Việt đang nhìn phụ nữ bằng ánh nhìn của sự kỳ thị và bất bình đẳng giới, dẫn đến con đường đi tới bình đẳng và tự do của chị em buộc phải chậm hơn nam giới một bước, bởi họ còn phải dừng lại để tự khẳng định bản thân mình, trước khi được xã hội thừa nhận.

Phụ nữ không “đứng trong bóng tối” - ảnh 2

Phụ nữ trên con đường mang tên “bình đẳng”

Rõ ràng việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới trong nhiều năm qua. Khoảng cách giới cũng đã được kéo gần, đặc biệt là ở các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Nổi bật là tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực.

Nhưng trên thực tế, Luật Bình đẳng giới cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Các quy định trong Luật còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành; chưa có sự thống nhất giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành. Khoảng cách giữa thực tế và luật pháp còn khá xa, bởi việc thực thi pháp luật từ cơ chế đến việc tuyên truyền luật còn mang tính hình thức. Muốn thực thi được pháp luật về giới thì phải có con người hiểu biết về giới và có tâm vì sự công bằng.

Ngoài ra, xã hội còn rất khắt khe khi thừa nhận những cố gắng của người phụ nữ. Xã hội đã gán cho phụ nữ rất nhiều chức năng: người vợ, người mẹ, người con dâu hoàn hảo, người tiếp phẩm, người cấp dưỡng, thầy thuốc gia đình, người sản xuất giỏi... bằng danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, trong khi đàn ông chỉ cần “giỏi việc nước” là đủ. Điều này là không công bằng.

Bởi vậy, muốn có bình đẳng giới, trước tiên, người phụ nữ cần phải được tạo mọi cơ hội để được phát triển, cân bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa vị trí và vai trò. Nghĩa là xã hội phải công bằng. Có như vậy, người ta mới nhìn những người phụ nữ giỏi giang bằng ánh mắt ngưỡng mộ, chứ không phải bằng sự khác thường, và con đường đi đến bình đẳng của phụ nữ, thực sự là một con đường “tỏa sáng”.

Nhằm góp phần đẩy lùi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiều năm qua, Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã có nhiều mô hình sáng tạo, phối hợp cùng các đoàn thể để áp dụng toàn quốc, như mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”, mô hình “Người cha trách nhiệm” (Phối hợp cùng các cấp Hội Nông dân Việt Nam thực hiện). Gần đây nhất, một ứng dụng trên điện thoại thông minh đã ra đời, mang tên “Là con gái để tỏa sáng”, giúp nâng cao nhận thức của người dùng về lựa chọn giới tính thai nhi, mất cân bằng giới tính khi sinh và cung cấp các địa chỉ tư vấn về Dân số - KHHGĐ tại các địa phương. Theo ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số, tất cả những mô hình, cách làm đều mong mỏi góp phần vào sự thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, để cuộc sống ngày một bình đẳng và hạnh phúc hơn.

 MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.