Phụ nữ không phải là “phụ” trong mắt của đàn ông

Nguyễn Đình Ánh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ thời tôi còn học phổ thông thi thoảng phải nghe một vài thầy và thậm chí có cả cô giáo nói về “bổn phận” của người phụ nữ với những tam tòng tứ đức và còn rất nhiều thước đo vô hình khác treo trước phẩm hạnh của họ. Tôi mở cờ trong bụng vì mình được là thằng đàn ông tự do. Mình là đấng nam nhi chẳng phải gò bó vào bất cứ bổn phận nào cả.

Một lần lên cơ quan sớm, mấy đồng nghiệp vui vẻ ngồi phiếm đàm về phụ nữ. Người thì bảo trong cuộc đời này phụ nữ mãi là… phụ bếp, phụ giặt đồ, phụ giúp con cái… Tôi thảng thốt, hóa ra phụ nữ họ là… ô-sin?

Chưa hết, người khác chen vào phụ họa, ở nước Mỹ văn minh, trong đồng tiền của họ không bao giờ có hình ảnh phụ nữ. Tôi thêm bất ngờ bởi như vậy chỉ có đàn ông là được sở hữu vật chất ư? Cũng có người tỏ ra rất nghiêm túc nói rằng, phụ nữ là phải chăm lo cho chồng con và phải làm tròn bổn phận với gia đình nội ngoại.

Vẫn biết chỉ là dăm ba câu chuyện bông đùa cho vui nhưng nghĩ kỹ đó chính là suy nghĩ thâm căn cố đế trong nhiều người đàn ông. Thật buồn, trong thế kỷ văn minh này mà nhiều người đàn ông vẫn suy nghĩ thế và tội nghiệp cho phụ nữ hơn khi những tư duy ấy lại nằm “chủ chốt” ở những người đàn ông có “ghế”… chủ chốt hẳn hoi.

Trong thơ ca ngày trước, chúng ta đã bắt gặp một Hồ Xuân Hương phải chung sống trong xã hội phong kiến mà ở đó người phụ nữ bị khinh rẻ, coi thường thì bà đã đĩnh đạc bĩu môi mà rằng: “Ví đây đổi phận làm trai được/ thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

Phụ nữ không phải là “phụ” trong mắt của đàn ông - ảnh 1
Ảnh minh họa

Và, ta còn thấy một nàng Kiều đầy mãnh liệt dám phá bỏ quy luật của lẽ thường tình mà “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để được yêu thương trong kiệt tác cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du. Còn ở thời hiện đại này, tôi cảm thấy vui vì hình ảnh phụ nữ trong thơ ca đã là sự bình đẳng tuyệt đối, đôi khi trong mắt họ đàn ông cũng chỉ là sự tẻ nhạt:

Những cuộc tình phù du

Những người đàn ông tẻ nhạt

Họ đã cho ta đầy ngăn kỷ niệm u buồn

Họ đã cho ta đầy tay những niềm vui

không trọn vẹn

Lúc đó ta là đàn bà với đam mê rất thực

Và ta gọi là: Hạnh phúc.

                               (Đinh Thị Thu Hiền)

Và hạnh phúc vì đã có không biết bao nhiêu vần thơ nâng niu, trân trọng, biết ơn với người phụ nữ - những người mẹ, người vợ, người chị đáng kính đến nhường nào.

Tôi còn nhớ hay đã quên

Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ

Nhuộm tôi hồng những câu thơ

Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời

Trở về với mẹ ta thôi

Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.

(Trở về với mẹ ta thôi - Đồng Đức Bốn).

Mái nhà em chỉ giản dị thế thôi

Mà giông gió bão bùng em che hết cả

Cả anh nữa, dẫu hoang sơ đến vậy

Khi trở về lặng lẽ gã chồng ngoan...

                      (Vợ - Văn Công Hùng)

Trong thơ ca là vậy, nhưng bước vào cuộc đời trần trụi này chỉ hai chữ “đàn bà” đã thấy biết bao nỗi truân chuyên mà tạo hóa trút lên thân phận của họ. Sự chịu đựng nỗi đau nhân thế dằng dặc một kiếp người gánh trên đôi vai bé nhỏ đầy những lo toan bầm dập.

Đàn bà hiền dịu, đàn bà nhẫn nhục, đàn bà đa đoan, đàn bà mạnh mẽ, đàn bà kiêu sa, đàn bà cam phận, đàn bà nổi loạn, đàn bà hãnh tiến… Hầu hết, họ tự bằng lòng, cũng có những người dám vượt qua khuôn phép vô hình và cũng rất nhiều người không qua khỏi mối ràng buộc tổ tông truyền kiếp…

Phụ nữ không phải là “phụ” trong mắt của đàn ông - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng cũng phải bàn thêm rằng, sự công bằng chưa đến được với người phụ nữ, trong nhiều trường hợp nguyên nhân lại đến từ chính họ - những người đàn bà cam chịu.

Đôi khi phụ nữ lại tự làm khổ nhau, thế hệ trước áp đặt thế hệ sau bởi những quan niệm cũ, những lễ giáo, hủ tục. Một ví dụ đơn giản, chỉ cần con trai giúp vợ việc nhà thôi là mẹ chồng đã tỏ ra khó chịu. Có khi còn dạy lại con trai rằng, việc đó là việc của… đàn bà.

Tuy nhiên, ngày nay, một số người đàn ông cũng đã nhìn nhận công bằng rằng, có rất nhiều người phụ nữ họ vẫn làm tốt công việc mà vốn mặc định của người đàn ông và đã thành công.

Nhưng ít ai nghĩ được rằng, để có được thành công đó, họ đã phải rất bản lĩnh để vượt lên trên mọi định kiến của xã hội. Và một điều chắc chắn nữa, phía sau họ luôn có một người chồng biết chia sẻ mọi công việc với vợ, biết yêu thương vô điều kiện với vợ.

Trở lại câu chuyện ban đầu ở cơ quan tôi, cánh mày râu lý giải thế và phá lên cười hớn hở. Tôi ngầm đoán trong những nụ cười ấy có sự đắc thắng, đắc ý lắm. Tôi chợt thấy buồn bởi đến tầng lớp tri thức còn nghĩ vậy huống hồ… Và hóa ra chỉ mình tôi đơn điệu trong tiếng cười đó vì tôi mải mê ngắm nhìn những người đàn bà bình đẳng, thông minh… trong thơ.

Trong từng giờ lên lớp, tôi đã cố tình không nhắc mấy cái cụm từ bổn phận, trách nhiệm và nhiều cảnh huống vây bủa mặc sức tung hoành qua miệng lưỡi thế gian về các sự ràng buộc người phụ nữ - những bông hoa đẹp, trước các cô cậu học trò.

Bởi tôi nghĩ đàn ông và đàn bà có khác gì mấy đâu, có chăng là ở cơ bắp dáng hình thân thể, cái có thể ngắm nhìn, còn tâm hồn, bổn phận, trách nhiệm với gia đình, xã hội phải là sự bình đẳng tuyệt đối. Đã đến lúc đàn ông chúng ta phải nghĩ một cách vô điều kiện như thế. Phải nhìn nhận công bằng rằng, ngày nay có rất nhiều người phụ nữ vẫn làm tốt công việc mà vốn mặc định của người đàn ông và đã thành công. Và rõ ràng, phụ nữ ngày nay đang ngày càng tự khẳng định rằng, họ không hề đóng vai trò “phụ” nào trong cuộc sống của người đàn ông.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.