Phụ nữ ngày càng đóng góp quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước
(PNTĐ) - Những năm gần đây, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy năng lực, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, xã hội của đất nước. Quyền năng về kinh tế và vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao, xứng đáng với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Vinh danh những gương mặt phụ nữ tiêu biểu
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2023), tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh về 17 gương mặt phụ nữ hành động đóng góp cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhằm góp phần ghi nhận và khuyến khích phụ nữ Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong số những gương mặt được đề cử tại triển lãm năm nay có chị Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Chị là người dân tộc thiểu số Dẻ Triêng, cán bộ Hội Phụ nữ công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng xã biên giới. Trước đây, gia đình chị Y Chon thuộc hộ nghèo, nhưng nhờ sự nỗ lực vươn lên, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, đồng thời giúp đỡ cho các chị em khác khởi nghiệp thành công. Cụ thể, chị Y Chon phối hợp với UBND xã Đăk Dục vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số thành lập Hợp tác xã (HTX) Dục Nông với 7 thành viên tham gia. Hiện HTX có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (sản phẩm heo một nắng và rượu nếp cẩm men lá). HTX thường xuyên tạo việc làm và có thêm thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/tháng cho các thành viên, góp phần giúp các chị em tự tin, tự chủ và chủ động trong phát triển bản thân, tăng thu nhập gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trên lĩnh vực xoá đói, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và nông nghiệp bền vững, bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với khoa học quản trị đan xen, gắn với đảm bảo tính nhân văn, vì sức khỏe của cộng đồng và có trách nhiệm với môi trường. Bà là người thực hiện cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam và ghi đậm dấu ấn với cách mạng dinh dưỡng người Việt. TH cũng chú trọng canh tác hữu cơ, bảo vệ tài nguyên nước, tích cực sử dụng các nguồn năng lượng xanh, sáng lập và tham gia các tổ chức bảo vệ môi trường, thu gom và tái chế bao bì cũng như thực hiện hàng loạt hành động giảm thiểu rác thải nhựa, lan tỏa sống xanh trong cộng đồng.
Ở lĩnh vực sức khoẻ, PGS.TS.BS. Trần Thị Giáng Hương - Đại học Y Hà Nội (Bộ môn Y tế Toàn cầu), nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Y tế; Giám đốc các chương trình kiểm soát bệnh tật của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương; điều phối viên WHO khu vực Tây Thái Bình dương về vắc-xin Covid-19 được vinh danh tại triển lãm bởi có vai trò quan trọng trong việc ứng phó với Covid-19 ở Tây Thái Bình Dương, lãnh đạo công việc của nhóm quản lý sự cố vắc-xin Covid-19, góp phần đưa Tây Thái Bình Dương trở thành khu vực có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do Covid-19 thấp nhất.
PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương đã lãnh đạo tất cả các chương trình kiểm soát dịch bệnh, dẫn dắt sự phát triển của 6 khu vực trên một loạt các lĩnh vực kĩ thuật. Trong vai trò trước đây tại Bộ Y tế Việt Nam, PGS.TS Trần Thị Giáng Hương đã chủ trì các cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN để xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển y tế giữa các nước ASEAN. Bà cũng từng là thành viên dự khuyết của Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới, nhiệm kỳ 2016 – 2019.
Ở lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Hà Ánh Phượng, trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ - người đã xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới với các dự án quốc tế đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế. Có nhiều sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục được báo cáo tại các hội thảo quốc tế Viettesol, ảnh hưởng đến cộng đồng giáo dục của địa phương, của cả nước và đồng nghiệp quốc tế qua các hội nhóm chuyên môn về ngoại ngữ. Chị vinh dự được vinh danh "Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu" do tổ chức Varkey Foundation trao giải năm 2020; Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri lần thứ 4 dành cho 11 giáo viên xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á (năm 2021).
Ở lĩnh vực bình đẳng giới, nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm với những bộ phim như Những đứa trẻ trong sương; Con đi trường học.. đã có đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, truyền cảm hứng lên án hủ tục cướp vợ/kéo vợ của dân tộc Mông và nạn tảo hôn, buôn bán phụ nữ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ủng hộ, cổ vũ phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chị vinh dự được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim Children Of The Mist (Những đứa trẻ trong sương) tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam - Hà Lan (Liên hoan Phim tài liệu quốc tế lớn nhất thế giới) vào tháng 11/2021. Đây là bộ phim tài liệu Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đưa vào danh sách rút gọn 15 đề cử của hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023.
Ở lĩnh vực giảm bất bình đẳng, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Công ty Cổ phần dịch vụ Nghị lực sống (Hà Nội), người khuyết tật với chứng teo cơ tủy sống luôn cố gắng cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh, video cho các doanh nghiệp bất động sản và thương mại điện tử quốc tế. Suốt 20 năm qua, Trung tâm Nghị lực sống đã đào tạo miễn phí cho hơn 1.200 học viên, hằng năm đã hỗ trợ việc làm cho 60 – 70 người khuyết tật…
Không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế tuần hoàn, phụ nữ Việt Nam còn rất tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, khí hậu tuần hoàn, hoà bình và thể chế công lý, môi trường, vì cộng đồng... Nhiều tấm gương điển hình đã được công nhận danh hiệu ở trong và ngoài nước.
Ảnh: TT Nghị lực sống
Vị thế, quyền năng của phụ nữ ngày càng được nâng cao
Cùng với sự phát triển của đất nước và việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, phụ nữ ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: 30,26% đại biểu Quốc hội là nữ; tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%; tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất; nhà nghiên cứu khoa học nữ chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cao hơn so với trung bình thế giới chỉ có 30% và nhiều thành tựu khác.
Trong các hoạt động xã hội, nhiều phụ nữ ở các ngành y tế, văn hoá, giáo dục, thể thao, báo chí… nhiều phụ nữ đã đạt được những danh hiệu cao quý. Nhiều tấm gương điển hình đã trở thành nhân tố truyền cảm hứng. Đặc biệt, vai trò và vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể, phụ nữ có đầy đủ năng lực trình độ để đảm nhận các vị trí quản lý, tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn cũng như đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục. Đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ ngày càng tăng. Trong 5 năm (2015-2020), số lượng nữ được phong hàm phó giáo sư tăng hơn 2,6 lần; nữ được phong hàm giáo sư tăng 1,6 lần.
Tuy nhiên, những yêu cầu đổi mới của đất nước, của xã hội cũng đem tới cho người phụ nữ không ít áp lực và thách thức. Đặc biệt, thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay vẫn là những định kiến giới, khuôn mẫu giới đang tác động và ảnh hưởng tới phụ nữ trong việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Do đó, để giải quyết và khắc phục được những khó khăn trên, Đảng, Nhà nước và các ban ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục quan tâm sâu sắc tới vấn đề thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới ở Việt Nam, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nhằm nâng cao và khẳng định vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực trọng yếu như chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Đặc biệt, bản thân phụ nữ, chị em cần nâng cao ý thức học hỏi, chủ động vươn lên, trau dồi vốn văn hóa, vốn tri thức của mình, tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, vượt mọi khó khăn, phát triển năng lực bản thân, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội hưng thịnh, gia đình hạnh phúc.