Phụ nữ nhẹ dạ và cạm bẫy lừa đảo
(PNTĐ) - Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, không ít gia đình đang phải đối mặt với những “cơn sóng ngầm” âm thầm phá hoại hạnh phúc. Một trong số đó là tình trạng các chị em nhẹ dạ, trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Vấn nạn này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn để lại những vết rạn trong hôn nhân, đẩy nhiều cặp đôi đến bờ vực tan vỡ.
Những câu chuyện đau lòng
Chị N.T.K.L, 37 tuổi, là mẹ của hai con nhỏ. Sau khi nghỉ việc để chăm sóc gia đình, chị thường lướt mạng xã hội và tham gia các hội nhóm dành cho mẹ bỉm sữa. Một ngày, chị được mời vào một nhóm kín về “đầu tư tài chính”. Tin tưởng vào những hình ảnh và câu chuyện thành công được chia sẻ, chị âm thầm rút 200 triệu từ tiền tiết kiệm để “đón đầu cơ hội”. Sau vài tháng, nền tảng đầu tư biến mất, tiền mất trắng. Khi chồng phát hiện, những trận cãi vã nổ ra, chồng trách móc chị thậm tệ. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt, lạnh lẽo.
Tương tự, chị T.K.T, một mẹ bỉm sữa, bị lôi kéo vào mô hình “kinh doanh online” sản phẩm làm đẹp “chất lượng cao”. Ban đầu, chị chỉ mua một ít sản phẩm để dùng thử và bán cho bạn bè. Tuy nhiên, dưới sự “dẫn dắt” của người tuyến trên, chị vay mượn tiền để nhập số lượng lớn với hy vọng nhanh chóng “đổi đời”.
Đến khi nhận ra mình sa vào mạng lưới đa cấp biến tướng, số tiền lớn bị “ném qua cửa sổ”. Chồng chị phẫn nộ, trách móc vợ thiếu trách nhiệm, còn chị cảm thấy tổn thương vì nỗ lực không được thấu hiểu. Hôn nhân của họ đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Trên đây là hai trong số vô vàn những câu chuyện đau lòng khi bị rơi vào “lừa đảo”. Sự nhẹ dạ, cộng với tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập nhanh chóng, đã khiến nhiều phụ nữ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo.
Khi “giấc mơ làm giàu” tan vỡ, hậu quả để lại không chỉ là những thất thoát, lũng đoạn tài chính mà còn là sự tổn thương về mặt tinh thần, sự rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng, thậm chí là nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nếu vấn nạn này không được nhận diện và giải quyết một cách triệt để, nó sẽ tiếp tục bào mòn nền tảng của hôn nhân và gây ra những hệ lụy khó lường cho xã hội.

Vì sao phụ nữ dễ trở thành nạn nhân?
Vấn đề các chị em phụ nữ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo không chỉ đơn thuần là sự thiếu hiểu biết, mà còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác:
Thứ nhất, đối với những chị em nội trợ hoặc mẹ bỉm sữa có nhiều thời gian rảnh, việc tham gia vào các hoạt động đầu tư hay kinh doanh online có thể xuất phát từ áp lực “cơm áo gạo tiền” hoặc mong muốn tự chủ tài chính, khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên, đôi khi vì thiếu kiến thức nền tảng về đầu tư và các mô hình kinh doanh nên khó phân biệt được đâu là cơ hội và đâu là cạm bẫy tinh vi. Trong khi những lời mời chào đánh trúng tâm lý này, khiến chị em bỏ qua những dấu hiệu bất thường và sập bẫy.
Thứ hai, bản tính lương thiện, tin người là một phẩm chất đáng quý. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phức tạp, sự cả tin có thể trở thành điểm yếu bị kẻ xấu lợi dụng. Những lời lẽ ngọt ngào, sự vẽ vời về tương lai tươi sáng, hay những “chứng cứ” giả mạo về thành công có thể dễ dàng đánh vào tâm lý của những người nhẹ dạ.
Thứ ba, sự phát triển của mạng xã hội tạo ra một môi trường thuận lợi cho các hình thức lừa đảo trực tuyến. Những lời quảng cáo hấp dẫn, những hình ảnh “thành công” được dàn dựng công phu, cùng với sự “tín nhiệm” ảo từ những người xa lạ có thể khiến các chị em mất cảnh giác.
Trong nhiều trường hợp, các chị em hành động bí mật vì sợ chồng không đồng ý hoặc muốn tạo bất ngờ. Tuy nhiên, khi sự việc vỡ lở, sự thiếu minh bạch này làm gia tăng mâu thuẫn, khiến người chồng cảm thấy bị phản bội, còn người vợ cảm thấy bị hiểu lầm.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân và hạnh phúc gia đình?
Để tránh sa vào cạm bẫy lừa đảo, phụ nữ cần cảnh giác với các dấu hiệu: Những cơ hội mang lại lợi ích lớn với ít nỗ lực; những lời nói mang tính tâng bốc (“chị là người thông minh, xứng đáng thành công”), gây áp lực cảm xúc (“đừng bỏ lỡ cơ hội thay đổi cuộc đời”), hoặc lời mời tạo sự khan hiếm (“chỉ còn vài suất cuối”, “đăng ký hôm nay để nhận ưu đãi” hoặc “cơ hội chỉ có một lần”); những hình ảnh sang trọng (xe hơi, biệt thự, du lịch nước ngoài) hoặc câu chuyện cảm động (từ nghèo khó vươn lên); yêu cầu nộp tiền để mua, đăng ký thành viên, hoặc tham gia khóa học,…
Chị em cần cẩn trọng với những lời mời chào “lợi nhuận khủng” bởi nguyên tắc “lợi nhuận cao đi kèm rủi ro lớn” luôn đúng trong mọi lĩnh vực đầu tư. Hãy luôn đặt câu hỏi và nghi ngờ những lời hứa hẹn về lợi nhuận quá dễ dàng và phi thực tế (“Liệu câu chuyện này có thật không?” và “Tại sao họ cần tôi tham gia?”).
Những kẻ lừa đảo thường tạo ra sự khan hiếm giả tạo hoặc thúc ép nạn nhân đưa ra quyết định nhanh chóng. Hãy luôn giữ một “cái đầu lạnh” và dành thời gian suy nghĩ ít nhất 24-48 giờ để nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về công ty, sản phẩm, mô hình hoạt động và đánh giá mức độ uy tín. Tham khảo ý kiến từ nhiều phía trước khi tham gia bất kỳ chương trình nào.
Nghiên cứu sản phẩm trước khi mua. Nếu sản phẩm không có giá trị thực tế hoặc không được công nhận rộng rãi, hãy tránh xa. Không chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào trước khi xác minh danh tính. Nếu đối phương từ chối cung cấp, hãy dừng giao dịch ngay. Hoặc nếu họ yêu cầu chị em hành động bí mật, đó là dấu hiệu rõ ràng của sự không minh bạch.
Hôn nhân là sự đồng hành và chia sẻ, chị em cần duy trì thói quen chia sẻ với chồng các vấn đề về đời sống gia đình, dù nhỏ hay lớn. Hãy cởi mở trao đổi với chồng về những cơ hội đầu tư hoặc kinh doanh mà mình đang cân nhắc. Sự góp ý và góc nhìn từ người bạn đời có thể giúp chị em nhận ra những rủi ro tiềm ẩn.
Thay vì lướt mạng xã hội hoặc tham gia các hội nhóm không rõ nguồn gốc, các chị em nên đầu tư thời gian vào các hoạt động như học kỹ năng mới, tham gia các câu lạc bộ cộng đồng hoặc làm công việc bán thời gian uy tín. Những hoạt động này không chỉ giúp cải thiện tâm trạng mà còn mang lại giá trị thực tế.
Nếu không may trở thành nạn nhân của lừa đảo, điều quan trọng là cả hai vợ chồng cần bình tĩnh và hỗ trợ lẫn nhau. Người chồng nên tránh trách móc, thay vào đó hãy cùng vợ tìm cách giải quyết và rút kinh nghiệm. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, các tổ chức tư vấn pháp lý hoặc chuyên gia tâm lý. Sự hỗ trợ kịp thời có thể giúp giảm thiểu những hậu quả tiêu cực.
Vấn nạn lừa đảo không chỉ là vấn đề của riêng cá nhân nào mà còn là một thách thức đối với hạnh phúc gia đình và sự ổn định xã hội. Những cạm bẫy từ lừa đảo không phải là nguyên nhân chính làm lung lay hạnh phúc, mà chính là những khoảng trống trong giao tiếp, lòng tin và sự kết nối giữa hai con người. Để vượt qua những thử thách này, mỗi cặp vợ chồng cần học cách lắng nghe, sẻ chia và đồng hành, biến những vết nứt thành cơ hội để gắn bó sâu sắc hơn.
Nếu bạn đang đối mặt với bất kỳ khó khăn nào trong hôn nhân, đừng ngần ngại chia sẻ với chuyên san Đời sống gia đình - nơi lắng nghe và cùng bạn xây dựng tổ ấm hạnh phúc hơn.