Phụ nữ thông minh sẽ biết “thêm bạn bớt thù”
(PNTĐ) -Mạng xã hội đâu chỉ như chiếc tivi thụ động mà còn là kẻ “dắt mối” tinh quái đưa người ta đến gần nhau hơn, từ xa lạ cảnh giác đến thân thiết, tin tưởng. Nếu làm một cuộc điều tra thì sẽ thấy biết đâu trong chiếc smartphone của nhiều chị em lại chẳng có vài nick chat zalo được để ở chế độ “bí mật” hay cài đặt khóa màn hình.
Giờ đây, mạng xã hội đã gắn kết chặt chẽ mọi người ở các vùng miền, lứa tuổi. Bởi thế, gần như chẳng còn ai có thể đứng ngoài những ái, ố, hỉ, nộ của facebook, hay không nhận được lời mời kết bạn thú vị trên zalo; sôi sục với những drama trên tiktok…
Đã có không ít phụ nữ nhẹ dạ bị dụ vào những cuộc tình chớp nhoáng theo công thức mà cư dân mạng vẫn gọi là “phi công trẻ lái máy bay bà già” hoặc “tình công sở”... chỉ qua sự dẫn dắt của chát chit trên mạng. Hậu quả của các cuộc tình ấy là những vụ ly hôn thật, dẫn đến tan đàn xẻ nghé và những đứa trẻ đang sống trong êm ấm bỗng thiệt thòi, bơ vơ. Đằng sau những câu chuyện này là câu hỏi nhức nhối: Liệu có phải đã đến lúc các giá trị đạo đức xuống cấp, là bởi người phụ nữ hôm nay không giữ được đức hạnh, phẩm giá?

Tôi đem thắc mắc ấy nói với các chị họ của tôi, những người phụ nữ đã từng trải và khiến tôi luôn nể phục nhất. Nghe xong, họ bật cười: “Vẫn có thể làm bạn, vẫn có thể dung hòa được những tình cảm ấy chứ nếu biết khéo léo, tinh tế. Chẳng ai dại đánh mất những gì đang có nhưng cũng cần thêm bạn bớt thù…”.
Tôi vẫn chưa hiểu cách mà các chị nói “thêm bạn bớt thù” là như thế nào? Nghe có vẻ mơ hồ, đáng ngờ lắm. Dường như vẫn có những bí mật, những dữ kiện của một bài toán chưa được minh bạch để nhận diện một kiểu quan hệ mới trên mạng xã hội.
Tôi có một người bạn tên Bích. Bích là một người đã ngoài 40 tuổi nhưng xinh đẹp và vẫn còn khá trẻ. Đặc biệt, cách nói chuyện, cách viết các caption (bài viết trên facebook) của cô rất chill, ai từng đọc một lần hẳn sẽ còn ấn tượng mãi. Nhưng thực ra, Bích lại là người rất chuẩn mực. Bích từng nói rằng “tớ rất dễ gần nhưng gần tớ đâu có dễ”. Quả đúng là vậy, xem cách mà Bích xử lý các tình huống “chị tán em”, “cháu tán cô” mới thấy đáng nể như thế nào.
Tôi hỏi Bích, cậu có cảm thấy bị làm phiền hay bị hiểu lầm từ bạn bè người thân không? Bích bảo: “Những người đàn ông thích mình là một phần của cuộc sống làm sao né tránh được. Có thể họ ở ngay trong xóm, ngay công ty rồi ở các mối quan hệ ngoài xã hội”.
Thấy tôi chưa rõ, Bích giảng giải: “Theo ông, đàn bà hơn nhau ở cái gì?”. Tôi trả lời: “Đương nhiên đó là ở trí tuệ chứ không chỉ ở nhan sắc”. Bích cười: “Nhưng không phải trí tuệ nào cũng giống nhau. Có trí tuệ “tham vàng bỏ ngãi” quá tham lam. Lại có trí tuệ biết cái gì giá trị, cái gì bền vững để gìn giữ, nâng niu…”.

Ngẫm ra, nếu khéo léo biến những sự quan tâm, mê đắm kia thành thứ tình cảm trong sáng, lành mạnh, trong giới hạn cho phép cũng rất tốt và đâu phải việc quá khó. Đúng như nhiều người đã nói, nhiều khi sự sa ngã, hư hỏng đến từ sự cả nể, lấp lửng của nhiều phụ nữ. Trong cuộc sống hôm nay, khi người phụ nữ không còn là “vai phụ”ở hậu trường mỗi gia đình, tất yếu họ phải có thêm nhiều mối quan hệ và cùng với đó là những tình cảm nảy sinh từ phía người khác giới.
Phụ nữ luôn nhạy cảm, họ hiểu rõ mục đích sâu xa sau những lời thăm hỏi, làm quen, quan tâm ấy là một ham muốn, khát khao có được cả tâm hồn và thân xác họ. Thấu tỏ chính là bí quyết để phụ nữ chủ động định đoạt được số phận của mối quan hệ ấy sẽ như thế nào.
Nhưng, để người vợ có thể “hóa giải” được những “kẻ si tình” ấy còn cần đến sự bao dung, cao thượng của các ông chồng. Hay nói đúng hơn, người chồng phải hơn những người đàn ông kia một tầm. Tầm ở đây không chỉ là tiền bạc, chức vụ mà là cách ứng xử, hiểu và tin tưởng ở vợ cũng như kịp cảnh báo, kịp “giữ thăng bằng” cho vợ.
Bích kể, một trong những lý do giúp cô có thể vượt qua những “thử thách” tình cảm ấy là nhờ có người chồng tuy không đẹp trai, giàu có, quyền lực nhưng lại rất tâm lý, tôn trọng vợ và ứng xử có văn hóa. Chính vì “anh xã” chưa bao giờ xem điện thoại Bích, chưa gặng hỏi vợ gặp ai, làm gì nhưng lại luôn cho thấy vị thế của mình thông qua sự quan tâm, thấu hiểu, qua tình yêu thương con cái giúp cô cảm thấy không thể làm gì có lỗi với anh.
Có ai đó nói rằng một trong những lý do khiến nhiều chị em đong đưa trên mạng xã hội còn xuất phát tự việc “nguội lạnh” của các ông chồng. Khi con cái đã trưởng thành, kinh tế đã khá giả, họ lười nhác đến mức… thiếu tôn trọng người bạn đời của mình. Nhiều người đàn ông quen vùi đầu vào nhậu nhẹt và diện những cái bụng bự, để mặc việc nhà cho vợ và câu trước câu sau hàm ý coi vợ như tấm áo cũ khiến người phụ nữ cảm thấy bị coi thường.

Khi còn yêu chồng, phụ nữ sẽ còn thấy sợ những cạm bẫy, những “tín hiệu” tình cảm được phát ra trong cuộc sống. Hôn nhân có thể khiến tình yêu ban đầu phai nhạt nhưng vẫn còn đó thứ tình cảm của trách nhiệm. Từ đó, chị em sẽ biết “thu xếp” để những người có thiện cảm với mình hiểu được cái tình thế “sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?” mà ngoan ngoãn làm những người bạn, những người em, cùng tôn trọng và động viên nhau trong cuộc sống.
Mặc dù biết rằng, để chặn một tài khoản, để cắt đứng một mối quan hệ không hề khó khăn gì nhưng nếu biết cách hóa giải tình cảm đó để “thêm bạn bớt thù” thì hẳn sẽ khiến cuộc sống nhẹ nhàng hơn… Người phụ nữ hiện đại thì luôn biết cách nói không nên, giúp cho những người đàn ông mù quáng và lầm lạc hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của hạnh phúc gia đình.