Mỗi ngày một hành động đẹp

Phụ nữ Thủ đô chung tay chống dịch sốt xuất huyết

Bài và ảnh: HƯƠNG MAI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Góp sức vào công cuộc đẩy lui, phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, những ngày qua, các cô, các chị hội viên phụ nữ đã không quản khó khăn, đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy.

Miệng nói, tay làm, không để dịch có cơ hội bùng phát

Phường Định Công hiện đang là một trong những địa phương có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thuộc top đầu của quận Hoàng Mai (TP Hà Nội). Tuy nhiên, trên địa bàn phường, vẫn có những khu vực như Tổ dân phố số 22 từ đầu mùa dịch đến nay chưa ghi nhận ca bệnh nào.

Chị Phùng Thị Thanh Vân – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 22 (phường Định Công) cho biết: Toàn tổ hiện có gần 300 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu, nhiều người nhập cư, thuê trọ sinh sống. Trước diễn biến dịch gia tăng trên địa bàn, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, Tổ dân phố đã tổ chức ra quân 4 lần; kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở bằng nhiều hình thức như hội nhóm, zalo… về công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Như những ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, trong khi mọi người lựa chọn đi du lịch hoặc ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn thì chị Phùng Thị Thanh Vân lại cùng một số chị em trong Chi hội Phụ nữ tới từng nhà, nhất là các hộ có vườn, chậu cây cảnh, nhà cho thuê… để lưu ý công tác an toàn cháy nổ; đồng thời nhắc nhở mọi người đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm tra từng khe, kẽ, không để nước đọng làm nơi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết có chỗ trú ngụ, sinh sôi, phát triển. Nhiều khi nhắc nhở thôi không đủ, chị Vân còn phải trực tiếp giúp chủ nhà dọn dẹp.

Phụ nữ Thủ đô chung tay chống dịch sốt xuất huyết - ảnh 1
Cán bộ, hội viên phụ nữ Tổ dân phố 19, 20, 21 (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) ra quân vệ sinh môi trường, phòng dịch sốt xuất huyết.

Vừa kể về công việc của mình, chị Vân vừa đưa hai tay còn nhiều nốt mụn nước mẩn rộp lên rồi cười nói: “Hôm nọ khi cùng chị Phó Chi hội Phụ nữ đi thăm người ốm, trên đường về thấy một gia đình vốn ít khi ở nhà nay lại mở cửa cổng nên hai chị em lập tức đi vào, cùng chị chủ nhà kiểm tra một vòng. Tới khu vực nhà thờ, cây cối tốt um, có nhiều chậu đất vừa to, nặng lại tụ nước, mấy chị em phải xúm lại, “tay trần” cùng chủ nhà xử lý. Kết quả tay rộp, ngứa cả tuần rồi chưa khỏi. Buổi tối về bị đau đầu mà chị em tôi nơm nớp lo mắc sốt xuất huyết vì chỗ đó muỗi vằn nhiều lắm, ai cũng bị đốt khắp người”.

Hay tại Tổ dân phố 19, 20, 21 (phường Định Công), cô Nguyễn Thị Loan - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ cho hay: Để chủ động trong phòng dịch, từ tháng 6 tới nay, cô đã cùng các chị em trong Chi hội đến từng gia đình phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết. Tùy thuộc hoàn cảnh thực tế mà vận dụng biện pháp, cách làm cho khoa học, phù hợp. Bản thân chị em phụ nữ mỗi lần đi tuyên truyền cũng xác định sẽ vất vả, nhưng đã làm là làm bằng cái tâm, trách nhiệm cao nhất, vì an toàn, sức khỏe của bà con trên địa bàn. Nhờ truyền thông tốt cùng sự vào cuộc quyết liệt nên dịp này, hễ nhà ai có người ốm, sốt sẽ báo cáo ngay với cán bộ Hội Phụ nữ để kịp thời cùng y tế địa phương theo dõi, phun khử khuẩn, hạn chế nguy cơ lây lan, bùng dịch.

“Nữ tướng” của tổ xung kích diệt bọ gậy

Những ngày qua, xã Vĩnh Quỳnh cũng được biết đến như một “điểm nóng” về dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thanh Trì, với hơn 250 ca mắc. Thời kỳ cao điểm, số ca mắc mới sốt xuất huyết lên tới 19 người. Ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, xã Vĩnh Quỳnh đã kích hoạt 157 tổ xung kích diệt bọ gậy; mỗi tổ có 2-3 người là thành viên từ các hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, dân phòng…

Từ khi nhận nhiệm vụ đội trưởng đội xung kích, bà Đỗ Thị Với – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) ngày nào cũng tất bật với rất nhiều công việc; khi thì đi họp trong thôn, trên xã, lúc lại xuống cơ sở tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc các hộ gia đình phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Phụ nữ Thủ đô chung tay chống dịch sốt xuất huyết - ảnh 2
Người dân thôn Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) vệ sinh môi trường. Ảnh: Nguyễn Mai

Bà Với cho biết: Đội của bà đang phụ trách 9 tổ xung kích thôn, đảm nhiệm công tác diệt bọ gậy cho 450 hộ gia đình. “Việc diệt bọ gậy không khó. Khó nhất là ý thức của người dân. Khi chúng tôi đến kiểm tra, có hộ khẳng định “nhà tôi sạch hết rồi” nhưng vẫn phát hiện ra bọ gậy. Chỉ vài vỏ hộp sữa chua ở góc vườn, vài cái bát rất nhỏ trong góc bếp hay các lọ cắm hoa trên ban thờ của các gia đình; nước trong xô hứng từ điều hòa các phòng... cũng có thể là nơi để muỗi đẻ trứng sinh ra bọ gậy mà người dân chủ quan, không nghĩ tới...”.

Bởi vậy, không chỉ nhắc nhở, các cô, các chị trong tổ xung kích cũng trực tiếp tham gia công tác vệ sinh môi trường. Thậm chí, khi đi tuyên truyền, kiểm tra tại khu dân cư, các cô, các chị phải mang theo bao tải để “xin” phế thải như chai, lọ, thùng, hộp… của các hộ. Công việc cũng có lúc khó, bởi không phải hộ gia đình nào cũng có ở nhà sẵn, để kiểm tra, nhiều hộ cả nhà làm công nhân, viên chức đi từ sáng đến tối, các thành viên trong tổ phải “phục kích” lúc sáng sớm hoặc chiều muộn mới vào được nhà. Thậm chí, có những gia đình, tổ xung kích phải quay đi quay lại đến 2-3 lần mới có người mở cửa.

Vất vả là thế, nhưng cũng nhờ sự vất vả, vào cuộc của các tổ xung kích, cùng với chính quyền địa phương và nhân dân nên tới nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn xã Vĩnh Quỳnh đã bước đầu được khống chế, ngăn ngừa được nguy cơ lây lan, bùng phát.

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Xuân mới là dịp để các cấp Hội LHPN Hà Nội nhìn lại một năm hoạt động qua, đồng thời nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra trong năm 2025. Trong đó, từng cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp tục ra sức thi đua góp sức xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước, sẵn sàng cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Năm 2025, tròn 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, phụ nữ toàn cầu nói chung và phụ nữ Việt Nam đã và đang được trao quyền nhiều hơn để phát triển bình đẳng. Tuy nhiên, để đạt được bình đẳng giới thực chất, vẫn rất cần những chương trình hành động, những cam kết đầu tư, trao quyền từ các Chính phủ, trong đó có Việt Nam để phụ nữ có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn trong kỷ nguyên mới.
“Thành công của người phụ nữ  không ở địa vị hay tiền bạc”

“Thành công của người phụ nữ không ở địa vị hay tiền bạc”

(PNTĐ) - “Thành công của người phụ nữ không phải ở địa vị, tiền bạc, quyền lực, mà thể hiện ở giá trị, nhân cách và văn hóa sống. Đặc biệt, hãy là một người phụ nữ ấm áp, đem đến sự yêu thương và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp cho cộng đồng”, theo BTV - MC Giang Nam.
Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

(PNTĐ) - Nghệ nhân Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953) là người sáng lập nhà hàng Ánh Tuyết, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Bà từng được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho các đại biểu quốc tế dự hội nghị Apec năm 2017 tại InterContinental Đà Nẵng; giúp Văn phòng Chủ tịch nước tiếp đoàn Mỹ - Triều. Bà đạt rất nhiều huy chương, giải thưởng tại các sự kiện ẩm thực lớn và quy mô; được UBND Thành phố Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2018. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà đã chia sẻ tình yêu và mong muốn của mình trong lưu giữ tinh thoa ẩm thực cổ truyền Hà Nội.