Mỗi ngày một hành động đẹp

Phụ nữ Thủ đô lan tỏa lối “sống xanh”

Lan - Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, để tiếp tục lan tỏa lối “sống xanh”, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã và đang có nhiều việc làm thiết thực, trong đó có nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Từ đây, vừa góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời lan tỏa, nhân rộng lối “sống xanh” trong cộng đồng.

Xanh mướt những “vườn rau sạch tại nhà” 

Đến thăm những “vườn rau sạch tại nhà” và học hỏi kinh nghiệm trồng trọt của chị em phụ nữ quận Đống Đa, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đã vô cũng bất ngờ. Bởi các bà, các cô đã dành nhiều tâm huyết chăm sóc vườn rau, cây ăn quả ngay sân thượng của gia đình vừa xanh tốt, vừa giúp an toàn thực phẩm. Sau khi được Hội LHPN phường Láng Thượng, quận Đống Đa phát động, bà Ngô Thị Kim Oanh, nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường Láng Thượng là một trong những hội viên đầu tiên hăng hái triển khai mô hình “vườn rau sạch tại nhà”.

Đất vườn không có, bà tận dụng hai khoảnh sân thượng trên tầng 7 và tầng 8 để trồng cây, rau. Để ủng hộ bà, chồng và các con bà cũng nhiệt tình khuân đất, làm giàn, lắp đặt hệ thống phun nước tự động. 

Vậy là với mảnh sân ở tầng 7 rộng 60m2, bà trồng các loại rau mồng tơi, ngót nhật, muống, cải… Sân thượng tầng 8 nhỏ hơn, chừng 30m2, bà chọn trồng các loại cây dây leo để tận dụng hết khoảng không trên cao như mướp, bầu, bí, dưa gang, dưa lưới, su su…

Cứ tưởng chỉ trồng cho vui vậy thôi, nhưng nhờ “gia chủ” có kỹ thuật và dành nhiều tâm huyết chăm sóc mà vườn rau, cây ăn quả của bà lớn nhanh, xanh tốt. Bà đã có đủ rau sạch quanh năm cho cả gia đình, mùa nào thức nấy. Rồi dưa lưới, dưa gang… cũng trĩu trịt quả. Có đợt, bà thu hoạch được hơn 3 tạ dưa lưới, nhiều trái nặng tới trên 3kg, vị ngọt, thơm, ai ăn cũng khen nức nở. 

Phụ nữ Thủ đô lan tỏa lối “sống xanh” - ảnh 1
Hội viên phụ nữ Đống Đa lan tỏa, phát triển mô hình "Vườn rau sạch tại nhà" do Hội LHPN quận phát động.

Theo chị Nguyễn Bích Nhung, Chủ tịch Hội LHPN phường Láng Thượng, thời gian đầu Hội phát động mô hình “vườn rau sạch tại nhà”, chỉ có khoảng 5 hội viên tham gia. Nhiều chị em hội viên khác lăn tăn vì với một quận đông dân, nhà cửa san sát như Đống Đa, làm gì có đất trống, đất thừa để mà trồng rau. Bên cạnh đó, nhiều chị em vốn là dân văn phòng, kinh doanh… lo mình không có nhiều kiến thức về nông nghiệp nên trồng cây bị thất bại. Nhưng rồi sau đó, khi những mảnh vườn đầu tiên được triển khai thành công, các chị em khác mê quá đã làm theo.

Chính vì thế mà, đến nay ngoài vườn rau của bà Oanh, hiện nay, còn có thể kể tới vườn rau sạch của gia đình các cô Sinh, chị Hoa, chị Mùi ở Chi hội phụ nữ số 8; cô Mẽ ở Chi hội phụ nữ số 10; cô Huệ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 7, cô Dung, Chi hội phụ nữ số 1… Những mảnh vườn không chỉ giúp các hội viên tiết kiệm một khoản tiền hàng tháng do không phải mua rau bên ngoài mà còn đảm bảo vệ an toàn thực phẩm vì rau sạch, tươi ngon, ăn đến đâu mới hái đến đó.

Tương tự, theo chị Đào Thị Thùy Lương, Chủ tịch Hội LHPN phường Ô Chợ Dừa, hiện nay, tại 100% các Chi hội phụ nữ trên địa bàn phường đều đã triển khai mô hình “Vườn rau sạch tại nhà”. Đa phần chị em trồng các loại rau xanh theo mùa, rau thơm, củ cải, xu hào, súp lơ, đậu đỗ, một số trồng thêm cây ăn quả như khế, lựu, đu đủ nhiều loại ăn trái khác. Thời gian đầu, cũng có chị em trồng cây bị chết, không ra quả… Nhưng sau đó, chị em vừa trồng, vừa quan sát, rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nên đến nay, các vườn rau đều cho thu hoạch tốt. 

Ngoài ra, mô hình còn gắn kết tình cảm giữa các hội viên phụ nữ. Rau tươi tốt, cây  cho nhiều quả, chị em ăn không hết còn thu hoạch để tặng nhau. Những vườn rau cũng giúp xanh hóa, làm đẹp không gian sống của các gia đình hội viên. Từ sáng kiến của Hội PN, đến nay, mô hình “Vườn rau sạch tại nhà” đã được Hội LHPN phường Ô Chợ Dừa lan tỏa tới nhiều hội và các đoàn thể khác trên địa bàn.

Phụ nữ Thủ đô lan tỏa lối “sống xanh” - ảnh 2
Bà Ngô Kim Oanh, hội viên phụ nữ quận Đống Đa tham gia mô hình với vườn dưa sai lúc lỉu trên sân thượng.

Lan tỏa “sống xanh” bằng những hành động, việc làm cụ thể

Tương tự, với các mô hình như: “Vườn rau sạch tại gia đình”, “Tổ phụ nữ trồng rau sạch tại nhà”, “Vườn rau an toàn tại gia đình” đã được Hội LHPN phường Bồ Đề, quận Long Biên đã và đang triển khai thực hiện tại các Chi hội Phụ nữ trên địa bàn và nhận được sự hưởng ứng tích cực của chị em hội viên phụ nữ và nhân dân.

Theo chị Trần Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN phường Bồ Đề: Năm 2023, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công trình “Mỗi gia đình hội viên một cây xanh - Mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh” góp phần hưởng ứng Chương trình “Phụ nữ vun trồng tương lai” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Các thành viên tham gia các mô hình này vẫn thường xuyên duy trì trao đổi chia sẻ kiến thức xoay quanh nội dung: Phương pháp làm phân bón hữu cơ tại nhà; làm thế nào để xử lý sâu bệnh có hại cho rau đảm bảo an toàn… Chị em thành viên còn lập các nhóm trên zalo, facebook để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng... Không có đất vườn, nhiều chị em tự tạo ra vườn trên sân thượng, ban công tại nhà. Chị em biết tận dụng thùng xốp, tái sử dụng các xô, chậu để trồng cây.... 

Theo chị Phượng, tham gia mô hình của Hội Phụ nữ triển khai chị em phụ nữ còn nghiêm túc thực hiện việc sử dụng rác tái chế làm phân vi sinh bảo vệ môi trường và trồng rau an toàn. Đặc biệt khi tham gia mô hình này vừa giúp các chị em và các thành viên trong gia đình giải tỏa stress sau những ngày làm việc căng thẳng, đồng thời tuyên truyền,vận động nâng cao nhận thức, cung cấp các kiến thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về việc chuyển đổi hành vi vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, góp phần chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình của mỗi cán bộ, hội viên và nhân dân. 

Phụ nữ Thủ đô lan tỏa lối “sống xanh” - ảnh 3
Mô hình “Vườn rau sạch tại gia đình” của Hội LHPN phường Bồ Đề triển khai được hội viên tích cực hưởng ứng.

Còn tại huyện Gia Lâm, để lan tỏa lối “sống xanh”, nhất là việc hạn chế sử dụng túi nilon trong bao gói thực phẩm, cách đây gần 3 năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo triển khai mô hình “Kinh doanh xanh” tại Chi hội phụ nữ tổ dân phố Vân. Tham gia mô hình, chị em chủ các cửa hàng sẽ không sử dụng túi nilon để bao gói thực phẩm mà sử dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường để gói, đựng hàng hóa như giấy, lá sen, lá chuối, lá dong…Với các hộ còn lại được khuyến khích thực hiện việc sử dụng bao bì thân thiện môi trường trong 2 ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Chị Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: Tại một số cơ sở Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện còn có sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện như: Mô hình “Đường hoa tái chế từ rác thải nhựa” tại xã Lệ Chi, mô hình “Ban công xanh - ban công nở hoa” tại xã Ninh Hiệp, thị trấn Trâu Quỳ, xã Yên Viên; xây dựng điểm mô hình “Nhà văn hóa sáng - xanh - sạch - đẹp - kiểu mẫu” tại thôn Kim Quan, xã Yên Viên… Và hiện nay Hội Phụ nữ vẫn đang tiếp tục thực hiện mô hình “Đưa rác thải đến với hành trình sống xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường”.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Để tiếp tục lan tỏa lối “sống xanh”, trong thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã và đang tiếp tục thực hiện bằng những việc làm cụ thể như: Tặng thùng đựng rác có nắp đậy cho hội viên; hướng dẫn hội viên bán hàng khô dùng lịch, báo cũ dán túi giấy sử dụng thay thế túi nilon; đổi chai lọ nhựa lấy cây xanh… được triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả. Những việc làm dù nhỏ bé của tổ chức Hội thực hiện nhưng đã và đang nhận được sự đồng tình hưởng ứng của chị em hội viên đồng thời còn lan tỏa đến cộng đồng làm thay đổi diện mạo quê hương góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống…

Ảnh: H. Lan

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

(PNTĐ) - “Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình rồi’, chị Tú nói”.
Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

(PNTĐ) - Hôm đó, trên đường đi công tác xuống một huyện xa, xe ô tô của chúng tôi đi ngang qua hai đứa trẻ, một đứa chắc tầm 6 tuổi, một đứa chỉ 4 tuổi đang đèo nhau trên chiếc xe đạp người lớn. Con đường thì dài hun hút, tối om, hai bên là đồng ruộng và những tiếng ếch nhái ộp oạp đủ “dọa ma” nhiều người....
Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

(PNTĐ) - Bà nội tôi có 4 người con. Ông nội tôi mất sớm từ lúc bà nội vẫn còn trẻ. Bố tôi là con trai út. Khi bà tôi còn khỏe, bà đã ủy quyền cho bố tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà để bà làm di chúc cho bố tôi căn nhà đang ở. Sau khi làm giấy ủy quyền cho bố tôi, thủ tục để làm Giấy CNQSDĐ chưa hoàn tất thì bà tôi mất. Xin hỏi, bố tôi có được thừa hưởng căn nhà theo di nguyện của bà không? ( Phạm Đông-Cầu Giấy)
Trạm cà phê và sách

Trạm cà phê và sách

(PNTĐ) - Hưng treo chiếc áo khoác vào mắc áo, buông người nằm sõng soài ra giường. Anh cảm thấy chán nản khi mọi việc trong ngày đều lặp đi lặp lại theo một lịch trình được rập khuôn y đúc từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Riết Hưng thấy mình chẳng khác gì cỗ máy, khô khan, nhàm chán.