Phục hồi du lịch bền vững trong điều kiện bình thường mới

Chia sẻ

Từ cuối tháng 9 đến nay, du lịch là một trong những ngành ghi nhận rất rõ sự phục hồi và đang bước vào giai đoạn mới - bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế vào Việt Nam.

Đây cũng là giai đoạn mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của ngành du lịch, tuy nhiên, trong thời điểm chuyển trạng thái hoạt động, có nhiều vấn đề đặt ra, cần xem lại để các doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị tâm thế, nhận thức, nghiệp vụ... tốt nhất sẵn sàng cho giai đoạn mới.

Phát triển trong nhận thức mới

Đó cũng chính là lý do để Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn đàn “Giải pháp phục hồi du lịch” tại Hà Nội và kết nối đến 26 tỉnh, thành. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội. Sự thay đổi đó không phải là thoáng qua mà mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới với nhiều đặc điểm mới. Trong đó, có một số vấn đề trước đây vốn được xem là bất bình thường thì hiện nay trở thành bình thường như chuyện đeo khẩu trang; hay có những vấn đề trước đây được xếp vào kế hoạch lâu dài, từ từ thực hiện thì hiện nay đang được thực hiện rất nhanh như thương mại điện tử, giáo dục/làm việc trực tuyến... Trong tình hình mới đó, ngành du lịch phải điều chỉnh lại nhận thức của mình để xây dựng chương trình phát triển theo tư tưởng mới. Yếu tố mới trong giai đoạn bình thường mới của ngành du lịch là sự an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu được quy định bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch. Một số quy định mới khách cần thực hiện trước và trong khi tham gia hoạt động du lịch (khai báo y tế, khai báo di chuyển, xét nghiệm y tế, phiếu tiêm vắc-xin...).

Đạp xe khám phá Hà Nội - tour du lịch chuyên biệt được các đơn vị lữ hành đưa vào phục vụ du khách trong giai đoạn bình thường mớiĐạp xe khám phá Hà Nội - tour du lịch chuyên biệt được các đơn vị lữ hành đưa vào phục vụ du khách trong giai đoạn bình thường mới

Tuy nhiên, sau gần 2 năm du lịch quốc tế bị ngừng trệ, những tín hiệu khả quan của thị trường du lịch trong giai đoạn đầu mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam là cơ sở để khẳng định đến du lịch nước ta là an toàn, hấp dẫn và cho thấy sự thích ứng nhanh của du khách, các đơn vị lữ hành, lưu trú với tình hình mới. Tại diễn đàn, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), số liệu thống kê ban đầu cho thấy, trong tháng 11 tổng số khách quốc tế đến các tỉnh, thành thực hiện thí điểm là gần 1.000 người, trong đó, tỉnh Quảng Nam đã đón 3 chuyến bay với hơn 159 khách; thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đón 202 khách Hàn Quốc; tỉnh Khánh Hòa đã đón 617 khách. Dự kiến, đến hết năm 2021, tỉnh Khánh Hòa sẽ đón khoảng 9.400 lượt khách quốc tế, Đà Nẵng dự kiến đón 11.500 lượt… Sự tăng trưởng này còn ghi nhận ở thị trường nội địa như tỉnh Khánh Hòa đón 522.000 lượt người trong tháng 11, Hà Nội là 300.000 lượt người, Lạng Sơn 300.000 lượt người, Quảng Ninh 170.000 lượt người, Lào Cai 55.450 lượt người...

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: việc khôi phục, mở cửa thị trường quốc tế của du lịch Việt Nam là dấu ấn quan trọng, cho thấy ngành du lịch đã sẵn sàng hội nhập và tham gia vào thị trường toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với một số địa phương, điểm đến sẵn sàng mở cửa đón khách như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) và tiến tới mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch, đón khách du lịch đảm bảo các tiêu chí về an toàn.

Thích ứng linh hoạt trong điều kiện mới

Bên cạnh những kết quả ban đầu, để ngành du lịch phát triển bền vững, từ góc độ các doanh nghiệp du lịch, kinh doanh lữ hành sau 2 năm gần như kiệt quệ vì những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ cơ chế, chính sách dài hơi. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long Đào Mạnh Lương cho biết, Chi hội hiện có 245 hội viên đang sở hữu 505 tàu du lịch thu hút khoảng 5.000 lao động làm việc. Dịch bệnh tác động suốt 2 năm qua đã khiến doanh nghiệp gần như cạn kiệt. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những chính sách hỗ trợ nhưng việc tiếp cận của doanh nghiệp là khó khăn do vướng thủ tục hành chính như chính sách vay vốn để trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất. Theo quy định, doanh nghiệp phải có bảng quyết toán thuế song không cơ quan thuế nào làm quyết toán đầu năm nên gần như hầu hết chủ tầu không làm được thủ tục này.

Đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại Phú Quốc nghỉ dưỡng và trải nghiệm hoạt động du lịch sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19Đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại Phú Quốc nghỉ dưỡng và trải nghiệm hoạt động du lịch sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngoài ra, trong giai đoạn phục hồi hiện nay, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel Holdings thị trường du lịch, nhất là thị trường nội địa vẫn thiếu tính thống nhất trong cả nước, vẫn còn tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu khiến doanh nghiệp du lịch rất khó cho tổ chức đoàn khách du lịch liên vùng, liên tuyến. Với thị trường quốc tế, cùng với chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng kiến nghị Tổng cục Du lịch cần tính đến việc liên kết với các nước trong khu vực để hình thành hành lang “du lịch bong bóng” trong khu vực Đông Nam Á, qua đó tạo nguồn khách quốc tế phong phú và an toàn.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Cùng với các chính sách hỗ trợ về tiền điện với cơ sở lưu trú, chính sách giảm thuế, vay vốn ngân hàng, hiện, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang họp bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tham mưu trình Chính phủ trong tháng 12. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là tiếp tục xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát an toàn với dịch Covid-19” để thu hút du khách. Đã có một số doanh nghiệp tiên phong tìm hiểu, thiết kế, làm mới các tour, tuyến trong nội tỉnh, nội thành, để từ đó rút kinh nghiệm, mở rộng sản phẩm liên tỉnh, liên vùng.

Theo Tổng Giám đốc công ty CP Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, với diễn biến dịch như hiện nay, việc xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng. Vai trò của doanh nghiệp lữ hành cũng sẽ thay đổi. Nếu như trước đây, vai trò của lữ hành phần lớn là trung gian, qua nhiều khâu, nhiều cấp thì hiện nay, các khâu trung gian này bị giảm, tập trung vào dịch vụ đầu - cuối trong quy trình cung cấp sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp được tái cơ cấu tổ chức theo từng nhóm nhỏ tương tác trực tiếp với khách hàng để nắm bắt, tiếp nhận nhu cầu; trực tiếp cung ứng, tổ chức dịch vụ tại điểm đến. Như vậy, sản phẩm du lịch hiện nay là những sản phẩm chuyên biệt, cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm, an toàn trong suốt hành trình khám phá. Và, tính sáng tạo, giá trị chuyên môn sẽ được đề cao hơn các yếu tố về giá cả...

Là đơn vị cung ứng tour du lịch đầu tiên của Hà Nội trong giai đoạn phục hồi sau đợt dịch thứ 4 và đang nghiên cứu triển khai một số tour liên tỉnh, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist cho hay, các sản phẩm trong giai đoạn hiện nay cần bảo đảm an toàn và hấp dẫn. Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình du lịch sẽ trở thành xu thế lựa chọn của du khách trong thời gian tới như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, để hạn chế tiếp xúc gần, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, một số thủ tục, công đoạn được thực hiện tự động, nhận diện bằng cảm ứng.

Tại khu vực miền Trung, mới đây, các tỉnh, thành phố du lịch đã xây dựng mô hình liên kết để chia sẻ nguồn tài nguyên du lịch như các địa phương Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam đã bắt tay thiết kế sản phẩm chung hình thành nên con đường di sản, sản phẩm du lịch biển… tăng sức hấp dẫn cho du khách.

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.