Phục tùng hay trân trọng?

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhìn những phụ nữ ăn mặc đẹp, dùng hàng hiệu, một bước có xe chồng đưa đón ai cũng nghĩ họ được yêu chiều, có quyền lực khiến chồng nể sợ kiểu “cồng bà” lấn át “lệnh ông”. Nhưng, nhiều khi hình thức lại không quy định nội dung…

Chị Hồng ở công ty tôi luôn dùng mỹ phẩm đắt tiền, dùng iphone đời mới nhất, đôi mắt luôn nghếch lên không thèm nhìn thiên hạ. Nhìn chị, người ta vừa ghét, vừa sợ, nhưng rồi lại thầm ước được một phần của “bà ấy”.
Đùng cái, chị Hồng đến công ty với những vết bầm dập trên mặt. Nghe bảo chị bị ngã xe hôm qua nhưng rồi người ta thắc mắc: “Bà ấy toàn đi ôtô mà”. Ít hôm sau lại có tin, chị Hồng dọn ra ở chung cư vì… đã ly thân. Đẹp như chị Hồng mà chồng chê thì hơi phí.

Tháng sau, người ta bỗng thấy chị trở lại với phong cách ăn mặc bình dân như ngày nào. Cũng xe máy, mũ bảo hiểm, áo tránh nắng, ăn suất cơm trưa 30k hệt như các chị em đồng nghiệp. Thế rồi, chẳng biết vì tức giận hay không thể che giấu mãi mà chị bắt đầu kể lại những ngày tháng “ngậm đắng nuốt cay” của mình.

Hóa ra, chuyện chị bị tát sưng mặt là kết quả của việc “đòi lại công bằng”. Hàng ngày, chị như một “osin không lương” trong chính ngôi nhà của mình. Ngay cả đến việc hàng đêm chồng đi đâu, ăn uống với ai chị cũng không được biết. Cái quyền duy nhất mà chị có là chăm nuôi con, dạy con học, lo việc nội ngoại… Cho đến một ngày chị nhận ra, chồng mình tuy không phải loại trăng hoa, không làm gì đáng xấu hổ ngoài xã hội nhưng thật sự chỉ coi mình như một con bù nhìn đuổi chim ngoài ruộng. Muốn về thăm mẹ, muốn xin tiền mua quà cho mẹ cũng phải nịnh nọt, xin xỏ đến mất hết cả thể diện.

Lúc mới cưới nhau, thấy chồng suy nghĩ nhiều khi chưa chín chắn, khôn ngoan, chị Hoa mạnh dạn lên tiếng. Dần dà, chị thành người ra quyết định mọi việc khiến cho cả mẹ đẻ của chị cũng có lúc phàn nàn: “Mày làm thế lại mang tiếng là át cả vía của chồng”. Có lúc, chị Hoa nhận ra điều ấy, nhưng rồi lại tặc lưỡi: “Đứa nào tháo vát, to mồm đứa ấy khổ chứ sướng cái nỗi gì?”.

Phục tùng hay trân trọng? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Một lần, chị Hoa đi công tác về, chị nhận ra mọi thứ mà chị đã dặn chồng hình như chẳng có cái gì ra hồn. Anh chỉ làm cho phải phép chứ không hề thực tâm. Lúc đầu, chị tức điên đợi chồng về để “sạc” cho một trận. Nhưng rồi, chị nghĩ lại, tại sao anh ta lại làm thế, có phải vì mình là “nóc nhà”, vì mình được chồng sợ chứ không phải là yêu thương, không phải chia sẻ thực sự? Nếu một người sợ mình, họ sẽ chỉ chống đối chứ không thực tâm chăm sóc. Có lẽ, không có gì thất vọng bằng điều đó.

Nhiều người phụ nữ đã nhầm lẫn giữa sự phục tùng và sự trân trọng. Nếu hôn nhân chỉ đơn giản là kiếm được ông chồng ngoan, biết nghe lời thì người ta đâu cần có tình yêu, sự thử thách và cảm thông. Có thể vì một lý do nào đó, người đàn ông sẽ  răm rắp nghe lời để yên cửa nhà, để có người lo toan hoặc vì như cái lẽ người ta hay nhắc đến ấy là: Bị vợ át vía. Nhưng theo thời gian, họ sẽ cảm thấy có một khoảng cách lớn dần, hai người sẽ không còn tiếng nói chung. Và khi không còn tiếng nói chung ấy, họ sẽ kiếm tìm một sự chia sẻ, một sự dịu dàng, thấu hiểu. Nói không sai khi cho rằng, không phải lúc nào việc ngoại tình của đàn ông cũng đến từ bên ngoài mà còn cả ở cách cư xử của chính chị em. Không phải tự nhiên mà người chồng đề cao mình, tôn trọng tiếng nói của mình.

Benedict Cumberbatch từng nhận xét: "Người phụ nữ quyến rũ là người biết rằng mình không cần phải cầu kỳ ăn mặc để trông đẹp đẽ. Người phụ nữ quyến rũ cũng là người có thể khiến bạn cảm thấy cách ăn nói của nàng thông minh. Tôi tin rằng khiếu hài hước là quan trọng. Tôi cũng nghĩ rằng người giỏi tương tác với người khác là người quyến rũ”. Hai chữ “tương tác” mà nam diễn viên nhắc đến chính là cách ứng xử, cách tạo ra ấn tượng, tình cảm với người khác mà trước hết là người chồng của mình.

Nhưng nói đi, cũng phải nói lại, người đàn ông chân thành sẽ biết trân trọng người phụ nữ của mình chứ không phải yêu chiều như một con búp bê hay một bà nữ tướng quyền uy. Đâu phải lúc nào sự tán đồng xuôi chiều đều tạo ra không khí vui vẻ trong gia đình. Bao giờ cũng thế, người phụ nữ cần cả sự góp ý, dẫn dắt để định hướng cho họ trong mọi chuyện. Nếu người chồng thật sự có bản lĩnh, biết trân trọng ý kiến của vợ, họ sẽ tìm thấy vị trí trong trái tim nhau. Có thể, chị ta không cần là “nóc nhà”, là bà hoàng nhưng chắc chắn sẽ không trở thành một thứ bù nhìn rơm vô nghĩa.

Ai đã và đang là “nóc nhà” xin hãy thật sự tỉnh táo để nhận ra vị trí thật sự của mình, biết nhường nhịn, sẻ chia, biết yêu thương, cảm thông, cùng nhau gánh vác khó khăn mới được bền lâu trong hạnh phúc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta dùng hai chữ “bạn đời” để nói về hôn nhân, về nghĩa vợ chồng có lẽ cũng vì những ý nghĩa sâu xa ấy về sự công bằng và bình đẳng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.