Quà tặng cuộc sống

Chia sẻ

8/3 đang đến rất gần. Bình thường, vào dịp này, chị em sẽ rục rịch từ ngoài đời đến trên mạng xã hội, ý tứ khoe những món quà, những chuyến du lịch hay vô vàn điều bất ngờ khác được tặng từ chồng, người yêu… Nhưng 8/3 năm nay dường như đang đến rất khác, theo cách “bình thường mới”. Không thấy mạng xã hội xôn xao chuyện chị em “đòi quà” nữa…

“Cuộc sống bình yên giữa dịch bệnh là món quà tuyệt vời nhất”

Nhà có đến 3 “hoa hậu” nên cứ hễ đến ngày kỷ niệm của phụ nữ là anh Tú (quận Hai Bà Trưng) lại lên kế hoạch đưa vợ và 2 con gái đi chơi xa. Gần như, bên nhau qua những chuyến đi đã trở thành phần không thể thiếu, vừa là cách hâm nóng tình cảm vợ chồng, lại giúp các con có thêm trải nghiệm và gắn kết với bố mẹ. Nhưng từ năm ngoái tới nay, Covid-19 làm đảo lộn hết “trật tự ăn chơi” của cả nhà. Trừ anh Tú vẫn đi làm bình thường, chị Hân (vợ anh) và con gái lớn đều ở nhà làm việc online, con gái út thì học qua mạng. Thành thử, 3 mẹ con chẳng đi đâu cả, cứ loanh quanh trong nhà, bố thì ở xa truyền lệnh về nhà “không được đi ra ngoài, cũng hạn chế tiếp bạn bè, khách khứa đến thăm”, khiến cho nhiều lúc, 3 mẹ con nói đùa mình như bị… giam lỏng. Lên mạng cũng chỉ toàn thông tin dịch bệnh, chị Hân còn suýt quên những ngày như 20/10 hay 8/3 sắp tới…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không thể để cuộc sống trôi tuột qua như thế được, 3 mẹ con tìm cách để ở nhà mà vẫn vui, cả nhà vẫn thấy mỗi ngày qua đi đều hứng thú. Những ngày đầu Hà Nội giãn cách, mấy mẹ con lúi húi vào bếp nấu nướng những món mới, chờ bố về thử. Rồi mua online mấy chậu cây về, trang trí ban công tươi tắn hơn. Ba mẹ con cũng rủ nhau mua thảm, tập yoga tại nhà. Thời điểm miền Trung ảnh hưởng bão lũ cần giúp đỡ, chị Hân kêu gọi bạn bè trên facebook cùng nhau quyên góp quần áo gửi vào cho người dân đang cần. “Tưởng chỉ thu được một lượng nhỏ quần áo thôi, vì kêu gọi gấp quá, ấy vậy mà cũng được hẳn một xe to, mình rất phấn chấn”, chị Hân chia sẻ. “Dịch bệnh khiến mọi thứ trì trệ, kể cả niềm vui tận hưởng cuộc sống. Bởi vậy, khi được làm những điều ý nghĩa, mang lại niềm vui cho chồng, con và cả cộng đồng, tôi thấy rất vui, thấy mỗi ngày trôi qua như một món quà vậy”. Sống chậm lại và bình yên bên gia đình, chị Hân thấy trân trọng những tình cảm quý giá mà những người thân, ruột thịt dành cho nhau hơn, quan tâm, hỏi han bố mẹ hai bên nhiều hơn. “8/3 này nếu dịch bệnh được kiểm soát, tình hình lạc quan hơn, mình sẽ vào bếp làm một bữa tiệc thật vui để cả gia đình và ông bà nội, ngoại được quây quần ấm áp!”.

Phải gác lại những chuyến đi vì dịch bệnh, nhưng chính nhờ những điều nhỏ bé ấy, gia đình chị Hân, anh Tú vẫn đầy ắp niềm vui. Có vợ và con luôn chờ ở nhà, anh Tú đi làm về sớm hơn, được ngắm con gái út chơi đàn, được thấy con gái lớn biết phụ mẹ nhiều việc. Cuối tuần, hai vợ chồng rủ nhau đạp xe, ăn sáng, “bỗng nhận ra, từ khi có dịch tới giờ, cả nhà chỉ quanh quẩn ở Hà Nội, vậy mà lại thấy bình yên. Thấy chồng, con luôn ở bên, mình thấy những hoa, quà mà trước đây nhân dịp nào đó mới tặng, cũng không hạnh phúc bằng!”, chị Hân tâm sự.

Đi “giải cứu nông sản” – món quà ý nghĩa cho cuộc sống

Khắp các tuyến phố Hà Nội những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh nông sản từ Hải Dương được bày bán và đâu đâu cũng tấp nập cảnh người dân mua hàng “giải cứu” nông dân. Trong lúc chờ các địa phương thông xe cho hàng từ Hải Dương, nhiều chị em đã nhanh nhẹn cùng nhau tổ chức giải cứu hàng chục tấn nông sản.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đọc được thông tin trên facebook, sáng Chủ nhật, chị Dung cùng chồng ra điểm bán giải cứu nông sản cho bà con Hải Dương ở 38 Giải Phóng (Hà Nội). Trong lúc chồng chằng dây buộc sọt cà chua phía sau xe, chị Dung nhắn tin cho mấy người bạn, hẹn sẽ chia mỗi nhà một ít.

Còn chị Thuỷ, người đứng ra nhận bán nông sản cho bà con Hải Dương thì hào hứng cho biết: “Hôm nay bọn chị sẽ bán khoảng 15 tấn rau củ. Tầm 9-10h sẽ có xe chở su hào, súp lơ xanh về. Tối muộn có thêm chuyến nữa”. Các loại nông sản như su hào, cà chua, bắp cải, củ cải… được đóng theo túi 5kg, thu hút rất nhiều người đến mua. Người mua ít thì một túi, nhiều là một sọt hơn 20kg.

Vì việc vận chuyển hàng khó khăn, chị Thủy cho biết, được xe hàng nào tốt xe đấy. Theo chị Thuỷ, trước tình trạng nông sản dư thừa ở Hải Dương, cá nhân, nhóm thiện nguyện ở các nơi đã liên kết lại với nhau qua mạng xã hội. Tại địa phương, những người này kết nối với Hợp tác xã Chí Linh, giúp bà con chuẩn bị nông sản, gửi ra Hà Nội. Nông sản, phương tiện vận tải được phun khử khuẩn 2 lần trên địa bàn Hải Dương, bao gồm ở hợp tác xã và chốt kiểm dịch. Sau gần 36 tiếng cho quãng đường hơn 80km, nông sản sẽ về đến Hà Nội và vẫn đảm bảo tươi, ngon. “Hôm qua, 15 tấn hàng gồm cà chua, su hào, súp lơ xanh, cà rốt... được bán hết trong vòng 6 giờ buổi sáng. Đến chiều, dù các sọt hàng trống không, cứ 3-5 phút lại có xe máy tấp lại để hỏi mua nông sản. Cuối cùng, chúng mình buộc phải viết một tấm bảng thông báo đã hết hàng, mời người dân đến mua vào hôm sau”, chị Thuỷ hào hứng nói.

Quà tặng cuộc sống - ảnh 3

Số tiền bán hàng thu về hơn 23 triệu đồng sau khi trừ chi phí bao bì. Xăng, xe được các nhóm thiện nguyện ủng hộ. Chị Thuỷ cho biết, toàn bộ tiền sẽ được chuyển tận tay cho bà con nông dân dưới Hải Dương. Hàng hóa rất nhiều, chị phải huy động người nhà, nhân viên, hàng xóm cùng xử lý. Dù mệt nhưng ai cũng thấy vui vì làm được điều có ích và ý nghĩa.

Tại một điểm giải cứu khác, phóng viên cũng thấy được niềm vui trên đôi mắt những nữ đoàn viên của Đoàn TNCS phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Tại số 64 Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong hai ngày qua các Đoàn viên thanh niên phường Phúc Diễn đã tổ chức điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân Hải Dương bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Các loại nông sản như cà rốt, su hào, cà chua, ổi, củ cải... của bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương đến thời điểm thu hoạch được ưu tiên “giải cứu”. Bạn Chu Thị Hà Phương - Bí thư Đoàn phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong 2 ngày qua đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng gần 10 tấn nông sản. “Các loại nông sản được đưa về như su hào, cà rốt, củ cải, ổi... đều đã được kiểm dịch đạt tiêu chuẩn trước khi đến tay người dân. Mọi người khi mua hàng đều cảm thấy rất vui vì đã góp phần giúp đỡ người dân tại vùng dịch bệnh”, bạn Hà Phương chia sẻ.

Trên facebook không còn là những dòng trạng thái ẩn ý “đòi quà”, trong mỗi gia đình là cắt giảm những chuyến đi, những buổi hẹn hò. Giờ đây, câu chuyện của các chị em là giải cứu nông sản, là vun vén bữa cơm gia đình, là mang những món quà giản dị mà ý nghĩa để dành tặng cuộc sống. Những mẩu chuyện nhỏ trên đây, chỉ là vài chấm phá về đời sống chị em lúc này, nhưng cũng đủ để chúng ta nhận ra: Những điều các chị đang làm, giản dị mà rất đẹp! Đâu cần phải có hoa, phải được tặng quà, chính chị em đang làm đẹp chính mình, khiến cuộc sống xung quanh đẹp hơn và thật sự ý nghĩa!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Báo động tội phạm “trẻ hóa”

Báo động tội phạm “trẻ hóa”

(PNTĐ) - Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đáng lo ngại là các vụ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ gây ra tác động tiêu cực đến cá nhân người phạm tội, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình và cộng đồng xung quanh.