Quan tâm để người khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự chung tay chăm sóc người khuyết tật từ các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng đã góp phần tạo động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp người khuyết tật khởi nghiệp

Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mai và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đắk Lắk) bị khuyết tật vận động. Dù vậy, Bảo đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí bằng kênh Youtube B-One Multimedia. Chàng trai trẻ đã hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk khó khăn có việc làm ổn định. “Công ty của Bảo hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và tặng nhiều suất quà tới trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”, Bảo nói.

Dương Đình Bảo chia sẻ: “Trước đây, tôi luôn mặc cảm với hai từ khuyết tật. Năm 2015, bị tai nạn, tôi hụt hẫng, sau đó đi xin việc nhưng rất khó khăn. Tôi thấy nếu người ta thương mình thì mới nhận, còn lại bị khuyết tật rất khó hoà nhập. Năm 2016, tôi thành lập công ty về thiết kế đồ hoạ, tự chủ phát triển kinh tế và đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh.

Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục nghìn người theo dõi. Nay, công ty có 15 máy đào tạo online và offline. Tôi rất muốn kêt nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho người khuyết tật, cũng như những người yêu thích đồ họa”.

Là một người sáng lập ra Trung tâm Nghị lực sống – một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật thông qua đào tạo nghề công nghệ thông tin miễn phí và các kỹ năng giúp người khuyết tật tìm được việc làm phù hợp, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống chia sẻ: Suốt 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực sống đã đào tạo miễn phí cho hơn gần 2.000 học viên, hằng năm đã hỗ trợ việc làm cho 60 - 70 người khuyết tật. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam có đến 6,2 triệu người khuyết tật nhưng trong số đó rất ít người có công ăn việc làm với thu nhập ổn định.

Quan tâm để người khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống - ảnh 1
Người khuyết tật cần được quan tâm, động viên từ cộng đồng.

Chị Vân kể, cách đây 17 năm, khi đi đến nhà hàng, các cơ quan, doanh nghiệp tại Hà Nội, chị nhận thấy gần như không có một nhân viên nào là người khuyết tật. Việc làm và tạo thu nhập cho người khuyết tật vẫn luôn là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam khi mà một tỷ lệ lớn người khuyết tật vẫn đang thất nghiệp, còn đối với hầu hết số người có việc làm thì công việc bấp bênh, không thuộc thị trường chính thức, thu nhập thấp. Những trăn trở đó đã thôi thúc chị cùng đội ngũ của Trung tâm Nghị lực sống luôn nỗ lực giúp đỡ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế hòa nhập toàn diện vào cộng đồng.

Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội.

Theo bà Thụy, thực tế, công nghệ hiện đại ngày nay đang dần thay thế sức lao động của con người. Nhờ những công nghệ hiện đại mà khoảng cách định kiến của xã hội với người khuyết tật đang ngày càng thu hẹp lại thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp tiện lợi, sử dụng trí tuệ nhiều hơn. Đặc biệt cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật cũng cực kì nhiều, nhất là trong thời đại việc khởi nghiệp và người khuyết tật đều được tạo điều kiện phát triển như hiện nay.

Chỉ ra những thực tế hiện nay, bà Thụy cho rằng: Những ngành như lập trình, thiết kế đồ họa là lĩnh vực nổi trội và được các nhà tuyển dụng săn đón. Điều đó có nghĩa người khuyết tật có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên sẽ cơ hội có việc làm là khá cao. Ưu điểm của công việc trong lĩnh vực lập trình, thiết kế đồ họa là đề cao sản phẩm, thành phẩm mà không quan trọng đến khiếm khuyết cơ thể hay vấn đề sức khỏe kém. Ngoài ra những công việc như chăm sóc khách hàng, chăm sóc fanpage, hỗ trợ trên các sàn giao dịch điện tử cũng ngày càng phổ biến và đa dạng hơn…

“Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật. Hai bên cùng có sự trao đổi sẽ đạt được kết quả tốt nhất”, bà Thụy gợi mở.

Quan tâm để người khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống - ảnh 2
Các tấm gương nghị lực được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt”.

Vinh danh nhiều tấm gương vươn lên trong cuộc sống

Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức, nhằm tuyên dương các gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu giàu nghị lực, vươn lên từ nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp cho cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Sau 10 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 164 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đây là những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng người khuyết tật. Tuy hoàn cảnh sống, công việc của mỗi người khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là tinh thần không cam chịu hoàn cảnh, nỗ lực vượt qua rào cản khiếm khuyết về thể chất, tổn thương về tinh thần để khẳng định giá trị bản thân, đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội.

“Thành tích vượt lên chính mình để thay đổi cuộc sống là niềm cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng cho hàng triệu người khuyết tật nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, vững tin vào cuộc sống. Điều giản dị đó chính là việc làm có ích của các em, các cháu đóng góp cho cộng đồng và xã hội”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác người khuyết tật trong thời gian tới, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong Chỉ thị 39-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; thực hiện tốt Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật để mọi người khuyết tật đều được tiếp cận ưu đãi về các lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là giáo dục, y tế, dạy nghề, việc làm…

Đồng thời, những tấm gương tiêu biểu được tuyên dương cũng sẽ hun đúc thêm ý chí vượt khó vươn lên, truyền cảm hứng để hàng triệu người khuyết tật trong cả nước tự tin, vượt qua mọi rào cản, nỗ lực cao hơn nữa để hòa nhập với xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.