Quê hương nhớ Bác
(PNTĐ) - Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ra đi là một nỗi mất mát vô cùng to lớn, cả nước hoà vào cùng chung một nhịp đập, cùng hướng về “một vì sao vừa tắt”.
Thêm nỗi đau, đất nước lại nghiêng mình
Tiễn biệt người - một vì sao vừa tắt
Thiên, địa, nhân hoà vào trong nước mắt
Cả nước thầm gọi bác, bác Trọng ơi!
Nhân, trí, dũng hoà vào một con người
Thành vĩ nhân giữa Nhân dân thuần phác
Bác là dân như mọi người dân khác
Đến vô cùng, cái giản dị, thanh tao
Tóc bạc phơ, chưa ngơi nghỉ ngày nào
Nhớ quê nhà, gần mà xa, đau đáu
Vẫn ước ao quây quần bên con cháu
Không kịp rồi, dễ mà khó làm sao
Cả một đời, chẳng nghĩ ở trên cao
Giữa lòng người, chỉ lo cho đất nước
Trọn một đời, hết lòng vì Tổ quốc
Xa cuộc đời, để lại bóng thiêng liêng
Bác đi về phía thế giới người hiền
Trăm triệu con tim vẫn dõi theo bóng bác
Di sản bác trao sẽ mãi là kiệt tác
Đất nước nghiêng mình, nhớ bác, bác Trọng ơi!
Đông Anh, 20/7/2024
Hoàng Kế Khiêm
Ngày 19 tháng 7 năm 2024, một trái tim lớn đã ngừng đập, dân tộc Việt Nam mất đi một người lãnh tụ vĩ đại, mảnh đất Đông Anh mất đi một người con ưu tú, để lại biết bao nỗi xót thương cho hàng triệu trái tim. Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ra đi là một nỗi mất mát vô cùng to lớn, cả nước hoà vào cùng chung một nhịp đập, cùng hướng về “một vì sao vừa tắt”.
Bài thơ “Quê hương nhớ bác” do tác giả Hoàng Kế Khiêm viết tại Đông Anh, quê hương của Tổng Bí thư vào ngày 20/7/2024 là những dòng tâm sự thể hiện niềm tiếc thương vô hạn của người dân đối với Người.
Mở đầu bài thơ là dòng cảm xúc được Hoàng Kế Khiêm chia sẻ với đồng bào:
Thêm nỗi đau, đất nước lại nghiêng mình
Tiễn biệt người - một vì sao vừa tắt
Đất nước nghiêng mình tiễn biệt người con ưu tú, cả đất trời, vạn vật “hoà vào trong nước mắt”, đau thương đến thế, xót xa chẳng nói nên lời, chỉ “thầm gọi bác, bác Trọng ơi!” đúng như tiếng lòng của người viết.
Bằng thế thơ tám chữ, những dòng tâm sự của người viết như đưa mỗi chúng ta được bình tâm, suy ngẫm lại những hi sinh, cống hiến của bác:
Nhân, trí, dũng hoà vào một con người
Thành vĩ nhân giữa Nhân dân thuần phác
Cuộc đời của bác “nhân, trí, dũng” hội tụ khiến ta ngưỡng mộ, kính nể. Sang khổ thơ thứ ba, những lời thơ không hoa mĩ, cầu kì, bóng bẩy nhưng với với sự giản dị, chân thành mà sâu sắc, dường như Hoàng Kế Khiêm đã tạc lại dáng hình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bóng dáng của một người cộng sản, suốt đời vì dân vì nước:
Tóc bạc phơ, chưa ngơi nghỉ ngày nào
Nhớ quê nhà, gần mà xa, đau đáu
Lão niên có mái tóc “bạc phơ” cứ tận tuỵ phụng sự Tổ quốc, nhân dân “chưa ngơi nghỉ ngày nào”. Xót xa biết mấy khi tâm nguyện cuối đời của Tổng Bí thư là được trở về nơi mình sinh ra, bên những gì vốn gần gũi với mình thuở thiếu thời “ước ao quây quần bên con cháu” mà “không kịp rồi”!
Vẫn với dòng cảm xúc ấy, nhà thơ đã giúp ta cảm nhận được ở Tổng Bí thư những phẩm chất quý báu:
Cả một đời, chẳng nghĩ ở trên cao
Giữa lòng người, chỉ lo cho đất nước
Cả cuộc đời mình, nhà cộng sản mẫu mực, chân chính, giản dị ấy luôn trăn trở, tâm huyết, cống hiến không biết mệt mỏi đến những giây phút cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đoạn kết bài thơ là cao trào cảm xúc của Hoàng Kế Khiêm:
Bác đi về phía thế giới người hiền
Trăm triệu con tim vẫn dõi theo bóng bác
Trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân Việt Nam, dường như hình bóng bác vẫn còn đây, chỉ là “đi về phía thế giới người hiền” để gặp các vĩ nhân đáng kính: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, các bậc tiên tổ. Câu thơ “Trăm triệu con tim vẫn dõi theo bóng bác” như một lời khẳng định, bác sẽ sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Di sản bác trao sẽ mãi là kiệt tác
Đất nước nghiêng mình, nhớ bác, bác Trọng ơi!
Tác giả đã phải rất kỹ càng khi lựa chọn sử dụng hai từ “kiệt tác”. Là người học trò xuất sắc, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di sản mà Tổng Bí thư để lại chính là lòng yêu nước, hết mình vì tổ quốc, là cái tâm sáng của người cộng sản, là danh dự sống, quyết tâm không lùi bước trước cái xấu, cái sai. Trên hết thảy, còn là một phong cách sống giản dị, chân tình với quê hương, với bạn bè, đồng chí, là ân tình sâu nặng với dòng tộc.
Trong khổ thơ cuối, tác giả nhắc lại cụm từ “đất nước nghiêng mình” đã được sử dụng ở khổ thơ đầu, một lần nữa bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn của người dân Việt Nam dành cho vị Tổng Bí thư đáng kính của Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng những tư tưởng, quan điểm của đồng chí sẽ mãi là “kim chỉ nam” cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.