Quy định về người thụ hưởng thuộc hàng thừa kế thứ hai
(PNTĐ) -
Câu hỏi:
Vừa qua, gia đình anh H, chị M, bố mẹ chị M và 3 con đều chết trong một vụ tai nạn. Ngoài chị M, bố mẹ chị M vẫn còn một người con trai. Anh H vẫn còn mẹ đẻ và một người em trai. Được biết ông bà nội, ngoại của chị M đều đã chết. Người thân của gia đình anh H muốn biết: Quyền thừa kế tài sản của anh H, chị M cùng 3 người con thuộc về ai? Quyền thừa kế tài sản của bố mẹ chị M thuộc về ai? Mẹ chồng của chị M có được hưởng thừa kế của con dâu không? Pháp luật có quy định về việc thờ cúng đối với gia đình anh H, chị M trong tình huống này?
Nguyễn Thúy Lan (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời:
Nếu anh H, chị M không để lại di chúc, thì tài sản của anh H, chị M được chia theo pháp luật. Theo Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, những trường hợp thừa kế theo pháp luật gồm:
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
Chiếu theo quy định của pháp luật, trong tình huống mà chị đã nêu trên, thì sẽ có những sự kiện pháp lý sau đây:
(i) Đối với anh H, nếu bố mẹ của anh còn sống thì hàng thừa kế thứ nhất thuộc về bố mẹ của anh, vì vợ và các con của anh đã chết cùng một thời điểm;
(ii) Đối với chị M: Hàng thừa kế thứ nhất của chị M gồm bố mẹ đẻ, chồng và các con của chị M. Trong vụ tai nạn xảy ra, bố mẹ chị M cùng chồng và các con đã chết cùng một thời điểm, như vậy thì hàng thừa kế thứ nhất của chị M sẽ không còn ai;
(iii) Đối với 3 cháu là con chung của anh H và chị M, nếu các cháu có tài sản, thì hàng thừa kế thứ nhất của các cháu là bố mẹ đẻ của các cháu, nhưng bố mẹ các cháu đã chết cùng một thời điểm thì người được hưởng tài sản đó thuộc về người ở hàng thừa kế thứ hai.
Theo quy định tại Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Chiếu theo những quy định trên thì bố mẹ anh H được hưởng tài sản theo hàng thừa kế thứ nhất của anh H vì vợ và các con của anh H đã chết cùng thời điểm; bố mẹ anh H không được hưởng thừa kế của chị M, vì pháp luật không có quy định bố mẹ chồng được hưởng thừa kế theo pháp luật của con dâu.
Tài sản của chị M: Những người thuộc Tài sản của các cháu con chị M, anh H được để lại cho hàng thừa kế thứ nhất của các cháu. Trong trường hợp này, anh H, chị M là bố mẹ đẻ của các cháu đều đã chết. Như vậy tài sản thừa kế của các cháu thuộc về hàng thừa kế thứ hai, là ông bà nội và ông bà ngoại (bố mẹ của anh H và bố mẹ của chị M). Trong tình huống này, ông bà ngoại và anh chị em ruột của các cháu đã chết, như vậy thì hàng thừa kế thứ hai của các cháu chỉ còn ông bà nội của các cháu - là bố mẹ của anh H.
Hàng thừa kế thứ nhất của chị M gồm: Bố, mẹ, chồng và các con đều đã chết, do vậy, người thuộc diện thừa kế thứ hai của chị M là anh trai. Trong hàng thừa kế thứ hai của chị M ngoài anh trai chị M ra thì không còn ông bà nội, ngoại và không còn anh chị em nào khác, do vậy, anh trai chị M là người được quyền thừa kế duy nhất của chị M.
Việc thờ cúng ở nước ta thì pháp luật không quy định, thường theo phong tục tập quán của từng địa phương. Thông thường người con trai trong gia đình đảm nhiệm trách nhiệm thờ cúng, tuy nhiên con nào cũng có quyền được thờ cúng bố mẹ. Về trường hợp bạn hỏi, theo tục lệ của từng địa phương, có nhiều nơi người con gái chưa lập gia đình thì anh trai, em trai sẽ thờ cúng, khi người phụ nữ đã kết hôn, thì việc thờ cúng thuộc về gia đình nhà chồng.