Quy định về tổ chức và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh
(PNTĐ) - Con tôi đang học cuối cấp tại một trường THCS. Vào đầu mỗi năm học, Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức thu quỹ tự nguyện để chi dùng vào hoạt động chung của lớp. Xin hỏi, Ban này hoạt động theo nguyên tắc nào? Có do giáo viên chủ nhiệm chỉ định không? Việc sử dụng kinh phí có phải hạch toán công khai không? Một bạn đọc ở quận Cầu Giấy

Trả lời:
Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 01 năm 2012. Nguyên tắc tổ chức của Ban này được thực hiện theo nội dung Điều 2 của Điều lệ kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.
“Điều 2.
1.Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục”.
Theo các quy định trên, BPH của lớp không do giáo viên chủ nhiệm chỉ định, mà do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh cử ra và phải được thể hiện bằng văn bản của cuộc họp, thể hiện sự đồng thuận của cha mẹ học sinh (hoặc cũng có thể theo số đông của toàn thể Hội nghị cha mẹ học sinh, nhưng phải được ghi vào biên bản). Chi tiết hoạt động của BPH được thực hiện theo nội dung của khoản 3, 4, 5 Điều 3 của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh:
“Điều 3
3. Nhiệm kỳ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường là một năm học; các Ban đại diện cha mẹ học sinh hết nhiệm kỳ khi bắt đầu năm học tiếp sau, riêng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cuối cấp học hết nhiệm kỳ khi kết thúc năm học.
4. Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể thay đổi, bổ sung khi cần thiết theo đề nghị của trưởng ban. Việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp do toàn thể cha mẹ học sinh lớp quyết định; việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh trường do toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường quyết định.
5. Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Các nội dung thảo luận, thống nhất trong Ban đại diện cha mẹ học sinh được ghi trong biên bản cuộc họp”.
Việc đóng quỹ của cha mẹ học sinh hoàn toàn do tự nguyện theo điểm c, khoản 2, Điều 8 của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh: “Từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ nếu bản thân không tự nguyện.”
Tuy nhiên, khoản tiền tự nguyện đóng góp cho quỹ của cha mẹ học sinh phải công khai minh bạch, tuân thủ theo đúng nội dung của khoản 2 Điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT mà Bộ GD-ĐT đã ban hành:
“Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:
2. Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh:
a) Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;
b) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
3. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”.