Rét nàng Bân
(PNTĐ) -
Đã vắng em thật rồi, em ạ!
Mùa xuân vàng từng góc phố nhớ em
Anh lẩn quẩn vòng vèo như chiếc lá
Ngày không em, gió cuộn mãi bên thềm
Hà Nội rét bởi lòng anh quá rét
Gót lang thang xuống tận phố Hà Đông
Ngày Văn Quán, vật vờ chiều Yên Phúc
Mắt nhớ người như phố chửa xây xong
Anh nghe rõ lời em qua di động
“Hết rét nàng Bân là nắng ấm lên rồi!...”
Lời em nói như truyền từng hơi nóng
Nghe hồn mình thắp nắng mới tinh khôi
Đã vắng em thật rồi, em ạ!
Bao hình dung nhốt chật cả chiều nay
Phố nhớ em, nghiêng hàng cây chờ đợi
Ngày em về... hoa nắng hái đầy tay.
Nguyễn Lãm Thắng

LỜI BÌNH
Bài thơ được bắt đầu bằng một lời yêu vang lên trong tâm hồn. Cô gái nào có nghe thấy, vậy mà anh vẫn thốt lên: “Đã vắng em thật rồi, em ạ!”. Nhưng vắng và nhớ như thế nào trong một ngày cuối xuân của Hà Nội thì chúng ta phải bắt đầu cảm nhận từng câu, từng chữ:
Đã vắng em thật rồi, em ạ!
Mùa xuân vàng từng góc phố nhớ em
Anh lẩn quẩn vòng vèo như chiếc lá
Ngày không em, gió cuộn mãi bên thềm
Cuối xuân, màu xanh đã phai nhạt, không gian đã vắng và tâm hồn còn hoang vắng hơn. Bởi thế, trên bốn dòng thơ, ta nhận ra sự mất liên lạc từ một chữ “không”. Khi cơn gió “cuộn” tròn, khi chàng trai “lẩn quẩn”, ta thấy mùa xuân đã mang một tâm trạng bứt rứt, bối rối. Thế mới biết, nỗi nhớ có một sức mạnh như thế nào:
Hà Nội rét bởi lòng anh quá rét
Gót lang thang xuống tận phố Hà Đông
Ngày Văn Quán, vật vờ chiều Yên Phúc
Mắt nhớ người như phố chửa xây xong
Và bây giờ, chủ đề chính của bài thơ mới bắt đầu, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã khẳng định nguồn cội của cái rét ấy khác với gió nàng Bân của đất trời: “Hà Nội rét bởi lòng anh quá rét”. Và rồi, những “lang thang”, “vật vờ”, “mắt nhớ”… đã “tố cáo” rằng “quá rét” ấy chính là: Quá nhớ, quá mong người yêu thương đó thôi. Khác với những chàng trai trong ca dao, khác với thi sĩ trong thơ mới, con người của thời đại công nghệ có một cách nhớ nhau thật khác biệt:
Anh nghe rõ lời em qua di động
“Hết rét nàng Bân là nắng ấm lên rồi!...”
Lời em nói như truyền từng hơi nóng
Nghe hồn mình thắp nắng mới tinh khôi
Cô gái ấy chắc hẳn hiểu lòng anh lắm nên mới nhắn gửi một ẩn dụ như thế: “Hết rét nàng Bân là nắng ấm lên rồi!...”. Đọc lên, ai cũng hiểu “nắng ấm” ấy chính là ngày gặp lại, ngày tươi sáng và bản thân cô chính là nắng của lòng anh. Quả nhiên, chỉ cần nhận được tín hiệu đó, trái tim anh đã “giải mã” thành một niềm tin như thế: “Nghe hồn mình thắp nắng mới tinh khôi”. Nắng mới được “thắp” lên như ngọn lửa, như ánh nến đêm tiệc mà họ gặp lại nhau trong đêm tình yêu.
Đã vắng em thật rồi, em ạ!
Bao hình dung nhốt chật cả chiều nay
Phố nhớ em, nghiêng hàng cây chờ đợi
Ngày em về... hoa nắng hái đầy tay.
Khổ thơ cuối cùng, anh đã nhận ra lòng anh đầy ắp hình ảnh nhớ, cảm xúc nhớ. Ngày em về, nắng đã đầy ắp đất trời và tâm hồn: “Ngày em về... hoa nắng hái đầy tay”.
Bài thơ có tên Rét nàng Bân nhưng đọc lên ta chỉ thấy ấm áp, náo nức, bồi hồi… những “gam” ấm áp của một bức tranh tâm hồn tương tư, của một người đang yêu. Thơ Nguyễn Lãm Thắng nhẹ nhàng, tinh tế, đầy ắp các địa danh và đem đến cho những người yêu thơ một sự thi vị. Anh cũng quên đem đến cho những đôi lứa đang yêu một niềm tin và hy vọng…