Rổ rá cạp lại

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lần đầu tiên tôi nghe câu nói này: “Rổ rá cạp lại” là khi anh họ tôi sau khi ly dị với vợ cũ đã cưới một chị cũng đã qua một đời chồng. Cả hai đều đã có con riêng và đều nhận nuôi con. Hai người thương nhau và quyết định về ở với nhau mà cũng chẳng làm đám cưới gì sất. Họ chỉ ra phường làm cái giấy đăng ký kết hôn.

Tôi nghe cái câu “rổ rá cạp lại” từ những người cùng khu phố. Hồi ấy tôi bé nên cứ bô bô về bảo: Anh Ngọc với chị Ngà là phường rổ rá cạp lại. Bố mẹ tôi lúc ấy mắng tôi một trận vì nói linh tinh. Anh chị thì không mắng, chỉ buồn. Buồn lắm. Mãi sau này tôi mới biết lý do là vì chị Ngà chồng chết chưa được 3 năm đã đi lấy chồng khác nên bị ghét. Anh Ngọc cũng bị ghét lây vì vừa xấu trai nhưng lại lấy được vợ xinh. Tôi thì chẳng tin đó là lý do khiến họ bị nói vậy.

Lớn hơn, tôi chứng kiến nhiều cặp đôi “rổ rá cạp lại” như thế. Mỗi người một lý do. Nhưng hầu hết tôi đều ngạc nhiên tột cùng khi mà không chỉ các bà, các cô mà nhiều anh, chú cũng nhún vai khi nói về những người có hoàn cảnh như thế. Tóm lại, vẫn là những ai ly dị - chủ động ly dị đều là thứ chả ra cái thể thống gì.

Nếu có thời gian lên mạng mà google xem, thật nhiều, thật nhiều những câu chuyện “rổ rá cạp lại”. Mà sao nhiều câu chuyện lại đầy oan trái, nước mắt và cả sự đáng thương nữa. Cứ như thể “rổ rá cạp lại” là chuyện thật tệ hại vô cùng. Nhiều người tin rằng “rổ rá cạp lại” lại có thể hạnh phúc cả. Hoặc ít ra, ít người nghĩ họ như những cặp đôi bình thường khác. Họ luôn bị coi là bất thường. Ly dị như một cái “án tích” treo mãi, treo mãi trong đời những ai đã từng đổ vỡ vậy.

Rổ rá cạp lại - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Tôi giận lắm khi đọc một số comment của đôi người dưới bức ảnh một cặp đôi hạnh phúc một lần nữa. Đáng sợ là một số người đàn ông được vợ tag vào bài viết thì comment một cách thô lỗ, thiếu văn minh rằng: Ôi dào, rổ rá cạp lại thôi em.

“Rổ rá cạp lại”. Những người đàn ông ấy ắt hẳn muốn vợ họ nếu có muốn ly dị chồng thì hãy nhìn đi, thiên hạ sẽ xử người phụ nữ ấy như thế nào? Hoặc cũng có thể họ “lặp lại” như một con vẹt “lời các cụ dạy”.

Lại có câu đùa tếu (mà ác) rằng: "Anh ơi, con anh, con em đánh con chúng ta". Đùa thế mà thương lũ trẻ. Những đứa con từ nhỏ bị nhồi nhét hai chữ "dì ghẻ" mà bất hợp tác với mẹ kế của mình. Những đứa con xấu hổ khi người lớn nói bố mẹ chúng là "rổ rá cạp lại". Những đứa con ấy mơ một điều giản dị thôi là mẹ ruột hay mẹ kế vẫn là mẹ - một lòng kính ngưỡng yêu thương. Chứ không phải hứng chịu thêm những lời bông đùa ác độc hay những lời phán xét từ người lớn.

Tôi không biết có bao nhiêu người phụ nữ đang đọc bài viết này của mình, đang có ý định ly dị nhưng vì cái câu “rổ rá cạp lại” kia mà không dám bứt ra? Bao nhiêu người đã trải qua một lần đổ vỡ nhưng không dám tiếp bước “tập 2” cũng vì sợ cái câu “rổ rá cạp lại” nọ? Bao nhiêu người cứ vậy mà sống, nhốt ham muốn được hạnh phúc lần nữa vào sâu trong ngực chỉ vì nếu nói ra sẽ lại bị người thân nói câu: Rổ rá cạp lại. Tôi thực không biết. Thực muốn rằng mình không biết một ai như thế!

Bởi tôi vẫn tin vào việc người ta có thể hạnh phúc thêm một lần nữa bất kể họ đã từng hạnh phúc lần nào trước đó chưa hoặc đã từng hạnh phúc hay đã từng tưởng rằng mình là người hạnh phúc nhất. Những người vì yêu si mê mà cưới rồi cưới về si ấy, mê ấy thành ngu si - thành mê lộ không lối thoát.

Những người ngày cưới tin rằng đó là lần duy nhất trong đời của họ vậy mà nửa đường đứt gãy. Nhiều lắm chứ những người như thế. Để rồi “big bang”- cú nổ lớn tan hoang. Như con chim từng suýt chết, sợ cả ngọn gió thoảng qua, đậu vào cành hơi cong đã hãi, quên mất rằng mình có một đôi cánh để bay lên cao, chỉ loay hoay với cành cây dưới chân mình mong manh yếu ớt.

Bởi tôi tin vào việc người ta có quyền mưu cầu hạnh phúc, tin thêm lần nữa vào hạnh phúc lần nữa. Chứ không phải cứ lần lữa với hạnh phúc đời mình chỉ bởi một câu “rổ rá cạp lại”.

Không! Tôi là ai mà dám xoá sổ đi câu nói “tiền nhân”? Chỉ là theo tôi, đừng dùng câu đó nữa mà làm tổn thương những cuộc hôn nhân tiếp nối này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.