“Sen vàng làng Trạch Xá”
(PNTĐ) - "Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay". Đó là những câu thơ trong bài thơ “Tương tư” mà nhà thơ Nguyên Sa đã viết khi đến thăm làng Trạch Xá, ngôi làng nghề may áo dài truyền thống hơn 1.000 năm tuổi ở Hà Nội.
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60km, làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội nằm giữa hai con sông, sông Châu Giang và sông Đáy nên bốn mùa dâu xanh lúa tốt. Mảnh đất màu mỡ này là nơi khai sinh ra nghề may áo dài truyền thống nổi tiếng từ cả ngàn năm nay của đất Thăng Long. Tương truyền, tổ nghề là bà Nguyễn Thị Sen, một cô thôn nữ giỏi vá may người làng Trạch Xá.
Bà được tuyển vào cung làm Tứ phi, chuyên lo việc may mặc cho toàn bộ triều đình, đặc biệt là cắt may áo dài cho các cung tần mỹ nữ và công chúa trong triều. Khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, bà đã xuất cung trở về quê hương Trạch Xá và truyền dạy cho người dân nghề may áo dài. Từ đó nghề may áo dài của làng nổi tiếng khắp nơi.
Sau khi bà mất, dân làng tôn bà làm Thành hoàng làng và lập đền thờ, gọi bà là Thánh sư, Tổ nghề may áo dài. Trong đền thờ Tổ nghề ở làng Trạch Xá vẫn còn ghi khắc những câu thơ ghi nhớ công ơn của bà: “Rạng rỡ vầng trăng soi/ Sen vàng làng Trạch Xá/ Nghĩa cả khắc muôn đời/ Ơn sâu ghi vạn thế”.
Có một điều đặc biệt là theo tục xưa của làng, nghề may chỉ truyền cho đàn ông. Bởi vậy khi đến với làng Trạch Xá ta có thể bắt gặp rất nhiều những bác thợ cả “cầm kim tay dọc” là nam giới. Những chàng trai Trạch Xá tài hoa đã mang nghề áo dài đi khắp nơi, tạo nên một thương hiệu riêng cho làng. Khi mở các tiệm may họ đề lấy chữ “Trạch” để đặt tên cho cửa hiệu của mình.
Các tiệm may của người Trạch Xá không bao giờ bị lẫn với ai không chỉ vì chữ “Trạch” mà còn vì chiếc áo dài của làng Trạch Xá luôn giữ được nét riêng. Dù áo được may thủ công nhưng mũi chỉ vẫn đều, thẳng tắp, tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.
Dù trải qua bao thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Làng Trạch Xá vẫn giữ kiểu áo dài truyền thống là áo dài cổ ngũ thân, hay còn gọi là áo dài 5 tà. Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi thợ may phải rất kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến họa tiết trang trí. Điều này đòi hỏi người thợ may phải đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”.
Tất cả các sản phẩm của làng Trạch Xá đều được khâu tay. Khác với cách khâu thông thường, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc độc đáo. Người Trạch Xá khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện phải là “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, tức là mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp như trứng nhện.
Ở Trạch Xá các nghệ nhân không chỉ may áo dài cho nữ giới, mà còn may cả áo dài cho nam giới. Mẫu áo nam được thiết kế phỏng theo những mẫu áo xưa đã từng được thợ may Trạch Xá dựng cho vua Bảo Đại và các quan lại triều Nguyễn.
Người Trạch Xá luôn tự hào với nghề truyền thống của mình và vẫn đang cố gắng để phát huy và truyền dạy cho con cháu. Ngày nay, nhờ quan niệm về bình đẳng giới, nghề may không chỉ truyền lại cho đàn ông nữa, mà phụ nữ cũng được truyền nghề. Cùng với sự bùng nổ thông tin áo dài của làng Trạch Xá đã được nhiều người biết đến hơn. Rất nhiều khách thập phương, có cả những khách nước ngoài tìm đến làng để tìm hiểu làng nghề và mua áo dài.
Về Trạch Xá hôm nay, ta có thể nhớ về câu hát: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”. Có lẽ người nghệ nhân nơi đã thấm thía những câu hát ấy trong mỗi lần vạch những đường cong trên tấm lụa, những bàn tay khéo léo của người Trạch Xá vẫn nhẹ nhàng gửi hồn dân tộc qua từng đường kim mũi chỉ tạo nên những tà áo dài mềm mại như hương lúa, hương sen.