Sinh con gái, “hái” niềm vui

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều gia đình sinh con 1 bề là gái vẫn luôn hạnh phúc, đồng thuận để nuôi dạy con tốt. Các bé gái chăm ngoan, học giỏi. Điều này khẳng định rằng, hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con gái hay con trai mà chính là cùng quan tâm yêu thương, giáo dục, vun đắp cho tương lai của các con như thế nào.

Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ

Nhiều năm nay, hai chị em Vương Thị Ngọc Lan, học sinh lớp 8 trường THCS Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Vương Thị Thuỳ Linh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Minh Khai đều là học sinh chăm ngoan, học giỏi. Mỗi ngày, Ngọc Lan tranh thủ thời gian học tập ở trên lớp, tiếp thu bài giảng của thầy cô truyền thụ để về nhà còn có thời gian giúp đỡ việc nhà và kèm em gái học tập tiến bộ. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, bố làm xe ôm tự do, mẹ may gia công ở nhà, cả bố mẹ đều sức khoẻ yếu, nhiều bệnh tật nhưng tổ ấm của Ngọc Lan, Thuỳ Linh luôn đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc.

Chị Từ Thị Bảy, mẹ Ngọc Lan và Thuỳ Linh cho biết, gia đình còn khó khăn nhưng anh chị luôn cố gắng để hai con ăn học. Dù sinh con gái, cũng từng bị mọi người khuyên “sinh thêm đứa con trai” nhưng anh chị vẫn quyết định dừng lại ở hai con để nuôi con tốt, dạy con ngoan.

Gia đình chị Đỗ Thị Hoàng Yến và anh Hoàng Văn Tú, Tổ dân phố Viên 3, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. Hà Nội cũng sinh hai con gái là em Hoàng Minh Huyền và Hoàng Ngân Hà. Chị Yến là giáo viên mầm non, nên luôn cố gắng dạy bảo con tốt. Cháu Huyền học lớp 9 trường THCS Chu Văn An, luôn học tốt các môn, được học bổng của trường, được thầy yêu, bạn mến. Chị Hoàng Yến cho biết, vợ chồng chị luôn cố gắng đầu tư cho con học theo năng khiếu sở trường. Ngân Hà thích học đàn, học vẽ còn Minh Huyền lại thích học cầu lông. Các con đều thể hiện năng khiếu của mình và đã có một số giải thưởng. Năm 2022, Huyền thi giải cầu lông cấp thành phố, đạt giải Bạc.

Sinh con gái, “hái” niềm vui - ảnh 1
Chị Từ Thị Bảy và hai con gái. 

Căn nhà bốn tầng khang trang được thiết kế khá đẹp ở Tổ dân phố số 12, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trưng bày rất nhiều tranh vẽ và các huy chương của cô chị gái Vũ Minh Anh, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành và cô em Vũ Anh Thư, trường THCS Đoàn Thị Điểm. Cả Anh Thư và Minh Anh đều có năng khiếu hội hoạ được di truyền từ bố. Các em tham gia nhiều cuộc thi hội hoạ ở các cấp và đạt giải cao. Chị Vũ Thị Nhuần, mẹ hai bé mỉm cười: Các con còn tham gia vẽ tranh ở trường để đấu giá từ thiện. Chia sẻ về bí quyết nuôi dạy con, anh Vũ Tuấn Dũng mỉm cười: Với tôi, con trai hay con gái đều không quan trọng. Hai con gái của tôi rất tình cảm, ngoan ngoãn, thường xuyên tâm sự với bố mẹ. Tôi tự hào về các con và luôn nỗ lực làm điều tốt nhất cho các con.

Em Nguyễn Trà My, học sinh lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội) chia sẻ, em sinh ra và lớn lên trong một mái ấm gia đình có đầy đủ tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ. Gia đình em có hai chị em gái, bố kinh doanh tự do, mẹ là giáo viên. Những năm qua, Trà My và chị gái đều là những học sinh ngoan, học giỏi, luôn nhận được biểu dương, khen thưởng của địa phương, nhà trường. Chị gái Trà My là một học sinh có thành tích tốt trong các kỳ thi của trường. Bản thân cô bé cũng luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Năm học 2022-2023, Trà My thi vào lớp 10 đỗ điểm cao ở các trường THPT chuyên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Trà My cho biết: “Chúng em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt trong suốt chặng đường phát triển để đến khi trở thành những người phụ nữ có năng lực hòa nhập tốt với sự hiện đại của đất nước. Trước mong mỏi ấy, chúng em đã nhận thấy sự quan tâm của các ban/ ngành, của nhà trường, thầy cô và cả cha mẹ trong thời gian qua. Thông qua những hoạt động tuyên truyền về cân bằng giới, bình đẳng giới, về kế hoạch hóa dân số, hay những buổi chăm sóc sức khỏe tuổi vị thành niên đã đi vào trường học và sinh hoạt địa phương…”.

Biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Ngày nay, ở nhiều gia đình sinh con một bề là gái đã vượt qua định kiến giới và quan niệm phải có con trai để cùng nhau vun vén, xây dựng hạnh phúc. Với họ, dù trai hay gái, chỉ cần sinh con khoẻ mạnh, nuôi dạy con ngoan hiền, học giỏi là đã đủ đầy, viên mãn. Anh Nguyễn Hồng Lam, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bố em Nguyễn Trà My cho biết: Vợ sinh hai con gái, anh đều vui và hạnh phúc. Có nhiều người khuyên vợ chồng anh sinh thêm rồi lựa chọn giới tính thai nhi cho “đủ nếp đủ tẻ”, hoặc “đầu tư cho con gái là không có lãi”, nhưng anh thì không, chỉ cần các con học giỏi, thành đạt, lo cho cuộc sống của mình thật tốt là được.

 “Tôi luôn nói với con: Bố sẽ luôn đồng hành cùng con, đưa đón, che chở cho các con. Khi nào các con gái cần, bố sẽ có mặt. Thế nên, hồi Trà My học lớp 6, khi đến trường đón con, cô bé chạy ra ôm lấy bố, hai bố con khoác tay nhau về trước sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ của bạn bè cô bé. Cô bé luôn tự hào với bạn: “Bất cứ điều gì cũng chia sẻ được với bố” – anh Lam nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lân, sinh năm 1955, bà nội Trà My cũng mỉm cười: Thấy các con sinh hai con gái, tôi cũng động viên các con rằng trai gái đều được, không sao, chỉ cần hai con thôi để nuôi dạy các cháu đàng hoàng, tử tế.

Sinh con gái, “hái” niềm vui - ảnh 2
Em Nguyễn Trà My cùng ông bà và bố mẹ

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số/kế hoạch hoá gia đình/chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em. 9 tháng năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Do đó, nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn, phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

Để nâng cao vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn Thủ đô, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh hiện nay về mức cân bằng tự nhiên (107 trẻ trai/100 trẻ gái) vào năm 2025 và tập trung nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.

Chị Phan Kiều Anh, cán bộ chuyên trách dân số phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 30.870 dân số đang quản lý, hiện tại, số cặp vợ chồng sinh con 1 bề cả trai và gái là 570 cặp, gái là 278 cặp. Tỷ lệ giới tính khi sinh là 108 trẻ trai/100 trẻ gái. Để có tỷ lệ giới tính cân bằng đó, phường đã có nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách dân số đến từng hộ dân. Các cuộc thi cho trẻ em gái, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ… cũng được thực hiện thường xuyên. 31cộng tác viên dân số ở 13 tổ dân phố trên địa bàn phường đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền về chính sách dân số, tạo điều kiện cho bé gái phát triển toàn diện…

Bà Nguyễn Thị Cước, công tác viên dân số kiêm tổ trưởng tổ dân phố Viên 3, Cổ Nhuế cho biết, trên địa bàn tổ dân phố có khoảng 20 gia đình sinh con 1 bề là gái. Với những gia đình sinh hai con gái, bà cùng các cộng tác viên dân số khéo léo đến nhà thăm hỏi, chia sẻ niềm vui cùng gia đình, nắm bắt tư tưởng về việc có sinh tiếp con để lựa chọn giới tính hay không, từ đó khuyên bảo, giúp họ thay đổi tư tưởng, lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp, đảm bảo điều kiện cuộc sống gia đình và nuôi dạy con tốt. Nhờ thế, nhiều gia đình dù sinh hai con gái vẫn quyết định không sinh thêm con để đảm bảo nuôi dạy con tốt.

Thay đổi quan niệm từ những người có tiếng nói trong gia đình

Hiện nay, mặc dù tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã được cởi trói nhiều song quan niệm phải có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại, các gia đình luôn bị đòi hỏi phải sinh con trai trong nhà. Dù nhiều gia đình trẻ đã có ý thức về vấn đề này, nhưng sự thúc ép lại đến từ ông bà tổ tông nhiều hơn. Điều đó cho thấy, các định kiến xã hội về nam nữ này vẫn âm thầm tồn tại trong nền giáo dục hiện đại. Ở những vùng miền khác nhau, tư tưởng này cũng mang góc độ khác nhau. Khoa học đã chứng minh việc sinh con trai hay con gái phần lớn do nam giới quyết định, nhưng rất nhiều người vẫn đổ tội cho người phụ nữ bằng những lời lẽ miệt thị, coi thường.

Tư tưởng lạc hậu này sẽ kéo theo những nhận thức lệch lạc. Trong cơn “khát” con trai, rất nhiều gia đình tan vỡ vì chồng muốn tìm quý tử bên ngoài hay bố mẹ chồng ruồng rẫy con dâu, con cái sớm phải sống cảnh chia ly. Tư tưởng “khát con trai” cũng khiến cho nhiều gia đình tìm đến các dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi và sử dụng các dịch vụ phá thai, nguy cơ mất cân bằng giới tính lại tăng lên một cách đáng báo động.

Đánh giá về tâm lý ưa chuộng con trai trong các gia đình ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưng, Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, theo thống kê, 78% các cặp vợ chồng sinh con thứ hai trong vòng mười năm sau khi sinh con đầu. Với các cặp vợ chồng có con gái đầu lòng, xác suất sinh con thứ hai là 79,6%, cao hơn các cặp vợ chồng có sinh con trai đầu lòng (76%). Điều này chứng tỏ, các cặp vợ chồng dừng lại sau khi đã sinh 1 con trai phổ biến hơn trường hợp đã sinh 1 con gái. Xác suất sinh con thứ 3 của những cặp vợ chồng chưa có con trai cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng chỉ có con trai hoặc có cả con trai, con gái.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cũng cho rằng, không chỉ đơn thuần sinh con trai để nối dõi tông đường mà do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế, nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái, cộng thêm tập tục bố mẹ thường ở với con trai. Do đó, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi. Từ đó, người cao tuổi bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái.

Là người thường xuyên tuyên truyền vận động các hộ gia đình chấp hành các quy định về dân số - kế hoạch hóa gia đình, bà Nguyễn Thị Kim Phúc, cộng tác viên dân số tổ 7, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết: Hàng năm, các cộng tác viên dân số luôn rà soát, lập danh sách các hộ gia đình sinh 2 con một bề, các gia đình có tâm lý muốn sinh con trai để có kế hoạch tuyên truyền, vận động, ký cam kết thực hiện tốt chính sách dân số. Từ việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục, kết hợp các hình thức vận động, thuyết phục bằng những điển hình trong việc nuôi dạy con tốt.

Đến nay nhận thức của người dân tại tổ dân phố về công tác dân số nói chung và vấn đề bình đẳng giới nói riêng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Các gia đình đều coi trọng, quan tâm con trai, con gái như nhau, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu được học hành và phát triển. Nhờ vậy mà sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng giảm, tạo điều kiện để ổn định và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Để đẩy lùi tâm lý “ưa thích con trai” ấy, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái được phát triển toàn diện, cần có những đổi thay ngay từ mỗi gia đình. Đáng nói, hiện nay, đa số các gia đình có quan niệm rất tiến bộ: “Dù gái hay trai, cứ hai là đủ”. Như gia đình bà Nguyễn Thị Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), ở tuổi 24, sau khi kháng chiến bảo vệ tổ quốc trở về, ông bà kết hôn. Hai ông bà sinh được một con gái, vài năm sau sinh tiếp con gái thứ hai. Trái với một số gia đình khác, con gái thứ hai được ra đời trong niềm vui của cả hai vợ chồng và đặc biệt là mẹ chồng.

Mẹ chồng bà Hà luôn động viên an ủi con dâu: “Con ạ, trai làm chi, gái làm chi, miễn là có nghĩa có nghì thì thôi”. Quan điểm tiến bộ đó đã tiếp sức cho ông bà nuôi dạy 2 con gái khôn lớn trong vòng tay yêu thương của cả gia đình. Nhiều năm qua, gia đình bà Hà sống rất hạnh phúc, hoà thuận, được mọi người ngưỡng mộ. Bà Hà không bao giờ phải chịu áp lực từ gia đình chồng về việc phai sinh thêm con trai để sau này “chống gậy”. Chồng bà thường âu yếm gọi các con gái là: “Hai con gái rượu của bố”.

Hai con gái ông bà cũng lớn lên ngoan hiền, hiếu lễ, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, thường xuyên quan tâm đến bố mẹ: khi thì mua áo biếu bố, mua vải biếu mẹ may áo dài, lúc lại tổ chức đưa bố mẹ đi du lịch… Trong nhà bà Hà luôn đầy ắp tiếng cười.

Hay gia đình bác sỹ Kim Lan (Đống Đa, Hà Nội) cũng sinh 2 cô con gái. Hồi còn trẻ, bà Lan không ít lần chịu đựng lời bóng gió từ người ngoài và bên nội ngoại về việc “sinh toàn con gái”. Thế nhưng, vợ chồng bà Kim Lan vẫn tâm niệm, chỉ tập trung nuôi dạy 2 con gái nên người. Ông bà muốn chứng minh cho mọi người thấy: Con gái cũng có trí tuệ, thông minh không kém gì con trai. Phần thưởng dành cho vợ chồng bà là năm nào 2 con gái của ông bà cũng đều đạt thành tích cao trong học tập. Hiện, hai con gái của ông bà đều đã trưởng thành, lập gia đình, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người, thường xuyên cùng bố mẹ làm công tác nhân đạo, từ thiện.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình thiết thực hướng tới nam giới thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “ưa chuộng con trai” cũng đã được thành lập, bước đầu thay đổi nhận thức của nam giới. Nhiều nam giới trong gia đình đã ý thức trách nhiệm người cha không chỉ trụ cột về kinh tế trong gia đình mà còn có trách nhiệm cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ; thay đổi thói quen, nhận thức về bình đẳng giới…

Mô hình CLB “Người cha trách nhiệm” được Quỹ dân số Liên Hợp quốc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn xây dựng thí điểm tại các tỉnh Quảng Bình, Bắc Cạn, Bắc Giang, Vũng Tàu, Hậu Giang đã giúp cho các nam giới nông dân trẻ có độ tuổi từ 20-35 tuổi có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, am hiểu về công tác bình đẳng giới và các tác hại của việc lựa chọn giới tính khi sinh.

Sinh con gái, “hái” niềm vui - ảnh 3

Bà Phạm Thu Hương – Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm việc triển khai chương trình "Người cha trách nhiệm".

Từ khi thành lập, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực cho các hội viên về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, không lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở phân biệt định kiến giới và giới tính…

Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của các ông bố được nâng lên, giúp họ trở thành người bạn, người đồng hành đáng tin cậy, biết cách lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng, nỗi niềm của vợ và con; biết chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ vợ từ khi mang thai đến khi sinh con; biết sẻ chia với công việc nội trợ của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ tham gia công tác và các hoạt động xã hội, từ đó giúp củng cố thêm tình cảm gia đình, giữ được không khí vui vẻ, hạnh phúc…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Xuân mới là dịp để các cấp Hội LHPN Hà Nội nhìn lại một năm hoạt động qua, đồng thời nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra trong năm 2025. Trong đó, từng cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp tục ra sức thi đua góp sức xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước, sẵn sàng cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Năm 2025, tròn 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, phụ nữ toàn cầu nói chung và phụ nữ Việt Nam đã và đang được trao quyền nhiều hơn để phát triển bình đẳng. Tuy nhiên, để đạt được bình đẳng giới thực chất, vẫn rất cần những chương trình hành động, những cam kết đầu tư, trao quyền từ các Chính phủ, trong đó có Việt Nam để phụ nữ có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn trong kỷ nguyên mới.
“Thành công của người phụ nữ  không ở địa vị hay tiền bạc”

“Thành công của người phụ nữ không ở địa vị hay tiền bạc”

(PNTĐ) - “Thành công của người phụ nữ không phải ở địa vị, tiền bạc, quyền lực, mà thể hiện ở giá trị, nhân cách và văn hóa sống. Đặc biệt, hãy là một người phụ nữ ấm áp, đem đến sự yêu thương và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp cho cộng đồng”, theo BTV - MC Giang Nam.
Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

(PNTĐ) - Nghệ nhân Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953) là người sáng lập nhà hàng Ánh Tuyết, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Bà từng được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho các đại biểu quốc tế dự hội nghị Apec năm 2017 tại InterContinental Đà Nẵng; giúp Văn phòng Chủ tịch nước tiếp đoàn Mỹ - Triều. Bà đạt rất nhiều huy chương, giải thưởng tại các sự kiện ẩm thực lớn và quy mô; được UBND Thành phố Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2018. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà đã chia sẻ tình yêu và mong muốn của mình trong lưu giữ tinh thoa ẩm thực cổ truyền Hà Nội.