So đo giai quê, giai phố

Chia sẻ

Bà Hương ốm. Thu Minh, con gái bà vội vã đưa mẹ vào bệnh viện. Không ngờ đích thân bác sĩ Hòa trưởng khoa khám cho bà. Thật ngượng quá, bà Hương lí nhí chào.

Bác sĩ Hòa vẻ như không để ý đến thái độ của bà, anh nhiệt tình thăm khám, hỏi han, động viên bệnh nhân, rồi anh kê đơn thuốc cho bà. Xong anh đưa đơn thuốc cho cô y tá phụ việc phòng khám: “Em đem đơn này ra hiệu thuốc bệnh viện mua giúp anh, hết bao nhiêu anh thanh toán nhé”. Minh vội vã: “Anh cứ để em tự mua ạ”. “Không sao, để anh biếu bác gái. Mong bác nhanh khỏe”. Nói với Minh rồi Hòa xin phép bà Hương: “Bác ạ, hôm nay cháu đông bệnh nhân khám, nên lát có thuốc rồi thì em Minh đưa bác về, bác chịu khó uống thuốc cho chóng khỏe. Hôm sau rảnh, cháu qua thăm bác sau ạ”. Nói rồi Hòa vội vã đi, có lẽ anh cũng không nghe tiếng bà Hương lí nhí cảm ơn anh. Hòa đi rồi, bà Hương gắng kìm nén tiếng thở dài. Bà sợ con gái nghe thấy, lại tủi thân...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mới đó mà đã 20 năm. Lúc Hòa là sinh viên ĐH Y Hà Nội, so với các trường ĐH khác thì sinh viên Y khoa là oai oách lắm. Minh lúc đó là sinh viên Kiến trúc. Thế nhưng khi con gái dắt Hòa về ra mắt bố mẹ, bà Hương rất lạnh nhạt. Mặc dù chồng bà rất ưng ý vì nhà không có con làm bác sĩ, nếu có con rể làm bác sĩ thì người nhà được chăm sóc sức khỏe, hiểu biết về bệnh tật và cả cách phòng tránh bệnh, quá yên tâm.

Chồng bà Hương lúc đó là Cục trưởng, nhưng ông chỉ oai ở cơ quan thôi, về nhà thì vợ là thủ trưởng, nên dù ông ủng hộ con gái, thuyết phục bà hết lời nhưng bà vẫn không nghe. Quan điểm của bà Hương rất kiên quyết: “Nhà này dân gốc Hà Nội, con cái học hành tử tế, phải kén rể quanh Bờ Hồ không quá 5km, không có chuyện chấp nhận rể ở quê ra!”.

Dù chồng và cả con trai ông bà đều ủng hộ Minh: “Người ta quê ra nhưng người ta học giỏi! Đỗ vào trường Y đâu phải đùa! Nghề bác sĩ vừa có ích cho gia đình, vừa kiếm tiền dễ dàng, sao mẹ lại không đồng ý?”. Mặc dù nghe chồng và con trai phân tích có lý có tình, lại thấy con gái khóc ngắn khóc dài vì bị mẹ cấm đoán, nhưng bà không suy suyển. Bởi ý chí của bà khá là sắt đá, lại thêm bà chị gái “bơm vá”: “Sao lại để con gái Hà Nội gốc nhà mình lấy chồng quê nhỉ? Cô xem cái Như Hoa nhà chị, lấy chồng cũng Hà Nội gốc đấy, thanh cảnh, hạnh phúc, từ điệu ăn, dáng đi, đều toát lên phong cách trai phố! Gì thì gì, cũng không cho con gái lấy chồng quê. Đó là chưa kể mỗi lần về thăm quê chồng xa xôi, con gái mình cành vàng lá ngọc, liễu yếu đào tơ, nó ốm ra đấy thì xót con lắm. Chị chả hiểu cô thế nào, chứ bác cả nhà mình để cái Thu Nguyệt lấy chồng quê ra đó, cậu này học hành cũng tử tế, mỗi tội cứ khúm núm thế nào, không có phong cách. Rồi ông bà thông gia trong quê ra chơi, cứ ngớ nga ngớ ngẩn, trông thế rõ chán”. 2 chị em bà Hương cứ bơm qua vá lại như vậy, thành ra chàng sinh viên đẹp trai lồng lộng, mặt mũi sáng ngời, tinh anh như Hòa bỗng hiện nguyên hình là một chàng trai nhà quê chân chất, không có chút “phong cách phố” nào, không thể xứng đôi vừa lứa với cô tiểu thư Hà Thành 5-7 đời ở phố như Thu Minh được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Do bố và anh trai ủng hộ, nên dù bị mẹ “cấm tiệt”, nhưng Minh vẫn bí mật duy trì tình yêu với Hòa. Sau khi Minh tốt nghiệp đại học, trở thành kiến trúc sư một bộ rất oách, Hòa vẫn chưa xin được việc ở Hà Nội. Anh loay hoay lúc chạy về quê ít lâu, lúc lại ra Hà Nội chạy đôn chạy đáo tìm việc. Một lần Hòa từ quê ra, anh đem theo quà quê là lạc và đỗ đen đến biếu nhà bà Hương. Vốn tưởng đã ngăn cản thành công mối tình của Hòa với con gái, bà không ngờ cái anh chàng quê này cứ bám riết con gái bà. Vậy nên khi thấy Hòa xuất hiện, bà Hương quyết một lần phải cho anh này chấm dứt với cô tiểu thư nhà bà. Bà nhìn anh với ánh mắt hình viên đạn, giọng đanh lại: “Tôi chính thức yêu cầu anh buông tha cho con gái tôi. Con gái tôi, tôi chỉ gả chồng quanh Bờ hồ Hoàn Kiếm, anh rõ chưa! Từ nay, anh đừng đến nhà tôi nữa!”. Mặc cho Thu Minh van xin mẹ, nước mắt chảy như mưa, nhưng bà Hương nói một mạch với Hòa rồi bà đứng dậy mở cổng: “Mời anh về đi cho! Anh nhớ đem quà quê của anh về! Nhà tôi không thiếu!”. Minh òa lên khóc, vừa van xin mẹ, vừa níu tay kéo Hòa lại, nhưng Hòa đã “Xin phép bác, cháu về”.

Hòa về rồi, bà Hương chưa hả giận, bà tuyên bố cấm tiệt con gái không được yêu “cái anh nhà quê” đó. Nếu con còn giấu mẹ quan hệ với nó thì mẹ coi như không có đứa con gái hư đốn này. Minh không ngờ sau hôm bị mẹ cô xúc phạm, Hòa đã một đi không trở lại. Mặc cho cô liên lạc kiểu gì, anh cũng không trả lời. Bà Hương thì ra sức lôi kéo mấy bà bạn đưa con trai, cháu trai đến giới thiệu cho Minh nhưng cô đều từ chối. Thậm chí, mấy đám giới thiệu đầu, cô nể mẹ nên miễn cưỡng tiếp đón, những lần sau cô chán nản, mệt mỏi cáo bận, cáo ốm, không tiếp. Bà Hương cứ nhờ giới thiệu mãi, không đám nào thành, bà quay ra than vãn, van vỉ Minh tìm hiểu một đám nào cho môn đăng hộ đối rồi lập gia thất kẻo nhiều tuổi sẽ khó, nhưng bà nói thế nào con gái cũng không nghe. Thời gian cứ thế trôi nhanh, cuối cùng con gái bà ở giá cho đến nay đã ngoài 40 tuổi, công danh thành đạt, nhưng bà Hương không vui vì bà không có cháu ngoại để bế, nỗi lo tại mình mà con gái ế cứ canh cánh trong lòng bà. Có lẽ vì tâm không được vui, nên từ ngày nghỉ hưu bà Hương đâm ra hay ốm, mà đợt này bà có vẻ yếu hơn hẳn. Bà không ngờ khi vào viện khám, Minh lại điện thoại nhờ bác sĩ Hòa khám cho mẹ. Nhìn Hòa phong độ, vẫn trẻ trung, đẹp giai, bà Hương vừa thấy tiếc, vừa thấy ngại. Không ngờ anh đã lên đến Trưởng khoa ở bệnh viện lớn như vậy và vợ anh nghe đâu cũng là Phó khoa ở một bệnh viện khác.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuần đó, nghe tin bà Hương ốm, bà chị gái liền đến thăm. Bà Hương kể cho chị gái biết việc được bác sĩ Hòa khám, lại còn mua tặng thuốc, nên bà thấy vô cùng áy náy, ngại ngần. Bà chị thở dài: “Chả biết dạo đó tôi và cô phản đối, không cho cái Thu Minh lấy cậu Hòa có sai không? Mình thì cứ nghĩ con gái mình ở giữa Thủ đô, cũng phải lấy chồng trong Hà Nội này thì mới hòa hợp, hạnh phúc. Nhưng giờ nghĩ lại thì cũng chả biết thế nào, vì cái Như Hoa nhà tôi cũng buồn lắm, chồng nó con nhà phố cổ đấy, nhưng lại ham ăn ham chơi, suốt ngày chỉ đi nhảy đầm, chả chịu nỗ lực vươn lên, gần 50 tuổi rồi mà chả có lấy tí chức sắc gì cho vợ con nở mày nở mặt, kinh tế cũng chả khá giả gì, may có cái nhà các cụ xưa để lại cho mà ở. Trong khi đó con rể bác cả, chồng cái Thu Nguyệt đó, xưa cứ bị chê giai quê mùa, hiền lành cục mịch, thế mà cậu này thông minh giỏi giang, lên Cục trưởng mấy năm nay rồi, đi tây đi tàu họp hành suốt, có thua ai đâu!”. Nghe chị gái nói thế, bà Hương cũng buồn bã bộc bạch: “Dạo đó em biết thế cứ nghe chồng em cho xong. Mình cứ nặng nề chứ giai nào mà tử tế, có học, có đạo đức, yêu vợ thương con, quý trọng bố mẹ vợ là được. Bây giờ nhìn con gái cứ thui thủi một mình, tuổi già sầm sập ập đến, còn thanh xuân đâu nữa, buồn lắm nên em lo nghĩ nhiều sinh bệnh. Kể ra mình đừng so đo giai quê giai phố thì bây giờ mình già, lại hay đau ốm có ông con rể là bác sĩ nó chăm lo sức khỏe cho thì tốt biết bao nhiêu”...

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.