Sống cho đời, sống cho người

LÊ THỊ XUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Con nghĩ mẹ nên nghỉ ở nhà cho khỏe. Giờ mẹ đã có tuổi rồi, đi dạy làm gì nữa. Có mấy đồng lương, đổi lại, mẹ cõng thêm bệnh tật, biết lấy ai chăm…

Giọng của Tuấn, con trai bà Thanh có vẻ rất dứt khoát. Cậu tỏ ra không vừa ý mỗi khi khuyên mẹ nghỉ dạy hợp đồng chỗ này, không nên đi từ thiện chỗ khác để có thời gian ở nhà an dưỡng tuổi hưu trí. Đang cặm cụi xem lại bài vở để chuẩn bị cho buổi lên lớp, bà Thanh dừng lại, hướng cái nhìn về phía cậu con trai đang nằm trên chiếc giường, giọng từ tốn:

- Mẹ nay chưa tới 60, hãy còn khỏe chán. Việc dạy hợp đồng cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên chủ yếu là vì mẹ nhớ trường, nhớ lớp và nhớ nghề. Mỗi ngày lên lớp, mẹ cảm thấy vui lắm. Còn việc đi làm từ thiện thì có đáng bao nhiêu đâu con. Miễn là mình thấy vui khi làm một việc có ý nghĩa. Kể từ khi tham gia cùng với đoàn từ thiện của phường giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ thấy lòng mình thanh thản hơn nhiều.

- Nhưng thi thoảng, bệnh cao huyết áp của mẹ cứ trở đi trở lại. Ba thì bận việc bên trại gà suốt ngày. Mình mẹ ở nhà, lúc đau ốm biết gọi ai! Hiểu được sự lo lắng, quan tâm của con trai, bà Thanh bật cười:

- Cha bố anh! Anh cứ lo xa. Anh cứ yên tâm mà học hành cho tốt. Mẹ ở nhà còn có ba anh, có hàng xóm thân thích, có mấy đứa trẻ nhà bên ngày nào mà chẳng sang đây ríu rít đủ chuyện. Biết không thể thay đổi được ý nghĩ của mẹ, Tuấn bật dậy, bước lại gần mẹ ngồi. Anh cầm lấy đôi tay gầy guộc, nổi rõ những đường gân của mẹ, ánh mắt anh đong đầy tình yêu thương:

- Mẹ cả đời phụng sự cho sự nghiệp rồi, đến ngần này tuổi được nghỉ ngơi, lẽ ra phải dành thời gian cho mình. Mẹ phải luôn khỏe mạnh và vui vẻ, chỉ có thế, con mới yên tâm học hành ở xa được. 

Sống cho đời, sống cho người - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đâu phải bây giờ Tuấn mới có những cử chỉ và lời nói như vậy với mẹ. Với bà Thanh, Tuấn là con trời con Phật và là đứa con hiếu thảo của bà. Đôi mắt bà đắm đuối nhìn không chớp khuôn mặt thằng con trai 20 tuổi của mình mà hai hàng nước mắt hạnh phúc cứ chực trào.

Bà Thanh quê gốc ở ngoài Bắc nhưng ngay từ nhỏ đã cùng gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Mảnh đất hoang sơ, đầy nắng gió yêu những con người cần cù ấy đã dần trở thành quê hương thứ hai của gia đình bà từ sau giải phóng. Vốn là con nhà nông chính gốc, lại đông anh em, bà theo cha mẹ, vừa lao động miệt mài, vừa học hành chăm chỉ, sau bốn năm lấy được tấm bằng đại học Sư phạm Địa lý loại ưu. Tính vốn tự lập ngay từ nhỏ, bà tự mình chạy vạy khắp trong, ngoài tỉnh để xin việc. Niềm vui đến với bà khi được nhận vào dạy tại một trường phổ thông trong huyện nhà. Rồi cơ duyên lại se bà với chàng trai quê miền đất võ trong một lần anh lên vùng đất đỏ bazan công tác. Và hơn một năm sau, bà trở thành dâu con của xứ Nẫu này.

Sống cho đời, sống cho người - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vợ chồng bà lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Cũng đến hơn mười năm sau đó, hai vợ chồng mới có ngôi nhà cấp bốn lợp tạm để ở. Cứ mỗi lần nhớ về quãng thời gian ban đầu của mình, ánh mắt bà không giấu nổi xúc động. Nào vừa đi dạy lại vừa phải nuôi gà, nuôi heo vừa chạy đôn chạy đáo bán buôn hòng có tiền trang trải cuộc sống... Ấy thế mà mỗi giờ lên lớp, tình yêu nghề cộng thêm tâm huyết, nhiệt tình vẫn như ngọn lửa rực cháy trong tim bà. Chuyện kinh tế quan trọng, nhưng chuyện con cái còn quan trọng hơn. Nó đã từng là nỗi buồn dằng dặc của người đàn bà luôn khao khát cháy bỏng được làm mẹ ấy.

Mòn mỏi chờ mãi, ngoài bốn mươi tuổi, ông trời cũng cho bà được mụn con trai và đặt tên cho nó là Tuấn. Thế nhưng sau đó không lâu, bà bị đau đốt sống lưng, phải đi phẫu thuật nhiều lần, và việc có con tiếp là không thể. Bà Thanh dành tất cả tình yêu cho đứa con trai duy nhất. Bởi thế, càng lớn lên, Tuấn càng thương ba mẹ nhiều hơn. Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề giáo, học trò đến thăm, ai nấy đều trầm trồ ngưỡng mộ số giấy khen, bằng khen mà bà được cấp ngành, cấp trường tặng. Khi đó, bà chỉ nhẹ nhàng cười:

- Quan trọng là mình được cống hiến cho sự nghiệp, cho nhà trường và trải nghiệm được những gì qua công việc ấy. 

Vẫn cái giọng vui vẻ như thường ngày, bà trò chuyện và gửi gắm lại niềm đam mê, tận tụy một thời của mình cho những cô cậu đồng nghiệp mới chập chững đứng trên bục giảng.

Sống cho đời, sống cho người - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nhà bà ở cách Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện chỉ chừng hai trăm mét. Người phụ nữ chuẩn bị bước sang tuổi 60 vẫn miệt mài lên lớp mỗi ngày. Mái tóc hoa râm, khuôn mặt đầy đặn với từng bước chân chắc chắn gieo trên đường, người ta thấy bà vẫn như những ngày còn sức trẻ. Với cái túi xách đơn giản, bên trong đựng bộ giáo án phục vụ cho việc giảng dạy, bà Thanh lên lớp bằng tuổi đời, bằng kinh nghiệm và bằng cả vốn kiến thức không ngừng cập nhật để theo kịp sự thay đổi của thời đại. Có lẽ vì thế, những tiết dạy của “cô giáo già” bao giờ cũng rất sôi nổi, hào hứng và đem đến niềm thích thú cho học viên. Và cũng từ đó, rất nhiều cậu học trò cá biệt tưởng như không thể thay đổi lại trở nên tiến bộ trông thấy.

Mấy bữa nay, anh cu Tuấn sau thời gian thực tập ở gần nhà lại đã trở lại trường học. Vợ chồng bà Thanh đang ngồi giữa nhà sắp xếp số đồ dùng mà các nhà hảo tâm gửi tặng để chiều nay đến thăm trại trẻ mồ côi trong huyện. Nụ cười lạc quan ngự trên khuôn mặt điềm đạm và giọng nói thủ thỉ của chồng khiến bà Thanh ngước lên nhìn, mỉm cười:
- Mình cột xong, cứ để đó tôi bưng cho. À mình này, tôi tính sau lần thiện nguyện này sẽ dành thời gian hè mở lớp dạy miễn phí cho các em học sinh ôn tập chuẩn bị thi đại học. Nghe mấy chị hàng xóm nói, mấy đứa nhỏ theo ban xã hội, có vẻ rất thích học môn Địa lý tôi dạy. Có sao đâu. Trời cho sức khỏe, mình còn làm được việc tốt gì thì làm phải không mình. 

Nghe vợ nói, ông Dũng có vẻ trầm ngâm. Nhưng rồi thấy vợ nói đến chuyện dạy dỗ, chuyện nghề nghiệp một cách hứng thú, ông cũng chiều lòng:

- Ừ! Thì tùy mình, miễn sao mình cảm thấy vui là được. 

Đôi vợ chồng già nhìn nhau cười hạnh phúc. Nhà neo người. Được mỗi đứa con thì đang học ngành công an mãi ngoài Hà Nội. Vất vả cống hiến cho sự nghiệp cả đời, giờ niềm vui của vợ chồng bà vẫn chỉ có thế.

Thấm thoắt, cậu Tuấn, con trai bà cũng đã tốt nghiệp ra trường. Đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều thì tiếng chuông điện thoại reo. Biết chẳng ai khác là  Tuấn, bà Thanh niềm nở:

- Mẹ nghe đây!

- Dạ. Mẹ ơi, cấp trên đã đồng ý cho con được chuyển công tác về gần nhà rồi. Sáng mai con sẽ về. 

Bà Thanh hạnh phúc:

- Thế là tốt rồi con!

Bữa cơm chiều đạm bạc của hai vợ chồng già trong ngôi nhà mái bằng, cạnh ngã tư phố huyện hôm nay càng trở nên ấm áp với đủ chuyện vui. Nào chuyện học sinh đỗ đại học với số điểm môn Địa rất cao; nào chuyện có thêm nhiều mạnh thường quân gọi điện ủng hộ quỹ từ thiện; đặc biệt là chuyện của Tuấn, chỉ ngày mai thôi là được về gần nhà làm việc... Nghĩ thế thôi, bà Thanh thấy đời mình thật ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.