Sống cùng chồng mới dưới nếp nhà chồng cũ

ĐINH HUYỀN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không ít chị em sau khi chia tay với cuộc hôn nhân trước, bước vào cuộc hôn nhân sau thì cố gắng thay đổi tất cả, xóa hết dấu vết của cuộc tình cũ, xây mới hoàn toàn thói quen, nề nếp sinh hoạt của gia đình. Vậy mà người phụ nữ ấy lại nói: “Bí quyết có được cuộc sống gia đình hạnh phúc như bây giờ là do em biết duy trì nếp cũ, dù em đã đi bước nữa, đã trở thành người phụ nữ “có tập hai”.

Tôi gặp người phụ nữ ấy trong một chuyến du lịch. Trong chuyến đi, tình cảm ấm áp hạnh phúc của gia đình chị khiến tôi để ý. Sự dịu dàng của chị đối với anh, sự ấm áp của anh đối lại với vợ khiến ai cũng nghĩ họ đang ở thời kỳ trăng mật thay vì đã lấy nhau nhiều năm; đặc biệt nhất người chồng hiện tại lại là “tập hai” của chị.

 Trong lúc đoàn nghỉ ngơi ăn uống, thấy tôi muốn trò chuyện với chị lâu hơn, chị tế nhị nhắc người “chồng tập hai” của mình: “Anh cho con ra ngoài quán ăn kem, đợi em, em nói chuyện với chú ấy một tí”. Anh chồng dáng trẻ trung nhắc cậu con trai chào mẹ và chú, rồi bố con anh ra ngoài.

Sống cùng chồng mới dưới nếp nhà chồng cũ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị kể, sau ngày cưới “tập hai”, chị bắt đầu công cuộc cải tạo tổ ấm mới để giống “y chang” với ngôi nhà cũ. Việc đầu tiên chị kê lại giường ngủ vợ chồng, đặt lọ hoa trên bàn nhỏ kê ở góc phòng, thay cái rèm màu nâu cũ thành cái rèm màu xanh mới. Tiếp đến là tu sửa lại phòng cậu con trai, đứa con riêng của chị với chồng cũ. Bếp ăn cũng được thay đổi “y chang” ngôi nhà chị và chồng cũ đã sống suốt 6 năm trời với những ngày ngọt ngào và những năm tháng bất hạnh. Sau một tuần, ngôi nhà của anh chị đã trở thành “sao y bản chính” ngôi nhà chị từng sống trước ngày ly hôn chồng cũ.

Ban đầu, anh chồng “tập hai” của chị ngờ ngợ rằng vợ mình đang cố gắng níu giữ những hình ảnh ngày xưa, cũng cảm thấy hơi khó chịu, nhưng có lẽ đang trong thời kỳ trăng mật, nên anh không nói gì. Sau đó, anh lại nghĩ chị làm thế là để đứa con trai vẫn cảm nhận được cuộc sống không xáo trộn, tâm lý không bị ảnh hưởng sau khi bố mẹ ly hôn, phải chuyển đến sống trong môi trường mới. Anh yêu chị, thương luôn cả con riêng của vợ nên nghĩ chị làm thế cũng phải và chẳng để ý gì thêm. Điều anh quan tâm và cảm nhận được rõ nhất là vợ yêu mình và mỗi ngày đang cố gắng để vun đắp cuộc hôn nhân của họ. 

Sống cùng chồng mới dưới nếp nhà chồng cũ - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Chỉ đến khi chị ngỏ ý muốn thờ bố mẹ chồng cũ trong nhà thì chồng chị nổi giận và có ý kiến gay gắt. Anh bảo chị “làm chẳng giống ai”, phải chăng chị vẫn còn tình cảm với người chồng cũ. Rồi anh cho rằng chị lấy anh là để lợi dụng, là lấp chỗ trống, chứ thực ra chị chưa quên được “người xưa”. Trên đời này chẳng có ai con dâu cũ ly hôn rồi đi bước nữa mà lại thờ bố mẹ chồng cũ cả. Nhưng, tối hôm đó chị đã thật lòng thưa chuyện với chồng.

- Em xin lỗi anh, đáng ra em phải bàn trước với anh, nhưng em tin anh là người đàn ông nhân nghĩa, rộng bụng. Thật ra em và chồng cũ đã không còn bất cứ thứ tình cảm nào nữa. Tuy nhiên, chúng em chia tay là vì anh ấy đã phản bội em, anh ấy đã tự tay mình “đốt nhà mình”. Em và con đã sống trong ngôi nhà của cha mẹ anh ấy gần chục năm trời và con em sinh ra ở đấy. Bố mẹ anh ấy thương em như con gái thay vì là con dâu, và chính họ cũng là người đáng thương vì có đứa con trai “phá gia chi tử”. Anh tưởng tượng xem, chồng em là con trai duy nhất, vậy mà anh ấy đánh bài, lô đề, ăn chơi, nợ nhiều đến mức người ta tịch thu nhà. Hôm người ta đến tịch thu nhà, em đã khấn vái trước vong linh bố mẹ anh ấy, hứa sẽ tìm cho các cụ một chỗ để bát hương. Con trai em là cháu nội của họ, anh thương em, thương cháu thì hãy cho phép em “để ké” cái bát hương thờ “ông bà nội” của cháu để vong linh họ khỏi tủi”. 

Chị đã tâm sự với anh rất nhiều, chị nói biết ơn anh đã không ngại cảnh chị đã có một đời chồng và có con riêng, vẫn quyết định “cưới trâu được cả nghé”. Chồng chị nghe thì cảm động, từ chỗ tức bực, giận dỗi, chuyển sang tôn trọng, kính nể chị. Anh ấy nói: “Anh xin lỗi em, anh không ngờ lấy được một người vợ có tấm lòng bao dung, nhân hậu như vậy. Người ta bảo phúc đức tại mẫu. Rồi đây chúng mình sẽ có con, con anh sẽ rất tự hào, anh sẽ rất yên tâm khi có người mẹ như em. Em muốn làm gì thì làm, miễn là lòng em thanh thản. Em có thanh thản, có vui thì mới toàn tâm toàn ý chăm sóc bố con anh chứ”.

Sống cùng chồng mới dưới nếp nhà chồng cũ - ảnh 3
Ảnh minh họa

 Chị đã ôm chầm lấy anh, khóc nức nở vì cảm động. Ngày hôm sau, anh theo chị bắt xe lên nghĩa trang để thắp hương cho bố mẹ chồng cũ của chị, tới thăm một số ông cô, bà bác bên “đằng nội” nhà cháu bé. Một bà cô đã rưng rưng nói với chồng chị rằng: “Hiếm được người như vợ cháu lắm, ly hôn rồi mà không căm thù chồng, không bỏ gia đình bên chồng. Nhưng hôm nay cô thấy anh mới là người tử tế nhất trần gian mà cô biết. Cháu tôi ngu thì nó thiệt, có người vợ như thế này mà không giữ được gia đình, để đến bây giờ trở thành kẻ không cửa, không nhà, không vợ con. Không biết nó đi đâu rồi, lâu không có tin tức. Anh chị hãy coi chúng tôi là người nhà, không mất gì mà chỉ thêm họ. Được như thế, vong linh anh chị tôi (tức bố mẹ chồng chị) cũng đỡ tủi. Ở đời, xởi lởi thì trời cởi cho”. 

Cho đến giờ, đã gần ba năm chung sống, chị vẫn duy trì nếp sinh hoạt trước đây khi còn ở với nhà chồng cũ. Mẹ con chị cảm thấy cuộc sống không có gì xáo trộn quá nhiều, bởi nhìn đâu cũng thấy khung cảnh quen thuộc. Chồng mới của chị cũng quen dần với sự sắp đặt ấy của chị, thấy ấm cúng và hạnh phúc. Một người đàn ông độc thân hơn ba mươi tuổi như anh, quen với cảnh “cơm đường cháo chợ”, nay được sống trong ngôi nhà ấm cúng, với người vợ khéo léo, cũng thấy mình khỏe ra, trẻ hơn. Hạnh phúc nhất là chỉ vài tháng nữa, anh chị sẽ đón đứa con thứ hai, đứa con chung của anh chị ra đời.
Để thay đổi không khí câu chuyện, tôi hỏi chị một câu vui vui:

- Chị giỏi thật, có bao giờ anh ấy ghen tuông không, đặc biệt khi thấy chị và cháu vẫn giữ nếp xưa và vẫn đi lại với nhà chồng cũ?

- Giỏi gì đâu chú – chị cười gượng – Chị vất vả lắm chú ạ. Là phụ nữ, không ai muốn lấy chồng rồi bỏ chồng, nhưng bế tắc quá, chị đành giải thoát cho mình. Có được cuộc sống tạm ổn như hôm nay là chị cũng gian truân lắm đấy. Mình cứ sống chân thành, tử tế, rồi “người ta” sẽ hiểu. Anh nhà chị bây giờ còn hay nói đùa rằng “không khéo đêm nằm bên anh, em lại tưởng bố thằng nhỏ ấy chứ nhỉ”. Nói được câu tếu táo như thế là không còn ghen nữa, anh ấy  hiểu tính chị mà.

Tôi muốn biết lý do tại sao chị lại không xóa hết dấu vết của cuộc hôn nhân đổ vỡ, bất hạnh cũ, mà lại duy trì những thói quen, hình bóng ngày xưa, chị không đắn đo, tâm sự:
- Đời người giống như một dòng sông, có khúc thẳng, khúc quanh, nhưng vẫn là một dòng chảy liên tục. Cuộc hôn nhân cũ dù có không may mắn, song đó là một phần đời của mình, đâu có phải điều gì cũng đáng quên, phải chôn vùi? Gạn đục, khơi trong, duy trì gìn giữ và phát huy những điều tốt đẹp mình đã dựng xây nên, để kế tiếp, nối dài cuộc sống của mình, làm cho mình cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn, đầy đặn hơn. 

Có thể chị may mắn gặp được “người đàn ông thứ hai” tốt tính. Nhưng cũng có thể chính cách sống, cách suy nghĩ, sự chân thành, thẳng thắn mà sâu sắc của chị đã giúp chị có được cuộc hôn nhân sau tốt đẹp hơn. Tự dưng tôi nhớ lại câu người xưa dạy: “Gieo gì gặt nấy”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.