Sống tích cực - chìa khóa của hạnh phúc

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong cuộc sống hiện đại ngày nay với vô vàn áp lực và căng thẳng, thái độ sống, suy nghĩ tích cực đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng tâm lý và thậm chí có thể cải thiện sức khỏe, đem lại hạnh phúc cho mỗi người.

Sống tích cực giúp sức khỏe cải thiện

Theo các nhà khoa học Mỹ, yếu tố tâm lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Bằng chứng là nhiều nghiên cứu dài hạn đã chỉ ra mối quan hệ giữa thái độ lạc quan với giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, bệnh mãn tính và tăng thêm tuổi thọ.

Cụ thể như công trình phân tích 15 nghiên cứu tiến hành đối với gần 230.000 người, công bố trên Tạp chí Jama Network Open tháng 9/2019, Tiến sĩ Alan Rozanski và các cộng sự phát hiện rằng những người được đánh giá là lạc quan có nguy cơ bị đau tim, các sự cố tim mạch và tỷ lệ tử vong đều thấp hơn so với người bi quan.

“Trong từng trường hợp, sự lạc quan và giảm nguy cơ mắc bệnh đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Người lạc quan có xu hướng chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn. Họ tập thể dục nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn và ít hút thuốc” - ông Rozanski dẫn chứng. Hơn nữa, yếu tố tâm lý cũng tác động cơ chế sinh học.

Cụ thể, tâm trạng hay bi quan khiến cơ thể tràn ngập các hormone tổn hại sức khỏe như cortisol và norepinephrine, gia tăng tình trạng viêm và thúc đẩy các bất thường về chuyển hóa như bệnh tiểu đường. Thái độ tiêu cực này cũng dễ dẫn đến trầm cảm, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Sống tích cực - chìa khóa của hạnh phúc  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, nhiều người đã chọn lựa thái độ sống lạc quan, tích cực để đương đầu với khó khăn, thử thách của bệnh tật, tìm cho mình một cách sống hạnh phúc. 

Không ít người trong mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam ấn tượng với cái tên Nguyễn Thị Phương Loan, người truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những bệnh nhân khác. Từng có công việc ổn định trong ngành quảng cáo, căn bệnh ung thư vú phát hiện cuối năm 2012 khiến cuộc đời người phụ nữ trẻ với bao hoài bão bỗng chốc sụp đổ.

Chị chốt cửa phòng, khóc suốt 2 ngày 2 đêm đến nỗi mọi thứ trước mắt mờ đi. Thấy cha mẹ bần thần trước tin con gái bị K, chị quyết gượng dậy để chiến đấu với bệnh tật và bắt đầu cuộc hành trình chống chọi với ung thư. Số phận trớ trêu, khi đang trong thời gian theo dõi diễn biến ung thư vú, cuối năm 2019 chị Loan lại phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp.

Nhưng lần này, căn bệnh đã không làm cho chị sợ hãi. Chị nhớ lại: “Ban đầu, mình thấy tức lắm, không hiểu vì sao cuộc sống muốn thử thách mình. Nhưng ung thư tới thì mình cứ chiến đấu thôi!”.

Từ ngày mắc thêm bệnh, dù sức khỏe yếu đi trông thấy nhưng niềm đam mê “xê dịch” của chị không hiểu sao cứ trỗi dậy mạnh mẽ, hơn cả lúc khỏe mạnh. Tính đến nay, chị đã đặt chân tới 54 tỉnh, thành, chinh phục nhiều đỉnh núi ở miền Nam, miền Bắc và hầu hết những chuyến đi này đều được thực hiện sau khi chị phát hiện bệnh.

Bác sĩ điều trị bệnh cho chị Loan nhiều năm nay cho biết, hiện cả 2 căn bệnh ung thư của chị đều ổn. Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nhưng vẫn cần theo dõi sức khỏe. Chị Loan có một sự lạc quan và ý chí tuyệt vời. Việc chị ấy đi du lịch nhiều nơi được thì cũng rất tốt cho sức khỏe và tinh thần. 

Sống tích cực - chìa khóa của hạnh phúc  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Có thể thấy, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng thái độ sống lạc quan, tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe con người, thậm chí có thể tăng tuổi thọ. Theo đó nhóm nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Lewina O Lee tại Đại học Boston cho rằng, những người có mức độ lạc quan cao hơn còn có thể sống thọ hơn.

Kết luận này được đưa ra sau khi phân tích dữ liệu y tế của các tình nguyện viên (cả nam và nữ) tham gia trong 2 nghiên cứu lớn tại Mỹ. Trong nhóm lạc quan nhiều nhất, phụ nữ có hơn 50% cơ hội và nam giới có hơn 70% cơ hội sống qua tuổi 85.

Theo bà Lee, người lạc quan có thể tự điều chỉnh và phản ứng trước hoàn cảnh khó khăn theo những cách ít căng thẳng hơn. Họ cũng dễ đối mặt với thực tế và kiên trì nỗ lực vượt qua những trở ngại trong cuộc sống, thay vì nghĩ rằng bản thân bất lực trước hoàn cảnh bất lợi.

Suy nghĩ tích cực để cuộc sống luôn tươi đẹp

Dựa trên những tính toán của các chuyên gia, luồng suy nghĩ của chúng ta về các vấn đề xung quanh cuộc sống hóa ra lại diễn biến phức tạp hơn tưởng tượng rất nhiều. Ước tính mỗi người trung bình có khoảng 30.000 – 50.000 ý nghĩ mỗi ngày.

Nếu bạn trong tình trạng stress thì mỗi ngày có thể lên đến 80.000 ý nghĩ. Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà, Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, suy nghĩ của chúng ta cũng như những hạt giống, chúng sẽ đơm hoa kết trái và có hương vị riêng biệt. Ví dụ, những suy nghĩ tự kỷ, kiểm soát, phán xét, tham vọng sẽ dẫn kết quả tiêu cực như không thỏa mãn, buồn chán, lo lắng, stress, căng thẳng…

Ngược lại, những suy nghĩ tích cực đón nhận, sống trong hiện tại, yêu bản thân, không phán xét sẽ mang đến kết quả tích cực như vui vẻ, tận hưởng, chấp nhận, mãn nguyện… “Như vậy có thể thấy rằng, bạn chính là những gì bạn nghĩ và suy nghĩ chính là hạt giống cho hành động và cảm xúc.

Vì vậy, bằng cách suy nghĩ tích cực kích hoạt tiềm năng tích cực của chính mình” - chuyên gia Thu Hà nhấn mạnh.

Sống tích cực - chìa khóa của hạnh phúc  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong các nghiên cứu y khoa, có khoảng 70 – 90% các chứng bệnh về thể chất có nguồn gốc từ tinh thần. Sức khỏe tinh thần kém là một yếu tố nguy cơ của các tình trạng bệnh mãn tính và những người có các vấn đề tâm thần nghiêm trọng có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề thể chất mãn tính.

Cũng theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà, chất lượng của suy nghĩ ảnh hưởng đến sức khỏe. Suy nghĩ tiêu cực là tất cả các suy nghĩ bi quan, thiếu khách quan về những đối tượng và vấn đề trong cuộc sống.

Tình trạng này thường xảy ra khi phải trải qua chuyện buồn và đối mặt với áp lực, khó khăn. Tùy vào mức độ sự việc, suy nghĩ tiêu cực có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng. Người có suy nghĩ tiêu cực luôn trong trạng thái lo lắng, buồn rầu, bất an, thiếu tự tin về bản thân, bi quan về tương lai, đồng thời luôn cho rằng tất cả các kế hoạch đều thất bại và có kết quả xấu nhất.

Thói quen này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống nếu không biết cách kiểm soát.

Suy nghĩ ảnh hưởng đến cảm xúc, sau đó là lời nói và hành động, cuối cùng là cơ thể, bầu không khí và mối quan hệ. Suy nghĩ, lối sống tích cực sẽ giúp mối quan hệ trở nên hòa hợp và ngược lại, suy nghĩ tiêu cực sẽ gây ra mâu thuẫn, bất hòa với môi trường xung quanh.

Ví dụ, một người cảm thấy ghét đồng nghiệp của mình, người này giữ cảm xúc bực bội, căng thẳng, giận dữ, từ đó có hành vi bất hợp tác, khiêu khích, phá hoại. Cuối cùng khiến mối quan hệ giao tiếp không tốt, căng thẳng, làm việc kém hiệu quả và không thoải mái,…

Ngược lại, nếu người này cảm giác tuy không thích đồng nghiệp của mình nhưng lại có suy nghĩ “Vì môi trường làm việc hiệu quả hơn, tôi sẽ hợp tác với đồng nghiệp của tôi!”, họ liền cảm thấy điềm tĩnh, hài lòng và hạnh phúc, hợp tác, tôn trọng và hăng hái làm việc. Kết quả cuối cùng là quan hệ giao tiếp được cải thiện và hiệu quả công việc được nâng cao, bà Thu Hà nêu ví dụ.

“Trên thực tế, chúng ta thường tập trung vào những điều ta không thể kiểm soát được. Ví dụ như lo nghĩ về thời gian, thời tiết, quá khứ, tương lai, những biến cố có thể xảy ra hay thậm chí là những người xung quanh. Tuy nhiên, đó là điều không thể. Thay vào đó, để đảm bảo có cuộc sống bình an, chúng ta chỉ nên tập trung vào những gì ta có thể kiểm soát được.

Việc kiểm soát và thay đổi suy nghĩ khi đã trở thành một thói quen có thể tạo nên một nhân cách hay tính cách của mỗi người. Từ đó chúng sẽ ảnh hưởng đến số phận trong tương lai của chính bản thân mình. Vậy nên số phận bạn là trong tay bạn, nếu bạn biết cách kiểm soát những ý nghĩ.

Chúng ta cần nhận thức được chính xác bản chất của những ý nghĩ để có những hành động tích cực cải thiện chất lượng cuộc sống, để cảm thấy hạnh phúc và bình an hơn” – chuyên gia Dương Thị Thu Hà khẳng định.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Báo động tội phạm “trẻ hóa”

Báo động tội phạm “trẻ hóa”

(PNTĐ) - Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đáng lo ngại là các vụ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ gây ra tác động tiêu cực đến cá nhân người phạm tội, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình và cộng đồng xung quanh.