Sống tối giản... cho đời thanh thản

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều người hiện nay đang có xu hướng tìm về những khoảng lặng, nơi bình yên trong cuộc sống thường ngày. Cuộc sống tối giản đang được nhiều người trẻ áp dụng vì những lợi ích nhất định mà nó mang lại.

Áp dụng cuộc sống tối giản, bạn có thể nghĩ ngay đến chuyện cắt giảm mọi thứ trong cuộc sống. Giảm tải, tiết kiệm được những thứ này sẽ giúp bớt gánh nặng tài chính và cả trong suy nghĩ để có được sự bình yên, thư thái và nhẹ nhàng trong cuộc sống gấp gáp này.

Sống tối giản là như thế nào

Sống tối giản có thể hiểu là cách sống đơn giản, gọn gàng khi bạn đã loại bỏ đi những điều không cần thiết hoặc không cần dùng đến. Sống tối giản sẽ bao gồm việc tạo nên không gian sống tối giản, công việc tối giản và cả trong thói quen ăn uống. Tối giản không đồng nghĩa với việc sống tiết kiệm, hạn chế yếu tố vật chất như chi tiêu ít hơn hay hạn chế mua sắm mà chủ yếu đề cập đến lối sống về mặt tinh thần.

Một cuộc sống tối giản là vứt bỏ đi những vật dụng không dùng đến trong nhà, giảm thiểu bớt số lượng quần áo để tiết kiệm công sức và thời gian dọn dẹp nhà cửa, giúp không gian ngôi nhà trở nên thoáng đãng, thoải mái hơn. Bạn có thể học cách chi tiêu hợp lý và chỉ mua những thứ cần thiết, dành thời gian làm những việc yêu thích…

Trong công việc, bạn hãy sắp xếp công việc hợp lý, tạo lập những list công việc cần làm theo sự ưu tiên, cố gắng làm những công việc lớn vào buổi đầu và những việc nhỏ, ít quan trọng hơn vào những ngày sau. Trong ăn uống, bạn có thể ưu tiên những thực phẩm ít phải chế biến để giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất, hạn chế thức ăn dầu mỡ và các món ăn phải chế biến phức tạp.

Khi đi ra ngoài, hãy luôn mang theo những thực phẩm khác như bánh mì, trái cây, nước uống… để dùng khi đói, điều này giúp bạn đảm bảo an toàn sức khỏe hơn so với việc mua đồ ăn nhanh tại các cửa hàng tiện lợi, lại góp phần bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu các loại rác thải.

Sống tối giản... cho đời thanh thản - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, lối sống tối giản chỉ thực sự bắt đầu khi bạn thay đổi suy nghĩ chứ không chỉ là tối giản về vật chất. Khi bạn hiểu được bản thân thực sự cần gì thì bạn sẽ tự thay đổi từ trong suy nghĩ, hành động của mình. Khai thông tâm trí của bản thân, hướng đến những thứ đơn giản và tích cực chính là chìa khóa giúp bạn cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và thành công hơn.

Linh, 25 tuổi, nhân viên công ty nước ngoài ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, bản thân đã cảm thấy thực sự thoải mái, nhẹ nhàng khi áp dụng phương pháp sống tối giản trong suy nghĩ. Trước đây, cô cảm thấy vô cùng áp lực khi đứng trước những nhiệm vụ mà cấp trên giao cho, hoặc luôn đặt kỳ vọng mình phải làm thật tốt mọi thứ, luôn sợ sự bàn tán, để ý của mọi người xung quanh. Những lời chê bai, những bình luận trái chiều trên mạng xã hội… cũng khiến cô buồn rất nhiều ngày sau đó… Có những lúc, cô còn có những suy nghĩ tiêu cực… Đến một lớp học thiền, hiểu về sự tối giản, Linh từ từ thay đổi từ chính suy nghĩ của mình.

Linh đã thay đổi lối sống, thói quen chi tiêu, sinh hoạt thường nhật để tối giản các khoản chi phí. Ngoài ra, để thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, cô cố gắng loại bỏ những thứ không cần thiết ra khỏi cuộc sống để tìm được cảm giác bình yên, thoải mái và tự do cho bản thân… “Một trong những đặc trưng của người sống tối giản chính là biết cách loại bỏ và sắp xếp. Nhiều người trẻ “enjoy” cuộc sống này với phong cách tối giản, tận dụng mọi tính năng của những đồ vật của mình một cách thú vị và hiệu quả. Họ chấp nhận bỏ đi những thứ cồng kềnh và hướng đến những đồ vật nhiều tính năng tiện ích vượt trội, hiện đại hơn” – Linh nói.

Theo Linh, nhiều người thường lầm tưởng tối giản là loại bỏ hết những món đồ đang sở hữu. Nhưng thực chất, sống tối giản là mọi người có thể tận dụng sắp xếp và bắt đầu cuộc sống theo ý thích của mình, dành thời gian cho mình, loại bỏ bớt đi những thứ rườm rà khiến cuộc sống thêm phức tạp. Linh tập thói quen sống tối giản bằng cách sửa chữa và tái sử dụng. Phiên chợ “cũ người, mới ta” được thành lập với mong muốn tạo ra chuỗi sự kiện, giúp mọi người tạo thêm vòng đời mới cho những món đồ của mình, cùng trao đổi cho nhau những món đồ không còn cần đến nữa, để mang về những món đồ mình cần.

Linh còn phát động thử thách 30 ngày sống tối giản. Ở đây sẽ có những thủ thuật nhỏ mỗi ngày, giúp mọi người dễ dàng thay đổi thói quen. Như “ngày 1: Sàng lọc, dọn tủ quần áo của bạn”, “ngày 2: Bỏ ra những thứ không cần thiết trong túi xách, ba lô”, “ngày 3: Không sử dụng thiết bị điện tử trong một ngày”… “ngày 9: Tặng sách cũ của bạn cho người khác”…

Sống tối giản... cho đời thanh thản - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chọn cuộc sống ở các vùng quê

Công việc hiện tại của Lan Hương là một freelancer với thu nhập không cố định nhưng ở mức khá. Khi sống tại Hà Nội, Hương ở trong một căn hộ đi thuê tiện nghi và sạch sẽ. Mức lương đủ chi trả cho tiền ăn, chi phí sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội và để dư được khoảng 1/3 thu nhập. Sau khi rời Hà Nội về quê sống, dù mức lương không khác hoặc có giảm một chút, song phần chi tiêu lại có sự thay đổi lớn.

Về quê sống, Lan Hương không mất tiền nhà, tiền ăn uống giảm hẳn một nửa. Ngoài ra không phát sinh thêm bất cứ chi phí nào khác. Lúc này cô chỉ mất khoảng 1/5 tiền lương mỗi tháng. Không những thế số tiền đáng ra dùng để trả thuê nhà ở Hà Nội còn được dành để biếu người thân yêu trong gia đình, mua những món quà cho bố mẹ và các em.

Từ bỏ một cuộc sống với mức lương cao ở công ty nước ngoài để về quê trồng rau, làm vườn, làm hoa là tiêu chí của Linh Chi, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô được nhận vào làm việc ở một công ty nước ngoài, thu nhập tốt. Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với áp lực công việc rất cao. Những chuỗi ngày công tác, các dự án với dealine gấp rút hoàn thiện, những ngày phải thức đêm hôm hoàn thành kế hoạch… khiến cô thiếu ngủ và stress. Giấc mơ về một cuộc sống bình yên, với những khóm hoa xinh đẹp, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường từ bé thôi thúc cô trở về với vùng quê ven thành đô.

Linh Chi từ bỏ công việc hiện tại để về quê ở với bố mẹ, thuê đất làm vườn và học cách sống chậm lại. Cô học thêm y học cổ truyền để phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên của mình. Cô thuê thêm đất, mở rộng canh tác, trồng tía tô, hương nhu, sả, hoa hồng, hoa cúc… để làm hương liệu. “Sáng sáng, tôi cầm cuốc ra vườn, chiều lại về nhà, trồng rau, trồng hoa trên chính mảnh đất quê hương khiến cuộc sống của tôi nhẹ nhàng, tĩnh lặng. So với trước kia, cuộc sống của tôi giờ tự do tự tại và thoải mái hơn nhiều” – cô nói. Hiện tại, cô đang là chủ một thương hiệu sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên rất được ưa chuộng.

Với niềm đam mê viết văn, viết truyện, Hồng Phượng cũng bỏ phố về quê. Cô mở một quán cà phê sách nho nhỏ ở quê, hàng ngày, cô vừa nhận viết chương trình dự án cho các công ty, các thương hiệu sản phẩm trên facebook và viết truyện ngắn vừa quản lý quán cà phê nho nhỏ của mình. Cô dường như cảm nhận rõ hơn sự thoải mái trong tâm hồn mình.

Những bức ảnh review quán cà phê, ra vườn hái hoa, trồng rau, nuôi gà, bắt cá… của cô khiến nhiều người ghen tỵ vì cuộc sống “vô cùng bình yên” của cô. Phượng cho rằng, quyết định bỏ phố về quê chắc chắn sẽ vấp phải nhiều sự phản đối của mọi người nhưng được làm điều mình thích và được sống cuộc sống của chính mình, đó mới là điều ý nghĩa.

“Mình cho rằng lối sống tối giản không phải hoàn toàn như những gì mọi người vẫn thấy qua sách, ảnh với căn nhà trống không có đồ đạc, chỉ để lại 3-5 bộ quần áo, 1-2 đôi giầy, 1 ít đồ sinh hoạt…  Sẽ có 1 số ít người sống độc thân, hay di chuyển sẽ có hình thức như vậy nhưng tổng thể thì không phải chỉ là vật chất bên ngoài mà còn về mặt tinh thần và các mối quan hệ xã giao nữa” – Phượng nói.

Theo cô, lối sống tối giản là có một cuộc sống đơn giản theo đúng sở thích, không quá cầu kỳ, không trong nhiều mối quan hệ phức tạp, được tự tâm tĩnh lặng mỗi ngày…

Năm mới, hãy cùng thử sắp xếp lại cuộc sống và thay đổi phong cách sống của mình xem sao.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

(PNTĐ) - Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, được hội viên phụ nữ và người dân đồng tình hưởng ứng.
Món quà Giáng sinh cho con

Món quà Giáng sinh cho con

(PNTĐ) - Noel đã đến thật gần, nhiều bạn nhỏ thích thú, không bỏ lỡ dịp lễ đặc biệt này để tham gia hoạt động làm bánh mừng Giáng sinh ý nghĩa, đặc biệt khi được tự tay trang trí những chiếc bánh ngọt dưới sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ.
Bà Nhàn “biết tuốt”

Bà Nhàn “biết tuốt”

(PNTĐ) - 23 năm làm cộng tác viên dân số, bà Bùi Thị Nhàn, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ trong Tổ dân phố được đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thêm hiểu biết về Kế hoạch hoá gia đình.
Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

(PNTĐ) - Chị Tạ Thị Năm ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.