Sống tối giản để được hạnh phúc

Chia sẻ

Chi tiêu khoa học, tiết kiệm thời Covid-19 đang là bài toán thiết thực với tất cả mọi người. Việc tính toán ăn uống gì, mua sắm ra sao, tiết kiệm như thế nào… để quỹ sinh hoạt không bị “âm” khi dịch bệnh đang ảnh hưởng đến nguồn tài chính chung của gia đình là điều các chị em phải lo liệu.

Bài toán chi tiêu khoa học

Trước đây, mỗi lần đến ngày giỗ hay dịp các con cháu tụ họp ăn uống, bà N.T.M (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đều nấu rất nhiều đồ ăn. Với sở thích nấu nướng, mỗi mâm cơm có khi đến 10-12 món đều được bà kỳ công chuẩn bị. Nhiều hôm ăn không hết, thức ăn thừa nhiều, bà lại để vào tủ lạnh sang ngày hôm sau, khiến đồ ăn vừa không ngon lại vừa không đảm bảo sức khoẻ. Nhiều lần, chồng con góp ý, bà M lại ngúng nguẩy dỗi hờn, tự ái nên từ dó không ai góp ý nữa.

Vợ chồng bà M sống cùng vợ chồng con trai cả và các cháu. Từ ngày dịch bệnh, công việc của con trai bị ảnh hưởng, không có thu nhập, con dâu làm nhà nước, lương chỉ đủ trang trải một phần chi phí sinh hoạt. Mỗi tháng, con dâu đều đặn đưa lương cho mẹ lo chi tiêu trong gia đình. Nhưng với số tiền ít ỏi, bà M ngán ngẩm lắc đầu. Nghĩ về những mâm cơm đủ đầy các món như trước, ăn không hết phải đổ đi rất phung phí, bà bắt đầu tiếc. Thế là bà M bắt đầu tiết kiệm từ… chính bữa cơm gia đình. Mỗi lần trước khi đi chợ, bà đều ghi cụ thể ra giấy những thứ cần mua với số lượng nhất định để không bị “quá tay”. Mỗi mâm cơm bình thường thay vì 5, 6 món đầy ắp như trước đây, bà chế biến 3 món với lượng thức ăn đủ cho một ngày của cả 5 người. Từ ngày mẹ chồng biết tính toán chi tiêu, ai cũng mừng. Nhờ đó, dù con trai bị gián đoạn thu nhập, cuộc sống của gia đình bà không quá ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ tháng 4/2021 đến nay, chị Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tự chuẩn bị phần cơm trưa tại nhà thay vì ra tiệm ăn trưa với đồng nghiệp như trước. Trước khi đi làm, chị chuẩn bị sẵn thêm suất cơm trưa cho chồng để hai vợ chồng cùng mang đến cơ quan. Chị cho biết, trước đây, chị và đồng nghiệp thường vào quán cà phê tám chuyện sau mỗi bữa cơm trưa. Như vậy, suất cơm trưa thay vì chỉ có 30-35 nghìn thì sẽ thành khoảng 60-70 nghìn đồng. Việc chuẩn bị cơm nhà mang đi vừa tiết kiệm một khoản chi tiêu, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại hạn chế tiếp xúc nhiều. Nhờ đó, mỗi tháng, vợ chồng chị Lan đã tiết kiệm được 1,5-2 triệu đồng, bù vào khoản thu nhập bị cắt giảm do dịch bệnh Covid-19.

Dịch bệnh cũng khiến cho chị N.M.H (Thanh Xuân, Hà Nội) thay đổi quan điểm sống. Trước đây, chị cho rằng, sống là để hưởng thụ nên vợ chồng làm 10 phần thì để chi tiêu 7 phần. Mỗi tháng, hai vợ chồng book lịch đi du lịch, hay cứ thích gì thì mua mà không thấy tiếc. Nhiều món đồ đắt đỏ được mua về nhưng không ưng ý đều nằm gọn gàng dưới… đáy tủ. Hai năm qua, dịch bệnh khiến cho chuỗi nhà hàng của anh đóng cửa, cuộc sống của vợ chồng chị khó khăn hơn, nhất là khi không có khoản “dự phòng” từ trước. Chị nhận ra, nếu không biết lo xa, dành dụm thì rất khó để trang trải nếu chẳng may gặp một sự cố bất ngờ nào đó. Vì vậy, chị sống tối giản hơn, tính toán thật hợp lý trước khi mua đồ. Cái gì mua mới từ ngày trước mà không cần dùng thì chị nhờ con gái rao bán trên mạng, vừa rộng nhà vừa kiếm thêm được chút tiền. Đồ đạc cũ không dùng nếu người quen nào cần thì chị cho không, nếu không cũng sẽ rao bán giá rẻ trên mạng. Chị cũng bắt đầu tính toán cho từng bữa ăn trong nhà sao vẫn đủ chất nhưng không mất nhiều tiền như trước...

Rất nhiều người chia sẻ, cắt giảm tối đa những thứ vụn vặt đời thường, những vật dụng chưa thật sự cần thiết là xu hướng tiêu dùng, là sự thích ứng của các gia đình trong đại dịch. Việc cắt giảm này không đồng nghĩa với việc nhịn ăn, giảm mặc mà tránh lãng phí và tốn kém. Đa phần, các bà nội trợ cho rằng, từ những ngày tháng khó khăn này, mọi người đã hình thành thói quen tốt là tiêu dùng tiết kiệm và sử dụng khoa học, không lãng phí đồ ăn hay tiền bạc trong chi tiêu vào những đồ không thiết yếu. Như chị Hương (Đống Đa, Hà Nội) thì thực hành lối sống tiết kiệm bằng cách tự thiết kế vườn rau trên tầng thượng. Chị sử dụng các thùng xốp để trồng rau ăn lá ngắn ngày; chị Vân thì ghi khẩu phần của từng người để tính toán lượng thức ăn mỗi bữa, tránh việc lãng phí đồ ăn…

Ngoài ra, trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ cũng đã chia sẻ những thói quen được hình thành như tiêu dùng tiết kiệm, sống chậm lại bằng cách đọc sách thay vì xem điện thoại “săn” hàng giảm giá, luyện tập thể thao, gắn kết gia đình…; tự pha cà phê, trà sữa, thói quen ăn sáng, trưa, tối ở nhà… Các bố mẹ tận dụng thời gian để dạy con làm việc nhà, tự nấu đồ ăn, nấu cơm, rửa bát, lau nhà hay phân loại các loại rau củ cơ bản…

Sống tiết kiệm, tối giản để khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn

Trong dịch Covid-19, nhiều chị em đã “bật mí” cách tiết kiệm chi tiêu trong gia đình mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, chia sẻ gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cho nhau. Như chị Phương Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn “săn” các mặt hàng thiết yếu như xà bông, nước rửa chén, kem đánh răng, dầu ăn, gạo, mì, bột… khi siêu thị giảm giá để dự trữ; anh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) giữ thói quen, dùng quần áo cũ để cắt làm đồ lau, nấu cơm ăn vừa đủ, tắt đèn điện ở nơi không sử dụng; tự học hỏi để sửa chữa các thiết bị, đồ dùng điện tử trong nhà để không mất tiền thuê thợ đến sửa; chị Hoàng My (Thanh Trì, Hà Nội) hạn chế xem facebook để không bị cuốn vào các livestream bán hàng, kích thích thói quen mua sắm của phụ nữ…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyên gia tham vấn và chữa lành tâm lý Vera Diệp Chi, Công ty Đào tạo tư vấn tâm lý Phúc An cho rằng, tiết kiệm là lối sống chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, phù hợp nhu cầu và điều kiện tinh tế gia đình, không bị hoang phí. Thực hành lối sống tiết kiệm được xem như một nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời của người Việt. Cuộc sống luôn có nhiều biến động rủi ro như: ốm đau, phá sản, thiên tai…, nếu không có kế hoạch cho tài chính của mình thì sẽ có lúc, chúng ta sẽ bị rơi vào trạng thái chật vật, khó khăn. Minh chứng là đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã làm nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người mất việc làm hoặc phải nghỉ làm dài ngày ở nhà… Nhiều gia đình lâm vào khó khăn khi không có kế hoạch tài chính và dự phòng cho những rủi ro có thể xảy đến từ trước.

Trong cuộc sống hôn nhân, kinh tế không phải yếu tố quyết định tất cả nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng. Cuộc sống không thể tách rời khỏi các hoạt động sinh hoạt, ăn uống, học tập, phát triển cá nhân… Nếu tài chính vững mạnh và ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên được đảm bảo, các thành viên trong gia đình có điều kiến để chăm sóc nhau hơn. Ngược lại nếu tài chính hạn hẹp, đôi khi áp lực kinh tế sẽ khiến vợ chồng dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh cãi, xung đột không đáng có… Nhiều cặp vợ chồng vì áp lực kinh tế đè nặng khiến họ luôn cảm thấy mệt mỏi, dẫn đến cau có khó chịu với nhau, không có nhiều thời gian và tâm trí để quan tâm tới các thành viên khác trong gia đình.

Chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi cho rằng, tiết kiệm là một việc cần làm trong mỗi gia đình, nhất là ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng như hiện nay. Đôi khi chính giai đoạn này lại giúp cho mỗi người rèn luyện được lối sống tối giản, chi tiêu tiết kiệm mà vẫn hạnh phúc, vui vẻ, bởi cuộc sống vốn không phải định đoạt bởi vật chất hay góc nhìn của người ngoài, mà quan trọng đó là sự bình an nội tại và hài lòng với cuộc sống của chính mình.

“Theo đó, để tiết kiệm và chi tiêu khoa học, các gia đình cần cân đối chi tiêu dưới hoặc trong mức thu nhập để có thể dành dụm được một khoản nhỏ phòng khi bất trắc; luôn có kế hoạch chi tiêu cụ thể và bắt đầu bằng việc lập kế hoạch hàng ngày, hàng tháng; loại bỏ bớt những khoản không cần thiết và đang lãng phí cho gia đình; thay đổi thói quen mua sắm, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết và tập rèn luyện lối sống tối giản; chi tiêu có mục đích…” – Vera Diệp Chi phân tích.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.