Sự ảnh hưởng đặc biệt của âm nhạc đến cuộc sống
Theo nghiên cứu, âm nhạc có thể hoạt động và kích thích các trung tâm não bộ, mang đến cảm giác như một phần thưởng mà bạn đang mong muốn có được sau khi hoàn thành mục tiêu. Bởi vậy, bạn hãy tự thưởng cho mình một bài hát yêu thích, và nó có thể tạo thêm động lực cho bạn để tiếp tục thu nạp các kiến thức mới trong học tập, làm việc.
Cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung
Theo chuyên gia của Viện Y học ứng dụng Việt Nam, âm nhạc không chỉ giúp làm giảm căng thẳng cho bạn mà còn có thể tạo động lực, thúc đẩy những ý nghĩ tích cực hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng tốt thường cải thiện kết quả học tập, làm việc. Bạn thường sẽ đạt được nhiều thành công hơn trong học tập, làm việc khi tâm trạng của bạn tốt. Nếu bạn trở nên choáng ngợp với núi công việc, hay mông lung trong học tập và buồn bã, hãy thử nghe những bài nhạc yêu thích. Nó sẽ giúp bạn thư giãn hơn và khi bạn quay lại công việc, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, âm nhạc - đặc biệt là âm nhạc cổ điển có thể giúp não bộ tăng hấp thu và diễn giải thông tin mới một cách dễ dàng. Âm nhạc có khả năng giúp não bộ chú ý tốt hơn vào các sự kiện và hơn nữa, còn có thể đưa ra các dự đoán về những gì sắp xảy ra. Điều này có thể giúp ích cho bạn trong trường hợp đang gặp những rắc rối khi tìm hiểu về những điều mới mẻ. Một số nghiên cứu khác còn đưa ra gợi ý rằng âm nhạc chính là một biện pháp giúp cải thiện khả năng tập trung. Theo nghiên cứu trên một số trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cho thấy, việc bật một bản nhạc nền trong thời gian học tập khiến một số trẻ bị phân tâm, song đa phần số trẻ đều cho khả năng cải thiện hiệu suất học tập.
Mặt khác, nghe nhạc - nhất là nhạc cổ điển dường như giúp người cao tuổi nhớ tốt hơn và xử lý thông tin nhanh hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra một số loại nhạc nhất định có thể giúp tăng cường khả năng ghi nhớ và các chức năng khác của nhận thức. Âm nhạc giúp kích thích não bộ của bạn tương tự như cách tập thể dục giúp kích thích cơ thể. Bạn càng tập luyện nhiều, cơ bắp càng trở nên mạnh mẽ, điều này cũng tương tự đối với não bộ.
Nên chọn thể loại nhạc nào?
Nghe nhạc trong khi làm việc hay học tập không phải lúc nào cũng khiến bạn giảm năng suất hay hiệu quả. Nếu bạn thích học tập trong một môi trường có giai điệu nhẹ nhàng xung quanh, không có lý gì phải từ bỏ nó. Chuyên gia của Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyên bạn, hãy ghi nhớ những điều dưới đây để có thể tìm ra những bản nhạc phù hợp và giúp ích nhất cho bạn.
- Tránh nhạc có lời. Bạn nên tránh các bài nhạc có lời, thậm chí là các bài hát có ngôn ngữ mà bạn không hiểu để tránh bị sao nhãng.
- Chọn nhạc chậm rãi, từ các loại nhạc cụ. Các nghiên cứu hiện tại tập trung chủ yếu vào nhạc cổ điển. Tuy nhiên nếu bạn không thích loại nhạc này, bạn vẫn có thể thử các loại nhạc khác, như nhạc điện tử nhưng nhẹ nhàng, hay các âm thanh từ môi trường tự nhiên phóng khoáng - tương tự như những âm thanh mà bạn nghe thấy mỗi khi đi massage vậy.
- Tránh nhạc có giai điệu đột ngột, gây “sốc”. Những bản nhạc có giai điệu khúc khuỷu, không cố định nhịp điệu có thể khiến bạn đoán già đoán non về các giai điệu tiếp theo diễn ra. Điều này khiến não bộ mất tập trung và sẽ làm giảm khả năng tập trung vào công việc của bạn.
- Vặn nhỏ âm lượng. Nghe nhạc trong khi làm việc nên ở mức âm lượng nhỏ, như một “âm thanh nền”. Nếu nghe nhạc quá to, nó có thể khiến suy nghĩ của bạn bị gián đoạn.
- Chọn các bản nhạc “trung lập”. Bạn nên tránh các bản nhạc yêu thích hay ghét bỏ vì khi nghe chúng, bạn rất có thể sẽ mất tập trung.
Và tất nhiên, không phải ai cũng tìm được sự trợ giúp từ âm nhạc, nhất là những người cần sự tập trung trong công việc. Nếu bạn cảm thấy âm nhạc không giúp ích nhiều trong khi đang học, làm việc hãy thử chúng ở những lúc nghỉ ngơi, chúng cũng có tác dụng thúc đẩy động lực trong bạn tương tự như cách ban đầu.
BS. Minh Hải