“Sự hy sinh của phụ nữ ngày nay có phải là đã lạc hậu”?

Chia sẻ

Sự hy sinh, suy cho cùng chính là tình yêu thương lớn lao và thiêng liêng, mà người phụ nữ tự nguyện dành cho gia đình của mình.

“Sự hy sinh” có còn được coi trọng và được xem là phẩm chất đáng quý của người phụ nữ ngày nay không?

Nếu như ngày xưa, sự hy sinh của người phụ nữ luôn được đề cao và ca ngợi. Thì ngày nay nhiều người trở nên sợ cụm từ đó, thậm chí đã có rất nhiều bài viết, cũng như những chiến dịch truyền thông đưa ra quan điểm, phản đối việc xã hội coi trọng sự hy sinh của người phụ nữ. Vì nhiều người cho rằng đó là một sự bất công đối với phụ nữ. Phụ nữ ngày nay cần được giải phóng. Điều đó khiến cho rất nhiều phụ nữ ngày nay, khi lựa chọn từ bỏ hết công việc và sự nghiệp ở nhà chăm sóc gia đình, lại cảm thấy tự ti, vì sợ bị coi là lạc hậu, không thức thời, không năng động.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Người ta cùng nhau kêu gọi từ bỏ cụm từ “đức hy sinh” của người phụ nữ, như là một sự cổ lỗ sĩ, lạc hậu cần xoá bỏ. Nhưng liệu sự hy sinh của phụ nữ ngày nay có phải là đã lạc hậu?

Tôi còn nhớ một bài chia sẻ rất hay của bà Michelle Obama (phu nhân cựu Tổng thống Obama). Một phóng viên hỏi bà, “bà phải hy sinh điều gì khi làm mẹ”? Bà Michelle Obama nói rằng: Bà cũng như mọi người mẹ đang đi làm khác đều hiểu, luôn có những lựa chọn khó khăn phải đưa ra, để đảm bảo cho gia đình mình hạnh phúc và bình yên. "Tôi không coi những lựa chọn này là sự hy sinh. Tôi hạnh phúc khi làm những việc đó. Có người, khi tập trung vào con cái, họ cảm thấy bình an và cuộc sống có thêm ý nghĩa, và đó là tôi" - Michelle Obama. Đây là một quan điểm thực sự văn minh. Những gì một người phụ nữ cố gắng làm, để chăm sóc chồng con, để giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình, đó là hy sinh, hay là yêu thương vốn chỉ khác nhau ở góc nhìn của người ngoài cuộc và cả của những người trong cuộc.

Tôi có một chị bạn, thời điểm đó chị đang làm trưởng phòng, trong một tập đoàn rất lớn, cơ hội thăng tiến cực kì rộng mở. Nhưng chị đã quyết định bỏ ngang công việc sự nghiệp đang làm, để ở nhà chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình, cho chồng chị yên tâm công việc. Chị kể, trước dây cả hai vợ chồng chị công việc đều rất nhiều áp lực, luôn bận rộn, trong khi hai đứa con đến tuổi lớn, chúng rất cần sự quan tâm dạy bảo của bố mẹ, không thể giao phó hết cho người giúp việc. Chị cũng đã từng thử cố gắng, để cân bằng cả công việc ở văn phòng và cố gắng dành thời gian cho gia đình con cái.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng công việc và những chuyến công tác bắt buộc liên miên kéo dài, khiến chị không đủ sức, đủ năng lượng để đảm trách vẹn toàn cả hai thứ, như sách vở vẫn nói. Chị thấy sức chị chỉ có thể làm tốt được một trong hai việc. Thế nên chị đã quyết định từ bỏ sự nghiệp, để lui về toàn tâm toàn ý, làm vợ, và làm mẹ. Chị quyết định lựa chọn gia đình, lựa chọn làm những việc mà như người ta nói là chị đã chấp nhận hy sinh sự nghiệp để lo cho gia đình. Nhưng với chị bạn tôi thì khác, chị không cho rằng đó là sự hy sinh, chị nói, chị không hy sinh điều gì cả. Chỉ là chị chọn thứ mà chị thấy quý giá hơn, hạnh phúc hơn, quan trọng với chị hơn. Chị không bao giờ dằn vặt chồng con rằng, chị đã hy sinh quá nhiều cho gia đình. Vì chị nói đây là sự tự nguyện, quyết định vui vẻ của chị. Lựa chọn ấy khiến cho chính chị thấy hạnh phúc, và bình yên. Vì bình yên của chị, là chồng con vui vẻ, gia đình hoà thuận.

Cùng một câu chuyện, cùng một hoàn cảnh giống chị, nhưng một người phụ nữ khác, khi lựa chọn giống chị, sẽ lại cảm thấy rằng mình đang hy sinh quá nhiều cho gia đình. Ý nghĩ mình đang phải hy sinh, khiến người phụ nữ thấy mình khổ hạnh, thiệt thòi hơn người khác. Thậm chí có những người phụ nữ luôn dùng điều đó để tạo áp lực, muốn chồng con luôn phải ca ngợi, ghi nhận mình. Chỉ cần chồng con gây nên chút phiền muộn, không vừa lòng, người phụ nữ sẽ lập tức cho rằng, sự hy sinh của mình, thật quá vô nghĩa rồi. Tôi đã gặp không ít người có suy nghĩ như thế. Và họ khiến cho tôi cảm thấy, sự hy sinh tình thương của họ với gia đình, không còn quý giá nữa. Nó trở thành một cái gông đeo vào cổ, bắt người phụ nữ phải gánh chịu, và thậm chí bắt cả chồng con gia đình họ phải gánh chịu. Tôi luôn mong người phụ nữ hãy tìm cách thoát ra, nếu như họ không cam lòng, không hạnh phúc với lựa chọn của mình. Vì nếu như bạn không cảm thấy hạnh phúc, bạn sẽ không thể mang lại hạnh phúc cho người khác.

Sự hy sinh, suy cho cùng chính là tình yêu thương lớn lao và thiêng liêng, mà người phụ nữ tự nguyện dành cho gia đình của mình. Đã là yêu thương thì không nên ép buộc, ngã giá hay mặc cả. Phụ nữ Việt Nam, dù là ngày nay hay ngày xưa, bản năng của họ vẫn luôn là những người thích chăm lo cho gia đình, xem trọng gia đình, đặt gia đình lên vị trí ưu tiên cao nhất trong cuộc đời họ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sự hy sinh vốn chẳng phải là điều gì đó bất công, mà đó là bản năng yêu thương mà trời phú cho mỗi người phụ nữ. Giống như bản năng của đàn ông luôn muốn bảo vệ người phụ nữ của mình, thì bản năng của người phụ nữ là thích được chăm sóc chồng con, gia đình của mình. Người phụ nữ có đủ yêu thương, đủ bao dung, sẽ biết phải làm gì tốt nhất cho gia đình mình được hạnh phúc.

Như mọi đứa con trên đời, tôi luôn biết ơn mọi sự vất vả, lo toan, vun vén mà mẹ tôi dành cho chúng tôi. Đơn giản là có gì ngon nhất, tốt nhất, mẹ luôn dành cho chúng tôi được trước, mẹ nhận về phần không ngon, phần thiệt thòi, vất vả hơn. Và tôi cũng gọi đó là sự hy sinh của mẹ, sự hy sinh ấy chính là biểu thị của tình yêu, mà mẹ dành cho chúng tôi.

Sự hy sinh của người phụ nữ ở thời nào cũng luôn là điều đáng quý, đáng trân trọng. Chỉ có điều hãy để người phụ nữ lựa chọn làm với một tâm thế tự nguyện và yêu thương. Ngay cả với bản thân mỗi người phụ nữ, nếu đã lựa chọn thì hãy đảm bảo rằng mình hoàn toàn hạnh phúc, và vui vẻ với lựa chọn ấy.

Và cuối cùng, tôi tin rằng sự hy sinh của phụ nữ không bao giờ là lạc hậu, vì đó là bản năng yêu thương đáng trân trọng. Và nếu bắt buộc phải lựa chọn giữa gia đình, với bất kì điều gì khác, thì tôi tin rằng, một người phụ nữ thông minh sẽ vẫn luôn lựa chọn gia đình, như là lựa chọn sáng suốt nhất trong cuộc đời của họ.

Nhà văn MÈO XÙ

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.