Sự thật ẩn sau “quái thú” Godzilla

Chia sẻ

Gần 70 năm kể từ ngày “quái thú” Godzilla ra đời, các fan của điện ảnh thứ bảy hân hoan bước ra khỏi rạp chiếu sau những màn kỹ xảo công nghệ mãn nhãn. Thế nhưng, ít ai biết được rằng hình tượng “quái thú” Godzilla còn ẩn chứa trong đó nhiều ý nghĩa sâu sắc về sự bi thương.

Biểu tượng của sự mất mát

“Quái thú” Godzilla, do Ishiro Honda đạo diễn và hãng Toho của Nhật Bản sản xuất năm 1954 đã gây “chấn động lớn” trong thế giới điện ảnh. Bộ phim kể về một sinh vật cổ đại bị đột biến do nhiễm chất phóng xạ. Con vật này mang hình dạng lai giữa khỉ đột và cá voi, kích thước vô cùng to lớn, trồi lên từ đại dương và tấn công thành phố Tokyo. Không chỉ gây ám ảnh bởi kích thước khổng lồ, Godzilla còn sở hữu trong mình một nguồn sức mạnh khủng khiếp khi có thể phun ra những tia lửa có sức hủy diệt không khác gì sức mạnh của bom nguyên tử.

Hãng Toho chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về hàm ý nằm sau hình tượng của quái thú, ngoài việc đó là hiện thân cho sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên đối với các hành vi của con người. Godzilla được ví như sự hiện diện cảm xúc của người Nhật sau sự kiện Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, biến hai thành phố này thành tro bụi vào năm 1945. Người phụ trách tạo hình Godzilla - Watanabe Akira thừa nhận cấu trúc da của quái thú được lấy cảm hứng từ vết sẹo lồi của những người sống sót sau sự kiện Hiroshima.

Godzilla mang tâm tư của người Nhật Bản sau chiến tranh, khi thảm họa hạt nhân đã hoàn toàn thay đổi đất nước, con người họ. Đế quốc hùng mạnh bị yếu đi do bom nguyên tử và loại vũ khí này cũng đã đánh thức con “quái thú” trong mỗi người dân Nhật, để rồi một ngày họ sẽ vùng lên và chế ngự cuộc chơi.

Vết thương gây ra bởi hai quả bom nguyên tử ở Chiến tranh thế giới thứ hai còn quá mới đến mức mọi khái niệm về hàn gắn thế giới, gác lại quá khứ để hướng tới sự tái thiết, ở thời điểm đó, không đủ để nhiều người Nhật bớt ám ảnh và đau đớn. Một lần nữa, hình ảnh con quái thú đen lại hiện lên, hủy diệt mọi thứ trên đường đi của nó chỉ bằng hơi thở chứa đầy chất phóng xạ, một ẩn dụ cho bom nguyên tử.

Một bức tượng Godzillakhổng lồ tại Nhật BảnMột bức tượng Godzilla khổng lồ tại Nhật Bản

66 năm sau sự kiện Hiroshima và Nagasaki, năm 2011, nước Nhật lại một lần nữa đứng trước những nỗi lo đau đáu về phóng xạ khi trận động đất đổ vào Fukushima đã cướp đi gần 20.000 nhân mạng. Sức mạnh gây ra biết bao tang thương vĩnh viễn ấy cũng trồi lên từ đại dương, khiến người ta không khỏi liên tưởng đến quái thú Godzilla như đã từng. Không chỉ vậy, 160.000 người dân Fukushima ngoài mất đi người thân còn phải rời bỏ làng mạc ra đi vì nỗi lo nhiễm xạ. Trận động đất kinh hoàng không chỉ biến Fukushima thành đống đổ nát trong chớp mắt mà còn gây ra nhiều chấn động khiến nhà máy Fukushima Daiichi bị rò rỉ năng lượng hạt nhân ra môi trường.

Nhiều người Nhật sau sự kiện sóng thần đã nghĩ rằng bản thân không còn có thể bước vào rạp và tìm sự mãn nhãn từ quái thú lần nữa. Giáo sư văn học tại trường đại học Wasede ở Tokyo - Toshi Takahashi chia sẻ: “Mỗi bộ phim về Godzilla đều khiến khán giả tự vấn bản thân. Thế nên, người Nhật chúng tôi cần thêm một khoảng thời gian nữa, nhất là sau vụ Fukushima”. 5 năm sau, hãng Toho mới mang Godzilla trở lại (phim Shin Godzilla - năm 2016), lồng vào đó là thông điệp chỉ trích chính phủ Nhật Bản đã quá chậm chạp trong việc xử lý thảm họa kép động đất, sóng thần, hạt nhân ngày nào.

Godzilla trở thành “công dân danh dự”

Godzilla đã giành được danh hiệu “vua của các loài quái vật”. Là sinh vật mở đầu cho “vũ trụ quái thú” của điện ảnh thế giới. Cho đến nay, Godzilla đã có tổng cộng 36 lần xuất hiện, bao gồm cả phim Godzilla vs. Kong đang khuấy đảo các phòng vé thế giới.

Chúng quá to lớn, mạnh mẽ, nặng nề; chúng đâu có lựa chọn trở nên xấu xa. “Đó là bi kịch của chúng” như điều mà đạo diễn Ishiro Honda xây dựng, Godzilla giờ đây chỉ là “kẻ hủy diệt đơn thuần”.

Năm 1996, Godzilla giành được giải thưởng Thành tựu trọn đời - MTV. Tám năm sau đó, năm 2004, Godzilla được “góp mặt” vào dàn sao trên Đại lộ danh vọng Hollywood như một ghi nhận về những đóng góp to lớn và tầm ảnh hưởng vượt khỏi các khung hình của mình.

Đặc biệt hơn cả là vào năm 2015, Godzilla đã chính thức trở thành công dân danh dự của Nhật Bản, có địa chỉ cư trú tại quận Shinjuku. Lễ đón nhận công dân mới do đích thân Thị trưởng quận Shinjuku là Kenichi Yoshizumi chủ trì, với sự tham dự của đông đảo người dân quận, từ trẻ em tới người trưởng thành.

Văn phòng quận đã phát 3.000 giấy chứng nhận quốc tịch của Godzilla đến các fan vào đúng ngày ra mắt “công dân mới” - 30/5/2015. Sự kiện mang lại niềm hân hoan cho người dân khắp xứ sở mặt trời mọc. Một người dân ở Tokyo viết trên trang cá nhân: “Chào mừng cậu. Chúng tôi tha thứ cho cậu tội phá hủy thành phố của chúng tôi trước đây”.

Dường như bên trong không ít người Nhật, Godzilla không phải là một nhân vật hư cấu. Người ta tin rằng sinh vật này có thật và đang tồn tại dưới lòng đại dương sâu thẳm, chờ ngày được đánh thức. Godzilla cũng là lời cảnh báo trong cách ứng xử với môi trường và là một lời nhắc về nỗi đau do năng lượng hạt nhân gây ra.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.