Sự thật từ “Thần phả” sau phim ảnh

Chia sẻ

Thật bất ngờ với nhiều người yêu sử Việt Nam khi biết vua Lê Đại Hành (vua Lê Hoàn) còn có một nàng công chúa nhỏ, được thờ tại Đình Kim Văn, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Mặc dù bộ phim “Huyền sử thiên đô” được quảng bá rầm rộ đã nhắc tới vị Công chúa này và khiến dân làng Kim Văn đệ đơn kiến nghị bởi phim làm sai sự thật, nhưng thực sự nàng là ai?

Vì sao được thờ ở đình làng này thì rất nhiều người tò mò muốn tìm hiểu. Hôm nay, chúng ta cùng tới thăm quan ngôi đình xinh đẹp để tìm hiểu về vị Thánh nữ - Thành Hoàng làng được thờ ở đây.

Bộ phim “Huyền sử thiên đô” đã thu hút được sự quan tâm yêu thích của đông đảo khán giả Việt Nam khi phát sóng nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Trong đó, vai diễn về công chúa Lê Cúc Phương - con gái Vua Lê Đại Hành là một trong những vai diễn được yêu thích nhất trong phim. Hôm nay, chúng ta không bàn về sự hay dở hay đúng sai của phim mà hãy cùng tìm hiểu về vị Thánh Nữ được thờ ở đình Kim Văn - Người là công chúa Lê Cúc Phương, con gái của vua Lê Đại Hành mà bộ phim trên đã đề cập tới.

Hồ nước thơ mộngcó cây xanh và liễu rủ trước cửa đình thờ công chúa Lê Cúc PhươngHồ nước thơ mộng có cây xanh và liễu rủ trước cửa đình thờ công chúa Lê Cúc Phương

Theo bản tóm tắt lịch sử trong “Thần phả” về đình thì nơi đây đã được xây dựng từ hơn một ngàn năm về trước, từ thuở vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và bắt đầu những cuộc chinh phạt giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước. Trong chính sử không nhắc tới các nàng công chúa con vua Lê Đại Hành mà chỉ nhắc tới 11 vị Hoàng tử của Ngài vậy nên không rõ công chúa Lê Cúc Phương là người con thứ mấy trong số các vị Hoàng tử - công chúa. Và “Thần phả” tại Đình Kim Văn cho biết: Công chúa Lê Cúc Phương là con Hoàng Hậu Dương Thị Mai. Khi thụ thai nàng, “Hoàng Hậu đã mơ thấy một cụ già cầm bông sen trắng”, như vậy, theo điềm báo tâm linh thì nàng là một vị thánh nhân. Năm 13 tuổi công chúa đã có nhan sắc “chim sa cá lặn”: “Mới 13 tuổi mà công chúa đã có hình dung yểu điệu, da trắng tóc trơn, đúng là một tuyệt thế giai nhân. Vua muốn dựng lầu kén phò mã nhưng nàng xin vua cha cho hoãn lại vì còn nhỏ tuổi”.

Nhưng cũng vào tuổi này nàng đã ra đi trong họa tranh giành ngôi báu khi vua Lê Hoàn qua đời mà chưa kịp lập con nối ngôi: “Triều thần đón Long Việt lên ngôi báu, lấy hiệu là Trung Tông. Được ba ngày vua Trung Tông bị em cùng mẹ là Long Đĩnh (tức là Vua Lê Ngọa Triều sau này) sát hại, cướp ngôi. Khi họa lớn xảy ra mọi người trong cung đều tìm nơi lẩn tránh, riêng công chúa Cúc Phương vẫn ôm xác vua Trung Tông khóc lóc và mắng nhiếc Long Đĩnh. Tức giận vì bị sỉ nhục Long Đĩnh bèn sát hại công chúa.

Nhà thờ chính của đình Kim Văn nơi có tượng Thánh nữ - Thành Hoàng làng Lê Cúc Phương, con gái Vua Lê Đại Hành.Nhà thờ chính của đình Kim Văn nơi có tượng Thánh nữ - Thành Hoàng làng Lê Cúc Phương, con gái Vua Lê Đại Hành.

Hôm ấy, một vị quan nhỏ trong triều là Lý Công Uẩn (khi đó Hoàng Đế Lý Thái Tổ - tức Lý Công Uẩn mới làm chức Điện tiền quân - theo “Đại Việt sử ký toàn thư”) đem xác Trung Tông đi chôn. Long Đĩnh thấy thế cho là người trung nghĩa liền phong lên chức Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ. Sau khi Ngọa triều băng hà, Lý Công Uẩn được Đào Cam Mộc cùng triều thần tôn lên ngôi báu là Vua Lý Thái Tổ. Vua Lý đổi niên hiệu, dời đô ra Thăng Long, khi giặc đánh phá vùng Diễn Châu, vua Lý thân dẫn quân đi chinh phạt. Về đến cửa Biện Loan, trời đất tối tăm mù mịt, Vua thắp hương khấn trời đất. Từ trên trời, một đám mây trắng bay xuống đất, trong mây có một người con gái, Người ấy tâu: “Bệ hạ với tôi cùng gặp hạn Long Đĩnh, nay Người làm vua còn thiếp làm ma không họ hàng thân thuộc, xin theo lập công để rửa điều oan khiên thuở trước. Vua Lý Thái Tổ trả lời: “Xin cảm ơn công chúa!”. Lời Vua vừa dứt thì gió lặng sóng yên. Khi về đến Thăng Long Vua Lý Thái Tổ sai triều thần viết sắc phong, ban cho công chúa bốn chữ: “Linh Quang Thánh Ý” và cấp cho 22 làng làm đất thang mộc thờ phụng công chúa”.

Sau đó, qua các triều đại, công chúa Lê Cúc Phương - Thánh Nữ - Thành Hoàng làng Kim Văn đã được sắc phong, hiện tại Đình còn có 6 đạo sắc phong, trong đó, sắc phong sớm nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (ngày 26/7/1783) và muộn nhất là vào năm Khải Định thứ 9 (1925).

Hơn một ngàn năm trôi qua, đình Kim Văn - Nơi thờ công chúa Lê Cúc Phương, con gái Vua Lê Đại Hành vẫn được dân làng gìn giữ, tôn tạo. Ngôi đình bề thế, duyên dáng với cảnh sắc nên thơ, yên bình bên những vòm cổ thụ và hồ nước liễu rủ. Tượng công chúa được đặt chính giữa hậu cung, trong long ngai chạm rồng phượng. Hàng năm, vào ngày mùng 8, mùng 9 tháng 2 âm lịch dân làng lại mở hội để tưởng nhớ đến Ngài. Hai bên tả hữu trước cửa đình có đôi câu đối: “Nền xưa đất cũ cảnh sẵn muôn thiêng còn để lại/ Cung cấm nguy nga trông lên đèn sáng khói hương thơm”.

ĐÔNG ÂM

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.