Sửa quy định xử phạt để phù hợp với thực tiễn

Chia sẻ

Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) về bình đẳng giới được ban hành đã tạo lập hành lang pháp lý quan trọng cho việc XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới những năm qua.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định này đã phát sinh những bất cập cả về sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật.

Sự bất cập ấy đã đòi hỏi cần phải sửa lại quy định xử phạt của Nghị định 55 hiện hành. Vì chỉ khi những quy định xử phạt trong lĩnh vực bình đẳng giới sát với thực tiễn, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác thì mới góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Từ đó bảo đảm các quyền bình đẳng của nam và nữ, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh, dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thiếu sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành

Trong thời gian qua, hệ thống quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều sửa đổi bổ sung. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được ban hành năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 thay thế cho Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung 2008); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC được ban hành năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC năm 2012. Tuy nhiên việc ban hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP (Nghị định 55) vẫn căn cứ Pháp lệnh XLVPHC 2002 (sửa đổi, bổ sung 2008) đã hết hiệu lực thi hành. Do vậy, Nghị định 55 không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó, một số nội dung của Nghị định 55 cũng không phù hợp với quy định của Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, quy định về mức phạt tiền tối đa, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 55, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới lên đến 40.000.000 đồng. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC quy định mức xử phạt tối đa hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới là 30.000.000đồng.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chủ trì Phiên họp lần thứ I của Ban soạn thảo xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới ngày 6/7/2021. (ảnh: Int)Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chủ trì Phiên họp lần thứ I của Ban soạn thảo xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới ngày 6/7/2021. (ảnh: Int)

Về thẩm quyền XPVPHC của hầu hết các chức danh quy định trong Nghị định 55 chưa phù hợp với quy định của Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Ví dụ, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 46 Luật XLVPHC 2012 thì Chánh Thanh tra Sở chỉ được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới (tức là chỉ được phạt tiền đến 15.000.000 đồng). Trong khi đó, điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định 55 quy định mức phạt tiền của chức danh Chánh Thanh tra Sở lên đến 30.000.000 đồng. Thêm nữa, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật XLVPHC thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực bình đẳng giới (tức là được phạt tiền đến 3.000.000 đồng). Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 55 đang quy định mức phạt tiền của chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là 2.000.000 đồng.
Một số hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 55 có sự trùng lặp về hành vi vi phạm hành chính quy định tại các nghị định về XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhưng mức phạt không thống nhất với các nghị định này. Do vậy, người có thẩm quyền xử phạt rất lúng túng trong áp dụng. Chẳng hạn như, mức phạt tiền đối với hành vi “sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 55 từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, cùng hành vi nêu trên, mức phạt tiền quy định tại điểm e khoản 2 Điều 27 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ quy định XPVPHC trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì mức phạt tiền quy định từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bất cập và thiếu khả thi trong thực tiễn áp dụng

Thực tế hiện nay cho thấy, một số quy định của Nghị định 55 không còn phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, quy định về mức phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng áp dụng đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm trong Nghị định không tương xứng với tính chất của vi phạm nên không đủ để răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, hoặc hành vi vi phạm về bình đẳng giới có phát sinh trên thực tế, nhưng chưa có quy định hình thức xử phạt khi vi phạm như: Hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 5, Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động, hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo, hoặc làm việc vì lý do giới tính…

Hay như một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có thể đem lại số lợi bất hợp pháp, nhưng Nghị định 55 chưa quy định biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm”. Do đó việc khắc phục hậu quả chưa triệt để và chưa đảm bảo tính nghiêm minh.

Bên cạnh đó, một số quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp dẫn tới những hạn chế điều kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ như vấn đề tuổi nghỉ hưu; tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm... của cán bộ, công chức nữ.

Nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số về công tác bình đẳng giới 	(ảnh: Int)Nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số về công tác bình đẳng giới (ảnh: Int)

Cần có Nghị định mới thay thế để đảm bảo tính hiệu quả

Để bảo đảm xử lý kịp thời những hạn chế, vướng mắc, bất cập về tính thống nhất đồng bộ của Nghị định 55 hiện hành trong hệ thống pháp luật, nhất là để bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đồng thời nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực tiễn đấu tranh chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới để thay thế Nghị định 55 là hết sức cần thiết.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Trong đó, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Theo Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mục đích của việc xây dựng Nghị định quy định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo đảm tối đa hiệu lực, hiệu quả của XPVPHC trong việc bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng về bình đẳng giới được thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách pháp lý thể hiện trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới hiện hành. Nhất là Luật bình đẳng giới và các VBQPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này. Bảo đảm sự phù hợp với Luật Bình đẳng giới và tính thống nhất, đồng bộ của các quy định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới với Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), và hệ thống các nghị định của Chính phủ quy định XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của đời sống xã hội. Bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực tiễn, bảo đảm phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, việc xây dựng Nghị định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì soạn thảo) thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành VBQPPL 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Dự thảo Nghị định mới gồm có 4 chương, 24 điều (giảm 1 Chương, 5 Điều so với Nghị định 55).

Trước đó, tại phiên họp lần thứ I của Ban soạn thảo xây dựng Nghị định XPVPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới do Bộ Lao Động-Thương binh và Xã hội tổ chức, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc ban hành Nghị định mới là thực sự cấp thiết, để đồng bộ hóa với Bộ luật Lao động và hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời khắc phục được những tồn tại, cũng như đảm bảo tối đa hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện XPVPHC trong thực tế cuộc sống. Nghị định mới quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.