Sức khỏe, tính mạng và tương lai của con gái là quan trọng nhất

Chia sẻ

Chiều muộn rồi mà một chiếc xe con biển số tỉnh lẻ đỗ xịch trước cửa văn phòng tư vấn của chúng tôi. Cửa xe mở, hai người, một nam, một nữ trung tuổi xốc nách một cô gái trẻ, kéo vào phòng.

Sức khỏe, tính mạng và tương lai của con gái là quan trọng nhất - ảnh 1

Người đàn ông quay ra nói với lái xe rằng cứ đi đâu đó chơi, bao giờ có điện thoại gọi thì quay lại đón. Thấy cảnh cháu gái khóc lóc, đầu tóc rũ rượi, bị bố mẹ áp giải, nên cả mấy chuyên viên tư vấn đều chạy lại đón “những vị khách không gọi điện trước” này. Nhìn thấy tôi, người đàn ông nói: “À, đây rồi, đúng bác đây rồi. Em xem ti vi, nghe đài, đọc báo, biết nhiều về bác. Từ sáng phải tìm trên mạng mãi mới biết địa chỉ văn phòng tư vấn này, chỉ lo không gặp bác. Xin bác chỉ dẫn giúp gia đình em chứ chúng em rối quá!”.

Khi ba người khách đã yên vị, người đàn ông, bố của cô gái trẻ bắt đầu kể về câu chuyện của gia đình mình:… “Báo cáo các bác, đây là con gái em. Cháu năm nay học lớp 11, ngoan, hiền, chịu khó học, học khá. Vợ chồng em cũng là người có ăn, có học, nên rất quan tâm đến con. Cháu không đi đâu xa, không bao giờ có bạn trai, vậy mà cách đây 3 ngày, cháu thấy khó chịu, nói với mẹ đưa đi khám. Bác sĩ khám xong, cho biết cháu có thai tháng thứ 7. Nghe tin này, vợ chồng tôi bủn rủn tay chân, trời đất như tối sầm. Hỏi cháu, cháu nói cháu không biết, không hề quan hệ tình dục với ai. Khi tôi gọi điện cho một người thân, làm bên ngành y, hỏi về việc có thể phá thai 7 tháng tuổi không thì cô ấy nói rằng có cho người ta 1 tỉ đồng, người ta cũng không dám phá thai lớn thế này. Nhưng điều lạ nhất là cháu “tự nhiên có thai”. Nếu cháu là đứa con gái hư hỏng, nay trai, mai gái, thì chúng tôi không bất ngờ, đằng này, cháu ngoan ngoãn, không yêu đương ai, cháu nó ngây thơ đến mức có thai mà còn không biết tại sao nữa cơ mà. Chúng tôi có mình cháu là gái, còn có 2 đứa em trai nữa. Gia đình tôi đang rối bời, làm sao để cháu không phải lỡ dở học hành, để chuyện không ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng và tương lai sau này của cháu, mong các bác chỉ dẫn…”.

Sức khỏe, tính mạng và tương lai của con gái là quan trọng nhất - ảnh 2

Tôi nói với gia đình rằng việc cháu ngoan, hiền, chăm học là điều tốt, song không có nghĩa là cháu không thể có thai. Bằng chứng đã rõ ràng. Cả bố mẹ và cháu gái đều không quan tâm, không nhận ra con gái có thai tới tháng thứ 7, đây là điều đáng tiếc. Có hai khả năng xảy ra, một là cháu bị ai đó cho uống thuốc mê, thuốc ngủ, rồi thực hiện hành vi xâm hại tình dục, khi tỉnh lại, cháu bị đe doạ là không được nói cho ai biết, nếu không sẽ bị đánh, bị sát hại, nên cháu sợ mà không nói. Hai là, có thể cháu có người yêu, là bạn cùng lớp, cùng trường, cũng còn trẻ dại như cháu. Tuy nhiên, do trót dại mà các cháu đi quá giới hạn, trót có quan hệ tình dục, dẫn tới có thai. Cháu gái lo lắng, sợ nếu khai ra, bố mẹ sẽ doạ nạt, hành hung “người yêu” của cháu, nên cố gắng giữ kín, nói là “không biết tại sao”. Tuy nhiên, việc cần quan tâm của gia đình lúc này không phải tra hỏi, tìm ra thủ phạm, mà bàn bạc xem khắc phục hậu quả này như thế nào để cháu gái không bị ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ, tâm lý, tính mạng… và cả tương lai của cháu nữa. Tôi quay ra hỏi cháu gái: “Bác nói thế có đúng không?”, cháu gái gật đầu.

Tôi mời bố mẹ cháu gái sang phòng bên để tôi nói chuyện riêng với cháu. Tôi nói với cháu: “Cháu nghĩ đến điều gì? Mong muốn điều gì?”. Cháu nói rằng cháu muốn không ai biết chuyện, muốn học hết lớp 12, không muốn nghỉ học nuôi con. Được sự động viên của chuyên viên tư vấn, cháu cũng cho biết đây là kết quả của một lần gặp gỡ với anh trai của cô bạn gái. Hai người có quan hệ tình dục không phải vì tình yêu. Cháu nghĩ chỉ một lần thì không thể có thai. Cháu không muốn giữ đứa bé, không muốn nuôi con, không muốn bố mẹ tra hỏi về đứa bé, chỉ chấp nhận giúp cháu để cháu “giải thoát” được chuyện của mình. Cháu lo vì thấy bố mẹ cứ hỏi về lý do, về nguyên nhân cháu có thai. Cháu càng bảo cháu không biết, bố mẹ cháu càng nghĩ cháu ngoan cố, càng tỉ tê gợi hỏi. Nếu họ không quan tâm đến ai làm cháu có thai thì hỏi làm gì.

Sức khỏe, tính mạng và tương lai của con gái là quan trọng nhất - ảnh 3

Tôi mời bố mẹ cháu vào cùng tham gia cuộc trò chuyện. Tất cả đều thống nhất là không cần quan tâm ai làm cháu có thai nữa. Câu chuyện của cháu không cần chia sẻ rộng rãi, kể cả người thân trong gia đình và bạn bè của cháu. Hiện nay chỉ còn thời gian ngắn nữa là kết thúc năm học, gia đình tạo điều kiện để cháu đi học và hoàn thành kỳ thi cuối năm. Khi cháu nghỉ hè, gia đình có thể đưa cháu đến một thành phố nào đó mà ở đó có bệnh viện phụ sản uy tín để cháu được theo dõi thai nghén, được chăm sóc sức khoẻ và chờ ngày sinh đẻ. Chỉ mong cháu sinh đẻ mẹ tròn con vuông, bởi đây là lần đầu cháu sinh đẻ, cháu lại không được theo dõi thai kỳ từ đầu, không được ăn uống bồi dưỡng, nên rất cần sự có mặt của bố mẹ trong những ngày cháu sinh em bé. Gia đình có dự định gì về em bé chưa? Hôm khám, bác sĩ có cho biết bé trai hay gái, có khoẻ không?
- Dạ - mẹ cháu gái nói – May là thai của cháu khoẻ mạnh, là con trai ạ. Nhưng thú thật, gia đình “chưa có kinh nghiệm” trong việc này, nên không biết “giải quyết” cháu bé ra sao. Chúng tôi chỉ muốn “bỏ” cháu bé đi, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới việc học tập, danh dự của cháu cũng như gia đình.
Tôi hỏi cháu gái:
- Cháu có muốn gửi em bé vào đâu đó, để sau này cháu lớn hơn, trưởng thành hơn, muốn đón nhận con mình về nuôi không?
- Dạ không ạ! – cháu gái từ chối luôn.

Tôi nói với cả gia đình rằng họ thống nhất “bỏ” em bé, phải hiểu là không nhận em về nuôi, chứ không được hiểu bỏ là nạo hay phá thai. Còn việc “giải quyết” cháu bé, có nhiều phương án khác nhau. Một là, khi sinh em bé ra, gia đình trao đổi với đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện về “hoàn cảnh đặc biệt” của cháu gái, đề đạt với họ nguyện vọng “gửi lại em bé” và nhờ họ kết nối cho làm con nuôi những gia đình nào hiếm muộn. Hai là, sau khi sinh em bé, sẽ tìm một cơ sở chăm nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi để gửi bé vào đấy. Khi làm thủ tục gửi bé vào các cơ sở ấy, có thể thoả thuận “không cho người khác nhận làm con nuôi”, để nếu sau này mình muốn xin lại bé về nuôi, vẫn được. Còn nếu thực sự không nghĩ đến chuyện đón bé, thì không cần có thoả thuận này. Còn điều thứ ba, gia đình cứ cân nhắc, nếu được thì rất tốt, cháu bé sẽ có tương lai, bản thân gia đình và cháu gái không phải áy náy lương tâm. Khi tôi nói đến đây, cả hai vợ chồng vị khách đều hỏi đồng thanh: “Phương án gì đấy ạ?”.

… Nếu gia đình mình kinh tế không quá khó khăn, hãy đón cháu bé về làm con nuôi, coi như anh chị nuôi cháu ngoại, nhưng đăng ký nó là “con nuôi”. Cháu bé sinh ra, có thể được gửi ở bệnh viên ít ngày. Cháu gái trở về, nghỉ ngơi ít ngày, rồi đi học bình thường. Sau đó anh chị lên viện xin đón cháu về và công bố “nhặt được đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi”, đón cháu về nuôi “làm phúc”.

Nghe tôi nói về phương án này, cả hai vợ chồng vị khách đều in lặng, chưa có phản ứng gì, bởi hình như họ chưa nghĩ đến. Tôi nhắc họ cứ suy nghĩ về những phương án đã đề ra, còn chọn lựa phương án nào là quyền của cháu gái và gia đình. Điều quan trọng là mọi người đã có “hướng đi”, không còn quá nặng nề tra hỏi cháu gái “ngủ với ai” hay nặng lời, mắng nhiếc con nữa.

Khi gia đình ấy lên xe trở về quê, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của ông bố: “Cháu nó ngoan ngoãn, hiền lành, học chăm, học giỏi”. Tôi cũng nghĩ về câu ông ấy nói: “Chúng tôi là những người có ăn, có học, nên rất quan tâm đến con cái mình. Cháu không có bạn trai, không đi đâu khuya, không đi qua đêm…”. Vậy mà con gái họ có thai tháng thứ 7, họ không biết. Hiền, ngoan, chăm… không có nghĩa là cháu không biết “yêu”, không thể có quan hệ tình dục với bạn trai. Đã có thai, nghĩa là có quan hệ tình dục thực sự, việc các cháu gái nói “không biết” là do các em lo lắng, muốn che giấu “thủ phạm”. Khi sự việc xảy ra, chúng ta không cần đi tìm “nguyên nhân”, mà tìm giải pháp. Mọi chuyện trong cuộc sống cũng được xử lý theo công thức này!

Chuyên gia tư vấn tâm lý
ĐINH ĐOÀN

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.